Gần đây nhất là vụ tai nạn xảy ra tại thị trấn Phù Mỹ huyện Phù Mỹ tỉnh Bình Định làm 5 người chết và 6 người bị thương, sau đó vụ va chạm với xe tải làm 3 thanh niên đi xe máy tử vong tại phường Tân Tạo, TPHCM.
Nhìn lại các vụ việc có thể thấy, các vụ TNGT nghiêm trọng hầu hết đều liên quan đến xe tải và xe khách, xảy ra trên các tuyến đường quốc lộ và thường vào ban đêm. Nguyên nhân chính dẫn đến các tai nạn này là lỗi vi phạm về tốc độ. Theo thông tin từ Cục CSGT - Bộ Công an, TNGT từ nghiêm trọng trở lên vẫn có xu hướng tăng, nhất là từ sau khi thực hiện Thông tư 91 quy định về tăng tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ. Và thực tế, TNGT nghiêm trọng đã gia tăng không chỉ ở các tỉnh miền núi có địa hình quanh co, đèo dốc, tầm nhìn hạn chế mà gia tăng ngay ở những địa phương được đầu tư hạ tầng giao thông tốt. Kết quả khảo sát của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cũng cho thấy, có rất nhiều xe chạy quá tốc độ quy định khi bị kiểm tra hành trình, nhiều xe chạy vượt tốc độ lên đến 125km/giờ. Trong khi đó, theo quy định ở các đường quốc lộ (trừ đường cao tốc), xe trên 30 chỗ ngồi chỉ cho phép chạy không quá 70km/giờ.
Qua nghiên cứu của các nước trên thế giới, cứ tốc độ tăng lên 10km/giờ thì khả năng xảy ra tai nạn và mức độ xảy ra tai nạn tăng lên gấp 2 lần. Như vậy, nếu xe chạy với tốc độ 125km/giờ so với tốc độ cho phép là 70km/giờ thì khả năng tai nạn mà mức độ thiệt hại đã tăng lên gấp hàng chục lần
Theo Cục CSGT, để ngăn chặn được tai nạn thảm khốc thì trước hết phải xem xét lại việc nâng tốc độ tại nhiều tuyến đường ở các tỉnh miền núi, miền Trung, Tây Nguyên và những khu đông dân cư có nhiều điểm giao cắt đồng mức. Trước mắt, Bộ GTVT cần có quy định tốc độ riêng cho từng loại phương tiện, làm sao hạn chế tăng tốc độ cho ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi, ô tô tải có trọng tải 3,5 tấn trở lên, ô tô sơ mi rơ moóc, ô tô kéo rơ moóc, ô tô kéo xe khác, ô tô chuyên dùng trong khu vực đông dân cư. Trong một số trường hợp, việc quy định tốc độ tối đa phải căn cứ vào tiêu chuẩn thiết kế đường, tình trạng mặt đường, độ dốc, bán kính đường cong để quy định cho phù hợp, có thể đặt biển hạn chế tốc độ thấp hơn 50km/giờ. Tuy nhiên, bên cạnh các quy định pháp lý về tốc độ, việc quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng là rất quan trọng, và vấn đề này hiện vẫn đang bị thả lỏng ở nhiều địa phương. Theo thống kê từ Trung tâm Dữ liệu thiết bị giám sát hành trình (GSHT) (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), từ đầu năm đến nay, bình quân cả nước chỉ có hơn 70% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) với tổng số 640.037 lần vi phạm quá tốc độ. Trong đó, nhiều phương tiện vượt tốc độ quy định gấp 1,2-1,5 lần. Nhưng điều đáng nói hơn, số lượng vi phạm nhiều như vậy nhưng việc xử lý của các địa phương lại rất nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, các quy định xử lý vi phạm tốc độ đã có, từ cảnh cáo cho đến thu hồi phù hiệu hoặc đình chỉ khai thác tuyến, nhưng thực tế có những địa phương chưa hề thực hiện xử lý vi phạm, hoặc có xử lý nhưng rất ít, ví dụ như Bạc Liêu, Bình Thuận, Bắc Ninh, Bình Dương, Cà Mau, Điện Biên, Phú Yên, Sóc Trăng, Sơn La, Thừa Thiên - Huế, Trà Vinh... Tổng cục ĐBVN đã nhiều lần khẩn thiết đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo sở GTVT thực hiện nghiêm việc theo dõi, kiểm tra và xử lý vi phạm thông qua dữ liệu truyền về từ thiết bị GSHT nhưng hầu như không được đáp ứng. Vi phạm vẫn cứ triền miên, đồng nghĩa với việc TNGT thảm khốc vẫn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã nhiều lần nhấn mạnh, lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm khi TNGT tăng cao, trong các giải pháp kiềm chế TNGT luôn có giải pháp gắn trách nhiệm người đứng đầu địa phương. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có lãnh đạo địa phương nào bị xử lý khi để TNGT tăng cao hay để xảy ra những TNGT thảm khốc trên địa bàn, dù có những địa phương nhiều lần lọt tốp có TNGT tăng cao trên 30%. Và như thế, bao giờ kéo giảm được TNGT và ngăn chặn được TNGT thảm khốc vẫn sẽ là câu hỏi chưa có lời đáp!
TheoSGGP