Cần quy hoạch và đầu tư để phát huy tiềm năng
Theo Đại biểu Trương Minh Hoàng, thực tiễn qua những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc cũng như sau khi hòa bình lập lại ngay trong công cuộc xây dựng đất nước, vai trò của đường thủy nội địa đóng góp rất quan trọng trong bảo vệ an ninh, phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, vấn đề băn khoăn ở đây là vì sao sức tập trung đầu tư cho lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa còn thấp. Bởi chính vì đầu tư thấp, nên về cơ sở hạ tầng của giao thông thủy nội địa gặp rất nhiều khó khăn, từ đó dẫn đến sức đóng góp cho nền kinh tế ở lĩnh vực này thay cho việc vừa phát huy được thế mạnh điều kiện tự nhiên để thu về nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội thì lĩnh vực này hiện đang phát triển ở mức rất khiêm tốn.
Đại biêu Trương Minh Hoàng phát biểu tại hội trường QH Khóa XIII (Ảnh: Văn Thăng)
Dẫn chứng cho vấn đề trên, Đại biểu Trương Minh Hoàng lấy ví dụ, bây giờ chúng ta đầu tư cho đường thủy nội địa tốt thì đương nhiên kéo theo đó là vấn đề vận chuyển các sản phẩm sản xuất từ các nơi đến các vùng miền cũng rất rẻ, bởi chi phí vận chuyển phát huy được điều kiện tự nhiên, điều đó cũng có nghĩa giúp giá thành sản phẩm có sức cạnh tranh cao hơn.
Theo Đại biểu Trương Minh Hoàng, có những cơ sở sản xuất muốn đưa hàng hóa đến nơi tiêu thụ cách xa chừng 200 – 300km đã phải huy động vài chục chiếc xe ô tô tải, theo đó dẫn đến những hệ lụy an toàn giao thông trên đường bộ có độ rủi ro cao, việc xe xả thải khí vào môi trường gây ra vấn đề ô nhiễm cũng rất lớn, đấy là chưa nói đến đường bộ sụt, lún, giá thành phí lưu thông cao…. Tuy nhiên, nếu đưa hàng xuống được đường thủy nội địa thì tất cả những bất cập trên sẽ không còn. Vì vậy, nếu giao thông đường thủy nội địa được đầu tư thỏa đáng thì sẽ thu hút được nhu cầu sử dụng phương thức vận tải vừa rẻ, chở được nhiều hàng cồng kềnh, độ an toàn cao,…
Phương tiện giao thông thủy đang lưu thông trên hệ thống sông đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh Văn Thăng)
"Điều kiện địa lý tự nhiên ở nước ta rất thuận lợi cho việc phát triển giao thông thủy nội địa, vì hệ thống sông, kênh…chằng chịt và đan xen lẫn nhau thông suốt từ Nam ra Bắc. Vì vậy, ngay cả trong chiến tranh vệ quốc chúng ta cũng đã phát huy lợi thế vận tải bằng đường thủy nội địa vừa đảm bảo được giao thông vừa đảm bảo được an toàn, là huyết mạch làm được nhiều việc. Bây giờ trong phát triển kinh tế, xã hội nếu chúng ta không biết phát huy hiệu quả giao thông thủy nội địa thì đây chính là sự lãng phí không chỉ tính bằng giá trị vật chất mà còn cả giá trị tinh thần khi văn hóa sông nước luôn gắn liền với đời sống của người dân từ khi khai thiên lập địa", Đại biểu Trương Minh Hoàng phân tích.
Khẳng định giá trị kinh tế và văn hóa mà hệ thống giao thông đường thủy nội địa đem lại trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân, Đại biểu Trương Minh Hoàng còn cho rằng, việc đầu tư cho hệ thống đường sông cũng không tốn kém như giao thông đường bộ, hay đường sắt, đường hàng không… Bởi đường sông khi luồng lạch không bảo đảm thì công tác bảo đảm an toàn duy tu, bảo dưỡng chỉ cần tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy, vấn đề này khác hoàn toàn với đường bộ với nhiều công đoạn rất tốn kém như phải giải phóng mặt bằng, gia cố nền đường, rải nhựa. Hay như đường sắt là phải làm cả toàn tuyến…
Đầu tư đúng mức cho đường thuỷ còn chống sạt lở đất ( ảnh Văn Thăng)
“Đặc biệt, với giao thông thủy nội địa, khi con sông đó đi qua các khu đô thị hay các trung tâm thị trấn, thị tứ thì chúng ta chỉ cần nạo vét, như khi làm giao thông đường thủy phía Nam, lúc đó tôi làm Bí thư huyện ủy của một huyện có đường thủy nội địa đi qua nhiều khu thị tứ, để phát huy hiệu quả hệ thống giao thông này, Ban quản lý đường thủy phía Nam đã tiến hành nạo vét đường kênh, theo đó tất cả bùn, đất ở dưới lòng sông khi tiến hành khơi thông đều được đưa lên trên vườn, ruộng của bà con xung quanh hệ thống sông, kênh chảy qua. Nhờ đó, hệ thống đường thủy vừa được đảm bảo an toàn khi lưu thông, đồng thời ruộng, vườn của bà con lại được bồi đắp thêm phù sa, màu mỡ… đây chính là quà tặng từ các dòng sông mang lại khi tiến hành nạo vét”, Đại biểu Trương Minh Hoàng cho biết.
Theo Đại biểu Trương Minh Hoàng, chính vì lợi ích đã được khẳng định của giao thông đường thủy nội địa nên vấn đề còn lại của việc hoạch định chính sách là cần đưa ra được một giải pháp để phát huy hiệu quả loại hình giao thông đầy tính ưu việt này. Muốn vậy, giải pháp ở đây là đi liền với công tác quy hoạch thì cần có chính sách đầu tư cho xứng với tiềm năng của giao thông thủy nội địa. Theo đó, việc đầu tư cần tiến hành đồng bộ, không chỉ là cơ sở hạ tầng, không chỉ là bến bãi, mà cần phải tính toán cả những vấn đề như quản lý phương tiện. Bởi nâng cao chất lượng dịch vụ chính là động lực để thu hút không chỉ trong vận chuyển hàng hóa mà còn thu hút được du khách đến với sông nước đi bằng đường thủy để ngắm sông và khám phá đời sống văn hóa gắn liền với sông nước từ hàng ngàn năm nay của dân tộc Việt Nam.
“Hiện nay do cách đánh giá về giao thông đường thủy nội địa chưa đúng tầm, chưa bao quát nên kéo theo đó là sự quam tâm đầu tư chưa thật sự công bằng so với các loại hình giao thông khác. Tôi mong rằng, để phát huy được lợi thế về địa hình sông, ngòi, kênh rạch của Việt Nam thì các cơ quan chức năng cần kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để dành kinh phí thỏa đáng đầu tư cho đường thủy nội địa nhằm đánh thức tiềm năng ưu việt của loại hình giao thông này để góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của cả nước”, Đại biểu Trương Minh Hoàng khẳng định.
Nhà nước cần mở đường đầu tư cho giao thông thủy nội địa
Đánh giá cao tầm quan trọng của giao thông đường thủy nội địa trong phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, ông Trần Hoàng Ngân Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề đầu tiên phải là đầu tư công, đầu tư bằng ngân sách Nhà nước để mở đường cho giao thông thủy nội địa phát triển. Bởi khi Nhà nước đầu tư để mở lối cho đường thủy nội địa phát triển thì hoạt động thương mại đường thủy nội địa sẽ phát huy hiệu quả, từ đó Nhà nước sẽ rút dần để tạo động lực xã hội hóa lĩnh vực này. Như vậy, vai trò mở đường cho giao thông đường thủy rất cần đến sự đầu tư của Nhà nước.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Ảnh Văn Thăng)
Trước thực tế thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam là một trong 10 quốc gia trên thế giới có hệ thống sông, kênh, rạch, đầm, phá, hồ, vụng, vịnh tự nhiên dầy đặc,… rất thuận tiện cho việc phát triển vận tải thủy nội địa. Tuy nhiên chúng ta chưa tham gia xếp hạng về năng lực vận tải thủy nội địa và mức độ hiện đại của cơ sở hạ tầng cùng với các nước khác trên thế giới và trong khu vực ASEAN. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, với mục tiêu giảm tải cho đường bộ, chống quá khổ quá tải cho đường bộ, tăng cường năng lực an ninh, quốc phòng toàn dân, mở đường cho kinh tế du lịch sông nước phát triển, góp phần bảo vệ tài nguyên cát và môi trường nước, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước kết nối vận tải thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, từng bước hình thành hệ thống giao thông vận tải hoàn chỉnh cho một quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển đường thủy nội địa như chúng ta thì trước hết cần phải là đầu tư công, đầu tư bằng ngân sách Nhà nước để mở đường cho giao thông thủy nội địa phát triển. Bởi khi Nhà nước đầu tư để mở lối cho đường thủy nội địa phát triển thì hoạt động thương mại đường thủy nội địa sẽ phát huy hiệu quả, từ đó Nhà nước sẽ rút dần để tạo động lực xã hội hóa lĩnh vực này. Như vậy, vai trò mở đường cho giao thông đường thủy rất cần đến sự đầu tư của Nhà nước.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, hiện nay chi phí về Logictic cũng như là chí phí về vận chuyển ở Việt Nam chiếm tỷ lệ rất cao so với các nước trên thế giới. Do đó vấn đề là làm sao phải cải thiện giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, thời gian qua, đầu tư cho lĩnh vực đường thủy nội địa cũng như các thể chế để giúp cho đường thủy nội địa phát triển thì vẫn đang dừng lại ở cấp độ rất khiêm tốn.
Phương tiện thủy nội địa đang lưu thông trên sông (Ảnh Văn Thăng)
Chính vì vậy, theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong giai đoạn hiện nay, Quốc hội cần dành một ngày để thảo luận về tái cơ cấu nông nghiệp và nông thôn, theo đó vấn đề giao thông đường thủy nội địa là vấn đề cần phải được gắn kết ở nội dung này. Bởi ở khu vực nông nghiệp nông thôn thì mạng lưới sông ngòi rất nhiều, cho nên việc phát triển giao thông thủy nội địa sẽ góp phần giao thương hàng hóa ở tại khu vực nông nghiệp nông thôn cũng như đưa hàng hóa từ nông nghiệp đi ra thành thị hoặc đưa máy móc thiết bị công nghệ đi về nông thôn sẽ thúc đẩy giao thương hàng hóa. Đặc biệt, tính ưu việt của hệ thống giao thông đường thủy nội địa là xác xuất rủi ro trong vận chuyển rất thấp so với các loại hình giao thông khác. Vì vậy, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực giao thông thủy nội địa thì hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng cho loại hình giao thông này sẽ được phát huy.
Theo Báo điện tử Đại biểu Nhân dân – Thiên Ân tổng hợp