Dao động, rung lắc của ôtô khi xe lăn bánh qua những ổ gà, ổ voi hoặc đường gồ ghề là loại dao động cưỡng bức gây ra bởi lực quán tính của tải trọng toàn bộ xe khi thay đổi tốc độ đột ngột. Anh em lái xe thường gọi đơn giản là “xóc”. Điều cần nói thêm là dao động của ôtô không chỉ ảnh hưởng đến xe và hàng hóa trên xe mà còn ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của người lái.
Hiện tượng xe bị xóc thường không có quy luật nhất định mà thường tùy thuộc vào tốc dộ của xe, tải trọng và độ nhấp nhô lồi lõm của mặt đường. Vì vậy, tất cả các loại ôtô, từ xe du lịch đến xe tải đều phải lắp đặt hệ thống giảm xóc - hệ thống treo có độ đàn hồi nhất định để giảm ảnh hưởng xấu của dao động tác động lên ôtô.
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các mức độ xóc của xe ảnh hưởng đến người lái tùy thuộc vào gia tốc như sau:
- Mức dễ chịu: gia tốc xóc nhỏ hơn 0,1m/s2
- Gây mệt mỏi: gia tốc xóc bằng 0,315m/s2
- Rất mệt mỏi: gia tốc xóc bằng 0,63m/s2
- Nguy hiểm cho xe và người, gia tốc > 0,63m/s2
Các chỉ tiêu này được gọi là “đặc tính êm dịu của xe”.
Để đạt được “độ êm dịu”, các loại xe ôtô hiện nay đều dùng hệ thống giảm xóc - hệ thống treo - có kết cấu điển hình là phần khung bệ xe không lắp trực tiếp lên các cầu trước và cầu sau, mà lắp liên kết với các cầu xe qua một hệ thống kết nối có độ đàn hồi cao để giảm dao động cho phần khung bệ xe.
Hệ thống treo có ba loại:
- Hệ thống treo dùng lò xo: lò xo xoắn dạng ống; lò xo lá (nhíp lá) và lò xo thanh xoắn. Loại nhíp lá thường dùng cho xe tải lắp liên kết với cầu trước và cầu sau. Lò xo xoắn hình trụ thường lắp trên cầu trước; thanh xoắn cũng chỉ dùng cho cầu trước.
- Hệ thống treo khí nén: Trong hệ thống này, dùng cặp piston, xy-lanh và nén khí để tạo độ đàn hồi như tác dụng của lò xo. Hệ thống treo khí nén ngày nay cũng thường dùng cho xe tải.
- Hệ thống treo thủy lực - khí nén: được dùng cho dòng xe du lịch hiện đại. Hệ thống điều khiển điện tử của xe luôn điều chỉnh lượng dầu bơm vào các xy-lanh trên cầu trước và cầu sau để giữ cho xe luôn ở trạng thái thăng bằng, giảm dao động đến mức tối đa, tăng độ êm dịu khi xe chuyển động với tốc độ cao.
Tài xế xe tải hay có thói quen thay đổi độ dao động bằng cách thay đổi độ cứng của hệ lò xo như tăng lá nhíp, tăng gối đệm lò xo…. để tăng tải mà không sợ bị gãy nhíp, gãy lò xo! Tuy nhiên, đây là một việc làm có hại cho khung và thân xe và vi phạm luật an toàn đường bộ vì xe chở quá tải trọng quy định.
Khi phải lái xe trên đường xấu, biện pháp xử lý tốt nhất là không chở quá tải, lựa chọn tốc độ hợp lý và giảm tốc khi xe lăn bánh qua các ổ gà, ổ voi, đường lầy, gồ ghề, tránh rung lắc quá mạnh.
Theo kinh nghiệm của anh em lái xe đường dài, nếu xe vận hành trên đường xấu thì nói chung toàn bộ hệ thống truyền động, hệ thống treo từ xăm lốp, côn phanh, lò xo, nhíp lá và cả khung và thùng xe đều chịu ảnh hưởng xấu, đôi khi hư hỏng bất thường (ví dụ như nổ lốp) gây hư hỏng, tai nạn đáng tiếc.
Theo Tạp chí Ôtô Xe máy