Mấy ngày sau đó, khi đang trên đường đi U Minh công tác, tôi lại gặp ông trên đường Vành Ðai 2, phường 9, TP Cà Mau. Vẫn chiếc xe Honda 67 cũ kỹ làm bạn đồng hành, vẫn mặc bộ quần áo bạc màu, khuôn mặt luôn biểu hiện vẻ điềm tĩnh, chậm rãi, thanh thản, bỏ mặc mọi thứ xung quanh. Một chiếc búa, vài chiếc bao tải đựng nhựa đường nóng, ông lặng lẽ vá đường. Ðoạn đường này nhiều ổ gà hơn đường Nguyễn Trãi, ban đêm nơi này cũng không có đèn chiếu sáng.

            
                              Ông Trần Vĩnh Kháng đang làm công việc vá đường - Ảnh:  Thiên Ân


Bắt chuyện với ông, thật lạ kỳ, ông nghe nhưng không nói mà lấy giấy ra viết.
- Xin lỗi, vì sao chú làm việc này?
-  Vá ổ gà để bà con đi an toàn và đường lâu hư.
- Nhựa đường ở đâu chú vá?
- Lượm bên Quản lộ Phụng Hiệp, nơi đó đang làm đường, nhựa rơi lên vỉa hè không ai gom. Gom qua đây vá, gom lúc nhựa còn nóng vá đường mới dính.
- Ai kêu chú làm vậy?
- Tự nguyện làm, không ai kêu, làm phước mà.
- Chú làm việc này được bao lâu rồi?
- Từ năm 2009 đến nay, sau khi con cái lớn, có công ăn việc làm ổn định, mình còn làm việc gì có ích và thanh thản thì cứ làm.
Nói chuyện với ông một lúc, tôi bị lây kiểu nói chuyện viết ra giấy lúc nào không hay. Hai người viết qua, viết lại trên những tờ lịch cũ ông chuẩn bị sẵn trong túi. Vừa nói chuyện không mở miệng, tôi quan sát thật kỹ vóc dáng và chiếc xe của ông. Năm nay đã 62 nhưng cơ bắp ông vẫn còn khá rắn chắc, chiếc búa 5 kg, dụng cụ ông làm cây dầm sau khi đổ nhựa nóng lấp ổ gà xong quá nhẹ so với thể lực của ông.  Ba-ga chiếc xe được chế tạo để có thể chất nhiều bao tải cùng một lúc và trên cổ xe rất nhiều bó dây tép buộc gọn ghẽ, để khi cần cột miệng bao chứa nhựa đường là có dùng ngay.
Ông thứ Hai, tên Trần Vĩnh Kháng, ngụ tại khóm 4, phường 4, TP Cà Mau. Do đang bận đi công tác, tôi đành gác lại tật nhiều chuyện của mình và xin địa chỉ của ông với một cái hẹn.
Tật nhiều chuyện không để tôi tìm ông như đã hẹn. Chỉ sáng hôm sau, tôi đến phường 4, nhờ anh Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch UBND phường phân công người dẫn tôi đến nhà chú Hai Kháng. Vừa nghe tên chú Hai Kháng, anh Minh nói ngay: “Chú Hai không chỉ vá đường mà việc từ thiện gì ổng cũng làm”.
Tôi được anh Ðặng Minh Trợ, Tổ trưởng Tổ Bảo vệ dân phố, dẫn bộ qua nhà chú Hai, cách Trụ sở khóm 4 chừng 300 thước. Anh Trợ bộc bạch: “Mỗi lần tôi tạt ngang nhà thu phí an ninh trật tự, chú Hai đều vui vẻ đóng tiền. Dù không nói nhưng qua cách tiếp xúc, qua ly nước tận tay chú rót, tôi biết chú ủng hộ mình. Hơn thế nữa, dù lớn tuổi nhưng chú Hai rất khoẻ vì sáng sớm, chiều tối nào cũng luyện võ. Ổng có thể đạp xe từ đây vô Cầu số 4, xã Tân Lộc và trở về chỉ trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ. Việc này có quay phim in đĩa hẳn hoi”.
Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng vì đến nơi cần tìm. Trước mặt tôi là một căn nhà cổ, nói đúng hơn là một hãng nước mắm cổ có tên Huê Hương. Mái nhà vẫn còn lợp ngói âm dương. Vợ chú Hai Kháng, thím Hai (Nguyễn Kim Ngân) vui vẻ cho hay: “Huynh tôi mới mang xe đạp điện của tôi đi sửa, một lát mới về”.
Thím Hai cho biết chú cầm tinh con rồng (sinh năm 1952), thím nhỏ hơn chú 4 tuổi. Chú quê Cà Mau, thím quê Tây Ninh. Tây Ninh cũng là quê ngoại của chú Hai Kháng, bà chủ Hãng nước mắm Huê Hương. Bà ngoại cũng là người tác hợp tơ duyên và giao lại hãng nước mắm cho vợ chồng chú Hai Kháng.
Hai vợ chồng chú Hai Kháng lấy nhau đã 40 năm, có với nhau 8 mặt con, 4 trai, 4 gái. Thím Hai bộc bạch: “Huynh tôi tịnh khẩu đã 29 năm. Tịnh khẩu vì ông làm theo điều răn của Phật, không nói mà làm điều thiện. 29 năm qua vợ chồng hoà thuận cùng nuôi dạy con cái nên người. Cuộc sống gia đình tôi không khá giả gì, nhìn lên không bằng người, nhưng nhìn xuống thấy bao người còn khổ hơn mình, nhất là con cái ngoan hiền, hiếu thảo, đứa nào cũng nên người là vợ chồng mãn nguyện rồi”. 
Tính đến nay, đã 31 năm cả nhà chú Hai Kháng ăn chay trường, đó cũng là thời gian chú bỏ nghề làm nước mắm và không sát sinh, chuyển sang nghề sạc bình ắc quy và sửa xe đạp. Vợ chồng chưa bao giờ giận nhau. Chú không nói và chưa bao giờ nóng giận với ai. Trước đây, khi còn lo kinh tế gia đình, chú Hai vẫn luôn làm công quả bằng cách đi xin thuốc và chặt cây thuốc nam từ khắp nơi trong tỉnh, sau đó chở về Chùa Tịnh Ðộ, phường 5. Từ năm 2009 đến nay, khi con cái đã lớn khôn, không còn bận tâm chuyện cơm áo gạo tiền hằng ngày, chú Hai Kháng bắt đầu hành trình vá đường, sửa cầu và đi mua xe đạp phế liệu về sửa trao cho học sinh nghèo.
Hành trình vá đường, sửa cầu của chú Hai Kháng nhận được sự tiếp sức đắc lực của con cái. Không chỉ đi nhặt nhựa đường rơi vãi vá lộ, khi chứng kiến những con đường bê-tông đâu đó bị bong tróc, sụp ổ gà, chú Hai viết ra giấy cho các con biết yêu cầu của mình: “Ba muốn mua xi-măng, cát, đá vá lộ”. Thế là các con đưa tiền cho ông làm việc giúp đời. Năm rồi, anh con trai thứ Năm, đứa con sau khi có vợ ra riêng được vợ chồng ông cho 15 công vuông, học theo cha góp tiền xây cầu nông thôn.
          

Ông Trần Vĩnh Kháng sửa xe đạp cũ mua từ vựa phế liệu để trao cho học sinh nghèo - Ảnh: Thiên Ân 


Chú Hai Kháng lặng lẽ vá đường ít người để ý, nhưng thường xuyên ghé các vựa phế liệu tại TP Cà Mau mua xe đạp bỏ đi, mang về sửa lại trao cho học sinh nghèo thì nhiều người biết. Bên hiên nhà chú Hai có một kho phụ tùng xe. Mua xe đạp phế liệu mang về chú rã ra. Thứ gì còn xài được thì lau chùi, vô dầu mỡ, cất đi, còn thứ không xài được thì bán phế liệu trở lại. Những thứ còn xài được ráp với nhau thành xe đạp mới. Học sinh nghèo trong xóm, học sinh tại các vùng lân cận thuộc phường Tân Xuyên, xã An Xuyên không có xe thì tìm đến ông Hai xin cho cháu chiếc xe đi học. Cứ như thế hàng trăm chiếc xe đã đồng hành cùng bọn trẻ đến trường. Khai giảng năm học 2014-2015 vừa rồi, để học sinh nghèo Trường Tiểu học An Xuyên cháu nào cũng có xe đến lớp, chú Hai Kháng ngày đêm không nghỉ bắt tay vào sửa, lắp ráp và 20 chiếc xe đạp đã được trao.   
Rồi tôi cũng gặp được chú Hai Kháng trong căn nhà của mình, không vồn vã tay bắt mặt mừng, nhưng tôi cảm thấy rất gần gũi. Một thoáng chào xã giao, như thường lệ, chú rút trong túi áo ra một xấp giấy lịch cũ và viết:“Bữa nay chuẩn bị tiếp tục gom nhựa rơi vãi, đi vá ổ gà ngay ngã tư đường Trần Hưng Ðạo - Bùi Thị Trường”. Viết xong chú bước vào trong nhà chuẩn bị đồ nghề chất lên chiếc xe 67 và lên đường.
Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi chứng kiến một người dùng tay không móc từng mảnh nhựa đường nóng còn ướt, dưới các kẽ cống thoát nước trên đường bỏ vào bao tải. Những người đi đường nhìn chú Hai với con mắt hiếu kỳ, có lẽ họ đang nghĩ ông già được người ta mướn móc nhựa đường cho nước có đường thoát. Suy nghĩ đó cũng không sai, vì việc chú Hai Kháng làm lợi cả đôi đường…
Sau khi đã gom đủ số lượng nhựa đường cần xài, chú Hai Kháng chất lên xe đến điểm đã định trước… Giữa đường Trần Hưng Ðạo, ngay ngã tư giao nhau với đường Bùi Thị Trường là 1 ổ voi. Lấy mấy cái bao tải màu trắng để gần vị trí ổ voi cảnh báo người qua lại, chú Hai bắt đầu vá đường. 10 phút sau, người đi đường qua đoạn này ít ai biết rằng trước đó không lâu nơi họ đi qua có 1 ổ voi tồn tại.
Tạm chia tay chú Hai Kháng, bỗng dưng tôi không nói mà viết lại mấy dòng: “Cảm ơn chú, con đã cảm nhận được thế nào là tịnh khẩu, là người không nói mà làm”. Trên đường về, tôi chạy thật chậm quan sát những người xung quanh. Cuộc sống đang trôi qua hối hả, con người ngày càng có ít thời gian dành cho nhau. Nhìn những căn nhà cao tầng, kín cổng, tôi liên tưởng đến căn nhà mái ngói âm dương cửa luôn rộng mở, với vườn cây thuốc nam mà chú Hai Kháng đã trồng trong vườn. Ðinh lăng, trắc bá diệp, sò huyết, nha đam, nhân trần… những cây thuốc để láng giềng bị bệnh ghé qua nhà hái lúc nào cũng được. Nhìn những chiếc xe tay ga lướt nhẹ trên đường, tôi nghĩ đến những niền xe đạp cũ treo ngay ngắn, thành dãy trên vách ngoài hiên nhà chờ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến, sẽ ráp thành xe để tặng. Bỗng tôi chợt giật mình, bởi quên hỏi chú Hai một câu thật quan trọng là: “Sao chú biết những chỗ đó có ổ gà, ổ voi mà đến vá lại?”
                                                                                                                   Bút ký của Thiên Ân