Những ghe, xuồng đậu xen lẫn với tàu khách du lịch chờ "bắt" khách xung quang các bến tàu tại bến Ninh Kiều (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Ảnh Lê An
Sáng 9/7, Sở GTVT TP Cần Thơ phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan tổ chức cuộc họp về việc xây dựng đề án “ Tăng cường quản lý, đảm bảo ATGT đối với phương tiện thô sơ, phương tiện nhỏ vận chuyển hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn TP Cần Thơ.
Tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT
TP Cần Thơ là địa phương phát triển mạnh mẽ của loại hình du lịch miền sông nước. Trong đó Du lịch chợ nổi Cái Răng (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), vườn du lịch sinh thái thu hút lượt du khách đến tham quan là rất lớn.
Tuy nhiên, ngoài các phương tiện tàu du lịch, thì vẫn còn tồn tại nhiều xuồng, ghe tự phát lưu thông vận chuyển hành khách du lịch trên sông. Các phương tiện này không đăng ký, đăng kiểm, người lái phương tiện không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, nguy cơ tiềm ẩn gây TNGT đường thủy rất cao.
Các phương tiện này gồm có 2 loại: đò chèo và đò máy (ghe chèo có gắn máy đuôi tôm). Thường tổ chức đưa rước khách tham quan du lịch từ bờ Hưng Phú, quận Cái Răng sang bến Ninh Kiều (quận Ninh Kiều) hoặc đưa rước khách du lịch dọc theo sông từ bến Ninh Kiều đến chợ nổi Cái Răng, các vườn du lịch sinh thái…
Khách du lịch không được trang bị phao cứu sinh là những hình ảnh thường thấy tại chợ nổi Cái Răng. Ảnh Lê An
Theo ngành chức năng, qua báo cáo thống kê sơ bộ thì hiện nay chỉ riêng trên địa bàn quận Cái Răng có 41 phương tiện đang hoạt động không có giấy đăng ký đăng kiểm phương tiện thủy nội địa, người điều khiển phương tiện không có bằng chứng chỉ chuyển môn… Và đây là chỉ là những con số thống kê được khi ngành chức năng tiến hành kiểm tra trong lúc các phương tiện này không đưa rước khách.
Cũng theo ngành chức năng, một thực tế khác nữa đó là các phương tiện này đã được đóng từ rất lâu, một số phương tiện đóng mới thì lại đơn giản, không mất nhiều thời gian, không có hồ sơ thiết kế, không một cơ quan nào kiểm định chất lượng, lợi dụng diện tích nhỏ dễ luồn lách, chở ít người, vì vậy công tác quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện nhỏ vận chuyển hành khách gặp khó khăn, còn nhiều bất cập. Thêm nữa đó là kéo theo việc các điểm đỗ, cập bến tự phát từ đó dẫn đến việc tiềm ẩn nguy cơ mất TTATGT rất cao.
Giải pháp nào để đảm bảo ATGT?
Trước tình hình thực tế trên, Sở GTVT TP Cần Thơ chủ trì phối hợp cùng các sở ban ngành xây dựng đề án tăng “tăng cường quản lý, đảm bảo ATGT đối với phương tiện nhỏ vận chuyển hành khách trên địa bàn TP Cần Thơ đặc biệt là quận Ninh Kiều và quận Cái Răng.
Đề án xây dựng với các mục tiêu, 100% người lái phương tiện đò máy vận chuyển hành khách du lịch bằng đường thủy nội địa trên địa bàn 2 quận nói trên được tập huấn, đào tạo, sát hạch cấp giấy chứng nhận khả năng- chứng chỉ chuyên môn theo quy định.
Các phương tiện này phải đăng ký kinh doanh hoặc tham gia liên kết theo mô hình các hợp tác xã, Công ty dịch vụ du lịch có đăng ký kinh doanh hợp pháp.
Về phương tiện, 100% chủ phương tiện thủy nội địa thô sơ, phương tiện nhỏ, vận chuyển hành khách bằng đường thủy trên địa bàn TP đặc biệt là tại quận Ninh Kiều và Cái Răng đạt tiêu chuẩn, được hướng dẫn, hoàn thiện thủ tục kê khai điều kiện an toàn theo đúng quy định. Kiểm soát, loại dần các phương tiện không đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về đảm bảo ATGT đường thủy.
Chú trọng công tác tuyên truyền hướng đến 100% các chủ phương tiện này được phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo TTATGT nói chung và giao thông đường thủy nói riêng, quy định về điều kiện an toàn của phương tiện thủy nội địa.
Không phải lúc nào cũng có chủ phương tiện chủ động cho khách du lịch mặc áo phao. Ảnh Lê An
Xoay quanh nội dung của đề án, theo thượng tá Nguyễn Văn Ngôn, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy (PC68), Công an TP Cần Thơ, trong thời gian qua, lực lượng chức năng cũng đã tiến hành xử lý rất nhiều trường hợp bằng hình thức chế tài. Tuy nhiên, điều đáng nói là chủ phương tiện dều có hoàn cảnh khó khăn lại thêm việc đăng ký đăng kiểm đối với loại hình phương tiện này vẫn còn nhiều bất cập, do đó gây khó khăn cho việc xử lý các trường hợp này.
“Tôi đề nghị chúng ta cần mạnh dạn đưa ra các đề xuất xoay quanh đề án. Đối với các phương tiện thô sơ và cũ, chúng ta cần hướng dẫn người dân trước hết là sữa chữa đóng mới ghe tàu, lưu ý là phải đóng mới như thế nào, các thông số kỹ thuật ra sao cũng cần hướng dẫn rõ. Sau đó là hướng dẫn người dân đi đăng ký, đăng kiểm phương tiện. Tiếp đó là tuyên truyền cho các chủ phương tiện hiểu rõ các vấn đề liên quan đến đảm bảo TTATGT, và quy định về Luật giao thông. Sau một thời gian, chúng ta mới sử dụng biện pháp chế tài”, ông Ngôn nói.
Đại diện Công an quận Cái Răng đề nghị, theo quy định của UBND TP, việc đăng ký đăng kiểm các phương tiện đò chèo và đuôi tôm được giao cho các cấp xã phường thực hiện. Tuy nhiên, các đơn vị này, về mặt chuyên môn vẫn còn nhiều hạn chế, chưa xác định phương tiện có đảm bảo yêu cầu hay không. “Rất nhiều bà con đi đăng ký không được nên đã về. Chúng ta có nên hỗ trợ xã phường đối với công tác đăng ký đăng kiểm hay không?”, đại diện Công an quận Cái Răng đặt vấn đề.
Ông Mai Minh Ngoan, Chánh Văn phòng Ban ATGT TP đề nghị cần thực hiện đề án trên toàn phạm vi địa bàn TP. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta cần áp dụng thực hiện trước đối với những khu vực phức tạp như quận Ninh Kiều và Cái Răng. Ông Ngoan cũng lưu ý 2 địa bàn là huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) và Cồn Sơn (quận Bình Thủy) vì hai khu vực này cũng có loại hình du lịch liên quan đến đường thủy và hiện tình hình ở 2 nơi này đang có xu hướng diễn biến khá phức tạp.
“Hiện tại chúng ta cần quan tâm là tính hiệu quả của đề án. Để thực hiện đề án, chúng ta cũng cần gia cố bến bãi, đặc biệt là các bến dọc, vì qua các đợt khảo sát của Ban ATGT TP thì các bến này vẫn chưa đảm bảo được an toàn. Tiếp đến là vấn đề tuyên truyền cũng cần phải được thực hiện tích cực ngay sau khi đề án được phê duyệt. Cần tập huấn cho người lái phương tiện về chuyên môn, kiến thức về đảm bảo TTATGT đường thủy và kể cả công tác cấp cứu cũng rất cần thiết”, ông Ngoan đề xuất.
Thiếu kiến thức chuyên môn về đảm bảo ATGT đường thủy, người điều khiển phương tiện không lường trước được việc đậu phương tiện như thế này sẽ nguy hiểm như thế nào? Ảnh Lê An
Kết thúc buổi làm việc, ông Lê Thuận Bé, Phó Giám đốc Sở GTVT TP cho biết, đối với các ý kiến đóng góp của các sở ban ngành, đơn vị sẽ bổ sung vào đề án. Riêng quận Cái Răng cần phải rà soát, bổ sung lại danh sách các phương tiện thô sơ, vừa và nhỏ có trên địa bàn. “Trách nhiệm quận huyện bổ sung hồ sơ các phương tiện thô sơ và nhỏ chưa đăng ký đăng kiểm.., chú ý những địa bàn phức tạp. Khi đề án được phê duyệt thì sẽ đề xuất thành lập Ban chỉ đạo để tiến hành thực hiện đề án”, ông Bé nhấn mạnh.
Theo Báo Giao thông