Lùi thẳng trên đường ngoằn ngoèo, lùi ngoằn ngoèo trên đường thẳng

Vấn đề đầu tiên mà các tài xế thường gặp nhất là lùi xe, việc căn đầu căn đuôi để lùi xe sao cho chuẩn cũng khiến các tài mới mất không ít thời gian. Tình huống nhiều người thường gặp nhất là "Lùi thẳng trên đường ngoằn ngoèo, lùi ngoằn ngoèo trên đường thẳng" khiến tài xế phải tiến đi, tiến lại để lùi xe thành công.

Kinh nghiệm cho người lái mới là để lùi xe dễ dàng trên đường thẳng là quan sát từ xa, chỉnh gương xuống để nhìn thấy bánh xe và mặt đường, sau đó căn theo một đường thẳng nào đó ở trên thân xe. Còn khi lùi xe trên những đoạn đường cong, thì tài xế cũng thực hiện cách chỉnh gương như vậy và áp dụng quy tắc là "tiến bám lưng, lùi bám bụng".

Lưng và bụng ở đây được ví như những đường cong của cơ thể con người. Tiến bám lưng nghĩa là bám sát và mở rộng góc theo góc cua. Lùi bám bụng là phải bám sát theo đường cong hẹp để giúp cho phần đầu xe có góc lùi lớn. Nhờ vậy phần bánh trước không bị lùi ra ngoài.

Trong điều kiện thực tiễn, quy tắc này rất phù hợp đối với những tình huống lái xe, lùi xe, quay xe trong các ngõ hẹp, qua cổng, góc tường, hoặc các vật chắn 2 bên đường hay các đoạn đèo dốc có nhiều khúc cua khúc khuỷu…

Khi lùi xe, đừng bỏ qua phần đầu xe

Khi lùi xe, nhiều người chỉ quan tâm đến phần đuôi xe mà không chú ý đến phần đầu xe. Khi đánh lái nếu đằng trước có vật cản, rất dễ khiến đầu xe quệt vào. Bài học rút ra là tài xế không nên chỉ tập trung chú ý phần đuôi xe, mà còn phải quan sát cả phần đầu xe, tai xe, phía sau và gương chiếu hậu.

Nhiều người mới nhận bằng chỉ quan tâm đến các điểm mù ở phần đuôi xe mà quên mất ở phía trước cũng có nhiều điểm mù. Tài xế mới rất dễ làm trầy xước xe nếu không chú ý đến các vùng điểm mù này.

Cạ lốp vào vỉa hè

Khi muốn đỗ sát hoặc leo lên vỉa hè, nhiều tài xế cố gắng cho xe đậu gần nhất vỉa hè có thể vì sợ bị phạt. Tuy nhiên, với kinh nghiệm lái xe còn non nớt, nhiều tài mới thường không căn chỉnh đậu xe được chính xác, đặc biệt là những bậc vỉa hè cao, góc cạnh.

Việc làm này có nguy cơ làm rách lốp, trầy xước mặt la-zăng, cuối cùng dẫn đến chi phí sửa chữa tốn kém và làm cho xe mất thẩm mỹ. Vì vậy, khi mới lái, tài xế nên quan sát khoảng sáng gầm xe xem có thể leo lên vỉa hè được không. Khi đỗ xe song song vỉa hè, tài xế không nên đỗ quá sát.

Căn chỉnh đỗ xe chính xác

Với những người mới biết lái xe, trước khi đỗ xe cần phải bước xuống xem xe đã đỗ cân hay chưa?  Khi đã có kinh nghiệm, tài xế chưa mất đến chục giây là đã đỗ cân xe, còn những người mới phải loay hoay mất vài phút.

Việc lái xe ở trường đào tạo rất khác so với lái xe thực tế. Vì điều kiện đường sá, mật độ giao thông cùng tâm lý khiến nhiều người cảm thấy rất khó khăn dù cho họ đã lấy được bằng lái. Kinh nghiệm rút ra là khi đỗ xe song song hay đỗ xe vuông góc, tài xế phải nhìn được bánh sau, vì khi đó chúng ta sẽ căn được thân xe và ba-bô-lê theo một đường thẳng vạch trước.

Đề-pa lên dốc

Đề pha lên dốc là một trong những bài thi khó nhất trong bài kiểm thi sát hạch bằng lái xe. Rất nhiều thí sinh đã bị đánh trượt ở bài thi này vì để xe chết máy ngang dốc. Học đã khó, thực tế còn khó hơn nhiều. Với chiều dài của những con dốc khác nhau, cùng điều kiện giao thông khiến nhiều tài mới "toát mồ hôi" khi gặp những con dốc cao.

Không có gì thực tế hơn là phải dành nhiều thời gian để làm quen xe và áp dụng các kiến thức để lái xe thành thạo. Các bạn có thể tham khảo bài viết Kinh nghiệm thi bằng lái xe: Vượt qua bài thi “Dừng và khởi hành xe ngang dốc”

Quên hạ phanh tay, phanh bốc mùi khét

Đây là trường hợp mà nhiều "tay mơ" gặp phải. Khi di chuyển sẽ cảm thấy nặng nề hơn bình thường, tuy nhiên vì tài mới nên không phát hiện ra điều này, chỉ khi có mùi khét lọt vào trong xe, tài xế mới để ý. Hậu quả là nếu không phát hiện kịp thời sẽ rất có thể sẽ làm cháy má phanh hay hỏng bi moay-ơ.

Theo kinh nghiệm lái xe, trước khi di chuyển tài xế cần phải lướt qua bảng điều khiển để xem còn đèn nào bật sáng hay không? Với những người lái xe lâu năm có thể dễ dàng cảm nhận được qua phản ứng của chân ga.

Bật điều hòa rồi mà xe vẫn nóng

Khi mới có giấy phép lái xe, nhiều tài xế gặp trường hợp bật điều hòa mà hết cỡ mà xe vẫn nóng. Lý do là tài xế chỉ bật điều hòa mà chưa mở lốc, đây là hai hệ thống độc lập với nhau.

Chính vì vậy, khi lên một chiếc xe mới hay một chiếc xe lạ mà thấy nóng hơn bình thường thì điều đầu tiên tài xế cần xem xét là đã điều chỉnh nhiệt độ đúng chưa? Nếu quạt gió đã hoạt động tài xế cần kiểm tra đèn của lốc điều hòa đã sáng lên chưa? Còn nếu đèn chưa sáng thì chứng tỏ lốc điều hòa chưa hoạt động.

Không biết sử dụng cần gạt nước phía sau

Hầu hết các dòng xe Hatchback, MPV, Crossover hay SUV đều có cần gạt mưa phía sau và phun nước rửa kính. Nếu người mới chỉ kích hoạt cần gạt mưa mà không phun nước sẽ làm cho kính phía sau càng bẩn hơn.

Vì vậy, tài xế cần phải biết vị trí của núm xoay nước rửa kính, nằm ở gần cần gạt mưa, có hình nước phun lên. Khi xoay và giữ một phía thì nước rửa kính sẽ phun ra.

Lúng túng khi bị hơi nước bám trên kính lái

 

Mới lái xe dưới trời mưa hay vào trời nồm có độ ẩm cao sẽ rất dễ gặp hiện tượng bên trong kính lái bị đọng hơi nước. Gặp trường hợp này, tài xế chỉ cần chọn chế độ sấy kính trước, để chế độ gió lớn, hệ thống điều hoà sẽ tự làm khô kính. Hơn nữa, tài xế nên chọn cả vị trí sấy kính sau, sấy một lúc kính sẽ trong veo trở lại.

Khi lái xe ở nơi không có đèn đường, chúng ta có thể phát hiện ra đèn bị hỏng dễ dàng. Tuy nhiên, khi lái xe ở nơi có đủ ánh sáng, rất khó để chúng ta phát hiện được đèn có sáng đủ hay không.

Theo Autopro