Việc nghiêm chỉnh chấp hành cách quy định khi tham gia giao thông một cách thường xuyên sẽ tạo thành thói quen và dần trở thành ý thức. Khi đó, mỗi người sẽ tự giác chấp hành Luật giao thông một cách tự nguyện chứ không còn là sự bắt buộc.
Nhằm hình thành thói quen cho người dân chấp hành Luật giao thông, các ngành, đoàn thể huyện Trần Văn Thời thời thường xuyên lồng ghéo nội dung tuyên truyền ATGT vào trong các cuộc họp giao ban, họp báo hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, hay tổ chức các đợt tập huấn chuyên sâu về ATGT. Qua đó từ đầu năm 2017 đến nay, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc các cấp và các thành viên đã lồng ghép tuyên truyền trên 1.500 cuộc, cho hàng chục ngàn lượt đoàn viên, hội viên.
Hội LHPN Trần Văn Thời thường xuyên lồng ghép tuyên truyền ATGT vào các cuộc họp.
Song song đó, Đội Cảnh sát giao thông – TTCĐ- Công an huyện Trần Văn Thời thường xuyên tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường liên xã, tuyến tỉnh lộ từ Cà Mau về thị trấn Sông Đốc, xử phạt những hành vi vi phạm Luật giao thông, đồng thời, tuyên tuyền, nhắc nhở cho người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông.
Tính đến ngày 15/7/2017, Đội Cảnh sát giao thông – TTCĐ - Công an huyện Trần Văn Thời đã tuần tra được 668 ca, phát hiện 2 ngàn 442 trường hợp vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính 2 ngàn 064 trường hợp, trong đó có 30 trường hợp phạt cảnh cáo. Tổng số tiền xử phạt gần 1,8 tỷ đồng; các lỗi chủ yếu như: không giấy phép lái xe, vi phạm nồng độ cồn; không đội mũ bảo hiểm; không đủ tuổi điều khiển phương tiện; vượt tải; chạy quá tốc độ theo quy định.....
Đội Cảnh sát giao thông – TTCĐ- Công an huyện Trần Văn Thời thường xuyên tuần tra, kiểm soát giao thông, xử phạt những trường hợp vi phạm ATGT.
Mô hình dân vận khéo "Tiếng loa an ninh" của Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện Trần Văn Thời được thực hiện ở 13/13 xã, thị trấn cũng là một trong những phương tiện hữu ích tuyên truyền Luật giao thông, văn hóa khi tham gia đến người dân.
Ông Phan Văn Hùm, người dân ở ấp Rạch Ruộng A, xã Khánh Lộc cảm nhận "Tôi thấy mô hình "Tiếng loa an ninh" rất hay, các bài tuyên truyền như lời nhắc nhỡ cho mỗi người, từ đó, nâng hiểu biết của dân về pháp luật hơn trước đây. Đặc biệt giúp người dân nâng cao hiểu biết về Luật giao thông hơn trước đây. Bản thân tôi cũng nhắc nhở con cháu mình tuân thủ ATGT để bảo vệ an toàn cho bản thân mình như đội nón bảo hiểm khi tham gia giao thông, khi đã uống rượu bia thì không tham gia giao thông ".
Bà Nguyễn Thị Liên, ấp Vườn Tre, xã Khánh Lộc, bày tỏ "Tôi thấy mấy chú Công an xã tuần nào cũng đi phát loa, thường là phát vào những lúc người dân đi làm về. Bản thân tôi, nghe thường xuyên nên từ từ đã nắm được nhiều kiến thức về pháp luật mà trước đó tôi không biết. Từ đó, không chỉ tôi mà nhiều người dân trong ấp được nâng cao hiểu biết về pháp luật, đồng thời, tuyên truyền lại cho con cháu cùng chấp hành nghiêm luật giao thông".
Chấp hành Luật giao thông bằng những hành động đơn giản khi điểu khiển phương tiện như: đi đúng phần đường, đúng tốc độ, bật xi nhan trước khi muốn chuyển hướng khác, thường xuyên quan sát gương chiếu hậu....đồng thời, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông và khi xảy ra va chạm giao thông....Mỗi một người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật giao thông sẽ có sức ảnh hưởng, lan tỏa ra những người trong gia đình, trong cùng cơ quan và cộng đồng xã hội, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình và những người xung quanh khi tham gia giao thông từ đó, lan tỏa, tác động đến toàn xã hội.
Kiều Oanh