Sân bay quốc tế Nội Bài

Phát triển đồng bộ các phương thức, loại hình

Theo Quyết định 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 chỉ rõ GTVT là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, một trong ba khâu đột phá, cần ưu tiên đầu tư phát triển đi trước một bước với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo hiệu quả, bền vững trong khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hiện có.

Theo đó đến năm 2020, hệ thống GTVT nước ta cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội, đảm bảo chất lượng ngày càng được nâng cao, giá thành hợp lý; kiềm chế tiến tới giảm dần TNGT và hạn chế ô nhiễm môi trường. Về tổng thể phải hình thành được một hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải, phát triển một cách đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại nhằm góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Về vận tải, sẽ phát triển hài hòa, hợp lý các phương thức:Vận tải đường bộ chủ yếu đảm nhận việc gom hàng, tạo chân hàng, vận chuyển hàng hóa, hành khách với cự ly ngắn và trung bình. Vận tải đường biển chủ yếu đảm nhận vận chuyển hàng hóa viễn dương, các tuyến ven biển, nhất là vận tải Bắc - Nam, vận tải than nhập khẩu phục vụ các nhà máy nhiệt điện, vận chuyển dầu thô phục vụ các nhà máy lọc hóa dầu; nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lên 25 - 30%; phát triển tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo; vận tải đường thủy nội địa chủ yếu đảm nhận vận tải hàng rời khối lượng lớn (than, xi măng, phân bón, vật liệu xây dựng...) hàng siêu trường, siêu trọng trong nội địa. Vận tải hàng không chủ yếu đảm nhận vận tải hành khách đường dài, quốc tế và hàng hóa có giá trị kinh tế cao; phát triển vận tải hàng không trở thành phương thức vận tải an toàn và thuận tiện theo hướng thị trường mở, gắn liền với thị trường vận tải hàng không khu vực và thế giới.

Xe khách chất lượng cao, phục vụ tốt hơn nhu câu đi lại của nhân dân.

Tỷ lệ đảm nhận giữa các phương thức vận tải đến năm 2020: Tổng khối lượng vận chuyển hành khách là 6.240 triệu hành khách (HK), trong đó đường bộ đảm nhận 86,0 - 90,0%; đường sắt 1,0 - 2,0%; đường thủy nội địa 4,5 - 7,5% và hàng không 1,0 - 1,7%. Tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa là 2.090 triệu tấn, trong đó đường bộ đảm nhận 65,0 - 70,0%; đường sắt 1,0 - 3,0%; đường thủy nội địa 17,0 - 20,0%; đường biển 9,0 - 14,0% và hàng không 0,1 - 0,2%.

Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông: Đối với trục dọc Bắc - Nam ưu tiên đầu tư, hoàn thành nâng cấp và mở rộng QL1 với quy mô 4 làn xe; tập trung đầu tư xây dựng trước một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam với thời gian phù hợp có xét đến hiệu quả chung của việc khai thác các đoạn tuyến QL1 song hành; đầu tư nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh và nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên; lựa chọn đầu tư những đoạn có nhu cầu trên tuyến đường bộ ven biển gắn với đê biển; tập trung, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có; tiếp tục nghiên cứu các phương án khả thi để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp đường sắt tốc độ cao; phát triển mạng đường bay chủ yếu theo mô hình trục nan với tần suất khai thác cao, dịch vụ trung chuyển tốt tại hai trung tâm là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Về phát triển GTVT đô thị: Phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng; phấn đấu quỹ đất dành cho giao thông đô thị từ 16 - 26%. Đối với các thành phố lớn, phát triển mạnh hệ thống xe buýt, nhanh chóng đầu tư xây dựng các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao và tầu điện ngầm để đạt tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng từ 25 - 30%; kiểm soát sự phát triển của xe máy, xe ô tô cá nhân, đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án đường sắt đô thị, đường sắt nội ngoại ô tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; tổ chức quản lý giao thông đô thị một cách khoa học, sử dụng công nghệ và các trang thiết bị hiện đại như tín hiệu, đài điều khiển, hệ thống camera, hệ thống giao thông thông minh (ITS); nâng cấp hai trung tâm điều khiển giao thông tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, đầu tư các trung tâm tương tự ở các đô thị khác khi có nhu cầu.

Hạ tầng giao thông TP.HCM

Vốn - bài toán nan giải

Nhu cầu phát triển của Ngành đang còn rất lớn, tuy nhiên hiện nay nguồn vốn ngân sách dành cho đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông thì rất hạn hẹp. Theo báo cáo của Bộ GTVT, Bộ đã xây dự kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 với tổng nhu cầu vốn đầu tư vào khoảng 952.731 tỷ đồng (bao gồm 604.814 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và 347.917 tỷ đồng vốn huy động ngoài NSNN). Theo dự kiến, vốn kế hoạch vốn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ GTVT mới được bố trí 209.111 tỷ đồng; bao gồm: Vốn ODA nước ngoài 97.221 tỷ đồng, vốn trong nước 36.890 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 75.000 tỷ (trong đó 5.000 tỷ đồng dành riêng cho công tác GPMB Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành). Theo yêu cầu của nghị quyết Quốc hội và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT mới chỉ được phân bổ chi tiết 90% số vốn được thông báo là 188.200 tỷ đồng. Như vậy, số vốn NSNN được phân bổ chỉ đáp ứng khoảng 31% nhu cầu vốn NSNN (bao gồm vốn ODA, vốn ngân sách trong nước và vốn trái phiếu Chính phủ).

Trong cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì với lãnh đạo Bộ GTVT cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, khả năng sử dụng toàn bộ số vốn 70.000 tỷ cho các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn 2017 - 2020 là rất khó khả thi trong điều kiện hiện nay khi huy động vốn ngoài NSNN đang gặp nhiều vướng mắc. Do đó, muốn đẩy mạnh huy động vốn để đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam cần thiết phải có điều chỉnh về cơ chế chính sách phù hợp. Tuy nhiên, việc này cần có thời gian, cân nhắc, không thể thực hiện trong thời gian ngắn. Ngoài ra, trong điều kiện nguồn vốn NSNN có rất nhiều khó khăn, thậm chí phải giãn tiến độ, nhiều dự án do không cân đối được nguồn vốn thì việc triển khai nhiều dự án quan trọng, cấp bách đã được Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có ý kiến chỉ đạo trong giai đoạn này sẽ không thực hiện được, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, khu vực. Với lý do nêu trên, để hài hòa nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông trong giai đoạn hiện nay, Bộ GTVT xây dựng phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020, trong đó dành một phần vốn cho các dự án giao thông quan trọng, cấp bách khác.

Cũng theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, với phương án này sẽ dành khoảng 41.414 tỷ đồng làm vốn tham gia của Nhà nước trong các dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam để đầu tư thêm 573km cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, tính cả 131km các đoạn đã hoàn thành (Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây) và 182km đang triển khai đầu tư (Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành) thì đến năm 2020 có khả năng hoàn thành 886km cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh; còn lại 799km cao tốc Bắc - Nam sẽ được giải phóng mặt bằng trước để tiếp tục huy động vốn để đầu tư giai đoạn sau năm 2020. Song song đó sẽ dành khoảng 7.000 tỷ đồng để triển khai các dự án cấp thiết nhất nhằm từng bước cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh và dành khoảng 21.586 tỷ đồng để triển khai một số dự án cần thiết, cấp bách, có tính kết nối, lan tỏa vùng miền, có tác động thúc đẩy kinh tế - xã hội. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chủ trương xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam là nhiệm vụ chính trị, chúng ta phải hoàn thành.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Về những tồn tại, khó khăn trong việc huy động vốn đầu tư qua hình thức PPP, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định, để có thể tháo gỡ các khó khăn, tiếp tục kêu gọi đầu tư tư nhân theo hình thức PPP một cách minh bạch, hiệu quả trong điều kiện nguồn vốn NSNN đang rất khó khăn như hiện nay, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về hình thức đầu tư PPP có tính đến đặc thù của hình thức đầu tư này, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam; tổng kết và sớm xây dựng ban hành Luật Đầu tư đối tác công - tư... Bên cạnh đó, Bộ đề nghị Chính phủ ban hành tiêu chí về thành lập trạm thu phí đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên trên nguyên tắc phải tham vấn các bên liên quan và tiến hành đánh giá độc lập về tác động mức giá; dừng quy hoạch trạm thu phí; ban hành quyết định về thu phí tự động không dừng và xây dựng lộ trình tiến tới áp dụng toàn bộ thu phí tự động.

“Hiện nay, nguồn vốn tín dụng dài hạn trong nước đang rất khó khăn và quy mô không lớn. Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét chấp thuận chia sẻ một số rủi ro đối với các nhà đầu tư để kêu gọi đầu tư và nguồn vốn tín dụng nước ngoài thông qua việc cung cấp bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh trách nhiệm của Chính phủ đối với các dự án quan trọng quốc gia. Trước mắt, đề xuất Chính phủ cho phép bảo lãnh cho 2 dự án thí điểm là đường cao tốc Dầu Giây đi Phan Thiết và Tân Vạn đi Nhơn Trạch. Sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đánh giá độc lập hiệu quả cũng như tác động của việc bảo lãnh đối với nợ công làm cơ sở hoàn thiện chính sách”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề xuất.

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT chủ trì và chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng một số cơ chế đặc thù để phát triển trong các lĩnh vực đầu tư, quản lý đường cao tốc; thu hút các phương thức đầu tư từ nguồn lực xã hội hóa (như PPP, BT, BOT…); thể chế điều hành; tìm nguồn lực ODA để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan sửa Nghị định về quản lý, đầu tư, quyết toán các dự án PPP để có phối hợp cho đồng bộ.

“Thể chế cũng là do chúng ta nghĩ ra, sai và chưa đúng với tình hình thực tiễn thì phải sửa để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước có cơ hội và an tâm đầu tư”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Mục tiêu đến năm 2030 cơ bản hoàn thiện mạng lưới GTVT trong cả nước, đảm bảo sự kết nối và phát triển hợp lý giữa các phương thức vận tải. Chất lượng vận tải và dịch vụ được nâng cao, đảm bảo nhanh chóng, an toàn, tiện lợi; cơ bản hoàn thành xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc; triển khai xây dựng một số đoạn trên tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Hệ thống đường bộ, đường sắt Việt Nam đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kết nối thuận lợi với hệ thống đường bộ ASEAN, Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và đường sắt xuyên Á.

Hệ thống cảng biển đáp ứng tốt nhu cầu thông qua về hàng hóa xuất nhập khẩu và nội địa. Các cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm gắn liền với hệ thống trung tâm phân phối hàng hóa, hệ thống giao thông kết nối đảm bảo tạo thành mạng lưới cơ sở hạ tầng logistics hiện đại, hiệu quả ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực.

Hoàn thành đưa vào cấp kỹ thuật, đảm bảo chạy tầu 24/24h các tuyến đường thủy nội địa; cơ giới hóa bốc xếp và hoạt động có hiệu quả tại các cảng, bến thủy nội địa; phát triển mạnh các tuyến đường thủy nội địa ra các đảo; cơ bản hoàn thiện mạng lưới cảng hàng không trong cả nước với quy mô hiện đại; cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Long Thành có vai trò và quy mô ngang tầm với các cảng hàng không quốc tế lớn trong khu vực. Hệ thống quản lý hoạt động bay hiện đại, đảm bảo tầm phủ của các trang thiết bị liên lạc, dẫn đường và giám sát theo yêu cầu nhiệm vụ trong toàn bộ vùng FIR của Việt Nam theo đúng kế hoạch không vận của ICAO.

Phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại; từng bước xây dựng các tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn tại các đô thị loại I; tiếp tục phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để đảm bảo tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 40 - 45%.

Theo tapchigiaothong.vn.