Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 318/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, Bộ GTVT cũng đã xác định rõ phải “tạo được môi trường vận tải thân thiện, an toàn, văn minh, lịch sự và hội nhập” trong mục tiêu thực hiện Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải mà Chính phủ đề ra.

Để làm được điều đó, chúng ta cần bắt đầu ngay từ hôm nay, trong đó quyết liệt đổi mới, hiện đại hóa về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ phải làm một cách mạnh mẽ và liên tục.

Bến xe ô tô khách là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, là đầu mối của hoạt động vận tải và cũng là bộ mặt phản ánh mức độ văn minh hiện đại của hoạt động vận tải nói riêng và của đô thị nói chung. Nhưng nhiều năm qua, bên cạnh một số bến xe được xây dựng khang trang và vận hành một cách khoa học, thì không ít bến xe vẫn còn tồn tại tệ nạn, mất trật tự, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Cả nước hiện nay đang có 457 bến xe ô tô khách nhưng điều kiện cơ sở vật chất và quản lý không đồng đều. Các địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn đang thiếu nghiêm trọng các bến xe phục vụ tuyến liên tỉnh. Tình trạng “xe dù” “bến cóc” vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương trong khi nhiều bến xe xây dựng khang trang đang mong mỏi chờ xe vào bến! Chúng ta phải kiên quyết thực hiện các giải pháp để xử lý những bất cập này, để các thành phần kinh tế có động lực đầu tư vốn phát triển hệ thống bến xe hiện đại, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả nguôn vốn của mình.

Mặc dù ngành GTVT phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức nhưng trong các năm qua, chúng ta đã nỗ lực và đã đạt được kết quả không nhỏ. Chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ đã được nâng cao đáng kể. Với 18.647 xe ô tô phục vụ hơn 2500 tuyến cố định liên tỉnh, người dân đã có thể đi lại khắp nơi theo nhu cầu của mình với phương tiện đạt chất lượng và chi phí hợp lý. Yêu cầu của vận tải đòi hỏi hệ thống bến xe phục vụ mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định cũng phải được nhanh chóng đổi mới và hiện đại hóa. Tại các đô thị lớn, phải xây dựng được các bến xe loại 1 và loại 2 kết nối phù hợp với các phương thức vận tải công cộng; các bến xe phải được trang thiết bị hiện đại, ứng dụng phần mềm quản lý trong việc bán vé điện tử, đảm bảo an ninh trật tự và phục vụ hành khách. Muốn làm được điều này phải huy động nguồn lực của nhiều thành phần kinh tế, trong đó, phát triển xã hội hóa đầu tư xây dựng các bến xe là nhiệm vụ quan trọng.

Với yêu cầu cấp thiết của đổi mới trong hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông “Phát triển công tác xã hội hóa và nâng cao hiệu qủa quản lý đối với bến xe ô tô khách” để đưa ra giải pháp phát triển hoạt động của các bến xe ô tô một cách hiệu quả, nhân rộng các mô hình hoạt động của các bến xe điển hình, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ của bến xe nói riêng và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ nói chung.

Với vai trò quan trọng của bến xe ô tô khách trong tổ chức vận tải công cộng phục vụ nhân dân đi lại, cùng với sự hội nhập quốc tế trong hoạt động vận tải, việc đầu tư xây dựng các bến xe khang trang, hiện đại đang là yêu cầu cấp thiết đối với ngành giao thông vận tải. Để tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý hoạt động vận tải, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch hành động nhằm “Siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”.

Trong các nhiệm vụ đó, việc quản lý hoạt động vận tải ngay từ điểm xuất phát cũng là một khâu trong chuỗi các nhiệm vụ thực hiện nhằm giảm thiểu được số vụ tai nạn giao thông và tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trách nhiệm của ngành giao thông là phải xây dựng được mạng lưới kết cấu hạ tầng văn minh, hiện đại trong đó các bến xe là đầu mối hoạt động vận tải phải được quan tâm  phát triển. Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn chế như hiện nay, Chính phủ vẫn quán triệt hạn chế đầu tư công và đang cố gắng tạo mọi thuận lợi để thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho phát triển kết cấu hạ tầng, trong đó có xã hội hóa công tác đầu tư, xây dựng bến xe.

Để kêu gọi được các nguồn vốn tham gia vào việc đầu tư, xây dựng bến xe ô tô khách và nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động của bến xe ô tô khách, trong thời gian tới cần tập trung trọng tâm vào bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến bến xe ô tô để tạo thuận lợi cho việc khai thác các bến xe, nâng cao hiệu quả đầu tư của các nhà đầu tư theo mô hình xã hội hóa bến xe ô tô khách, cụ thể như:

- Nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách ưu đãi và phát triển công tác xã hội hóa bến xe ô tô khách cũng như nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động của các bến xe.

- Hướng dẫn và tuyên truyền để nâng cao ứng dụng khoa học công nghệ tại các bến xe.

- Phối hợp với các địa phương rà soát, công bố lại quy hoạch bến xe đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đảm bảo mỗi địa phương có các vị trí quy hoạch bến xe thực hiện ổn định đến năm 2020.

- Rà soát về công tác đấu nối giữa bến xe khách với hệ thống quốc lộ.

Nguyễn Xuân Nguyên/Vụ Vận tải-Bộ GTVT