“Tìm kiếm sự thịnh vượng qua hình ảnh xe hơi”

Tại hội thảo “Khuyến khích mô hình xe đạp công cộng tại Hà Nội” tổ chức sáng 28/9, đại diện các doanh nghiệp, quản lý nhà nước, chuyên gia giao thông đã đóng góp nhiều tham luận, trao đổi kinh nghiệp để tìm giải pháp, hướng đi thích hợp.

Xe đạp: " Tây ưa, ta không chuộng" - ảnh Thiên Ân st

Trong bài phát biểu của mình, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch  chuyên trách UBATGT quốc gia chỉ ra những điểm tích cực – cơ sở cần thiết để đẩy mạnh loại hình vận tải công cộng này: “ Xe đạp không tạo ra khí thải, bởi vậy đây là phương thức vận tải xanh sạch, thân thiện với môi trường. Xe đạp được tổ chức khoa học, kết nối hiệu quả với các hệ thống vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông, cai thiện môi trường ở các thành phố lớn”.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, con đường phía trước của  xe đạp công cộng vẫn còn nhiều thách thức. Ngoài những thiếu khuyết về cơ sở hạ tầng, điểm bãi tập kết xe….  , thì sự phát triển tốc độ “phi mã” của xe máy, ô tô tại các đô thị lớn sẽ tạo lực cản thực sự với sự phát triển xe đạp công cộng. Thêm nữa, ngay trong nhận thức, tâm lý người Việt những năm gần đây, xe đạp được gắn với những gì thuộc về quá khứ, là lạc hậu, là nghèo. Chưa nói đến sử dụng, nhiều người mới nhắc đến xe đạp đã thấy…ngượng và ngại.

“Đi hai trăm mét từ nhà ra ngõ cũng ngồi lên xe máy. Đó đã là thói quen và tâm lý rồi. Cũng như gần đây chúng ta cứ đi tìm kiếm sự thịnh vượng qua hình ảnh của chiếc ô tô. Phải có ô tô mới là sang, là giàu; còn đi xe đạp là nghèo, là lạc hậu.”

Kể về trải nghiệm của một người thường xuyên sử dụng xe đạp (hàng ngày đạp xe đi làm), ông Hùng cho biết khi đến những cơ quan thuộc Chính phủ thì được nhìn bằng “ánh mắt rất lạ”. Trong lĩnh vực giao thông, nhiều thời điểm, những lợi ích của xe đạp chưa được quan tâm đúng mức.

       Xe đạp gắn liền với tà áo học sinh - ảnh Thiên Ân st.

“Khi Sở GTVT Hà Nội mới nhắc đến việc cấm xe máy, truyền thông và dư luận lập tức rộn ràng, nhưng chẳng thấy ai nhắc đến xe đạp như giải pháp để lựa chọn thay thế. Trong khi chúng ta lên tiếng về việc cấm xe máy, phê phán vận tải công cộng yếu kém, nhưng lại chẳng bàn gì về xe đạp”.

Kỳ vọng là “người đóng thế”?

Ủng hộ sự phát triển xe đạp công cộng tại các đô thị lớn, ông Khuất Việt Hùng cho rằng nếu được đầu tư, thực hiện đề án một cách nghiêm túc, xe đạp công cộng tại Hà Nội và các đô thị lớn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm ùn tắc giao thông. “ Không chỉ đóng vai trò kết nối giữa các điểm ( trường học, nhà ga đường sắt đô thị, bến xe buýt…), xe đạp hoàn toàn có thể thực hiện trọn vẹn một hành trình  từ điểm đầu đến điểm cuối trong nội đô với cự ly thích hợp”.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch Hội đồng thành viên  kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho rằng không nên quá kỳ vọng vào việc xe đạp sẽ thay thế các phương tiện vận tải công cộng trong nội đô. “ Tôi coi xe đạp cũng là anh em với các loại hình vận tải công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt,… nhưng phải nói rằng, chỉ nên coi xe đạp là gia vị trên bàn tiệc giao thông, không phải là món chính.

Đã là gia vị thì chỉ nên ở mức vừa phải, không phải là cứ quá khuyến khích quay về đi xe đạp như thời trước. Cho nên, cần xác định rõ mục tiêu, chỉ định rõ đặt xe đạp công cộng ở những điểm nào, tuyến nào, tránh việc để tràn lan gây ùn tắc thêm.”

Trong vai trò giám đốc Dự án xe đạp, xe đạp điện công cộng đa điểm BK –Ebike đang thực hiện tại Hà Nội, ông Phạm Tuấn Hiệp cho biết, tầm nhìn từ nay đến năm 2020, sẽ mở rộng dự án trên toàn thành phố. “ Đến năm 2016, BK –Ebike đã tổ chức được 780 xe, trong đó có 600 xe đạp, 180 xe điện.  Đến năm 2020, chúng tôi dự kiến sẽ đưa vào hoạt động 12.000 xe và 400 trạm. Tuy nhiên, để thực hiện được  điều này, vấn đề then chốt là phải được hỗ trợ về bến bãi hạ tầng. Hiện này, cách 5 km, thậm chí 9- 10km mới có một trạm xe nên chưa thể thu hút được người sử dụng”.

Theo VTOTO – Thiên  Ân st