Hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai phát huy hiệu quả bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến
Việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được kỳ vọng là đòn bẩy, bước tiến dài nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay để từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống giao thông hiện đại trong xu thế phát triển đô thị thông minh.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ trong công tác tổ chức, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Công an đặc biệt quan tâm, chú trọng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, yêu cầu trên càng trở nên cấp thiết nhằm chủ động đi trước đón đầu, đáp ứng trước những đòi hỏi hết sức cấp bách của thực tiễn.
Hàng chục nghìn “mắt thần” được Bộ Công an chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc lắp đặt tại các đô thị lớn, hệ thống đường cao tốc, huyết mạch trên cả nước. Thời gian qua “mắt thần” đã phát huy hiệu quả vô cùng lớn không chỉ trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà còn đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh chính trị, an toàn xã hội.
Những “mắt thần” trên cao tốc
Có lẽ - ngày 26-6-2020 - sẽ mãi là một ngày đặc biệt đối với không chỉ cán bộ chiến sĩ Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ trực tiếp làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai, mà còn ấn tượng với cả với lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an. Hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc đã được Cục Cảnh sát giao thông khánh thành và bàn giao cho đơn vị địa bàn quản lý. Với 110 camera giám sát được lắp đặt tại 87 điểm trên tuyến, hệ thống này sẽ đáp ứng được công tác quản lý Nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính, đấu tranh phòng, chống tội phạm trên tuyến.
Thông tin với phóng viên, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, sau 6 tháng nghiên cứu với tinh thần và quyết tâm cao nhất, hệ thống camera trên đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hệ thống giám sát được lắp đặt hoàn thiện làm thay đổi phương thức tuần tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát giao thông theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công an; tiến tới sẽ tích hợp với Cổng dịch vụ công quốc gia trong công tác xử lý vi phạm hành chính.
Cho đến nay, hệ thống hoạt động đã đạt được yêu cầu, tiêu chí như phân tích, đánh giá, theo dõi liệu lượng phương tiện hoạt động trên tuyến; tích hợp được dữ liệu các loại xe như dữ liệu đăng ký xe, dữ liệu quản lý Giấy phép lái xe, dữ liệu đăng kiểm, dữ liệu xe tang vật xe mất cắp; hệ thống giám sẽ tự động phát hiện các xe sử dụng biển số giả; các xe gây tai nạn bỏ chạy, các xe quá niên hạn sử dụng, xe mất cắp; đồng thời quan sát, ghi nhận các phương tiện trên tuyến tại các điểm phức tạp về trật tự giao thông...
Qua khảo sát của phóng viên, hệ thống camera được trang bị trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai rất hiện đại, có độ phân giải cao, khả năng giám sát phương tiện hoạt động trên tuyến và các hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện với độ chính xác cao. Ghi nhận thực tế tại Trung tâm chỉ huy Cục Cảnh sát giao thông, hình ảnh qua hệ thống giám sát đảm bảo các yếu tố pháp lý và nghiệp vụ làm căn cứ để xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công khai minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; phòng ngừa, răn đe người vi phạm, tạo hiệu ứng tích cực trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, đồng thời có tác dụng trong việc phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông.
Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng, Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát cao tốc số 1, Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an nhận định: “Từ khi hệ thống camera giám sát hoạt động, lực lượng Cảnh sát giao thông ngoài việc trực tiếp xử lý vi phạm trên đường, còn thông báo đến chủ phương tiện, người vi phạm. Qua nắm bắt, chúng tôi nhận thấy đã có nhiều lái xe có ý thức hơn khi di chuyển trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhất là xe khách.
Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an chỉ sau 1 thời gian đi vào hoạt động trên chiều dài 264km, trung bình mỗi ngày hệ thống camera đã ghi nhận hàng trăm trường hợp vi phạm, chủ yếu ở các lỗi vi phạm tốc độ, dừng đỗ xe sai quy định, điều khiển xe không đúng phần đường làn đường… Trong 2 tuần xử phạt qua hệ thống camera giám sát, lực lượng chức năng đã xử phạt trên 1.000 phương tiện vi phạm”.
Sau 2 tuần triển khai hệ thống camera, Thiếu tá Trịnh Trung Sỹ, Phó Đội trưởng Đội tuần tra kiểm soát cao tốc số 1, Phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an - đơn vị phụ trách tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đánh giá: Hệ thống giám sát rất phù hợp khi triển khai trên đường cao tốc, nơi tuyến dài, xe di chuyển với vận tốc cao nên không thể bất cứ lúc nào cũng có thể dừng phương tiện để kiểm tra.
Do đó, hệ thống giám sát mới đem lại hiệu quả trong công tác, góp phần ngăn chặn, hạn chế vi phạm, phòng ngừa tai nạn giao thông. Đặc biệt hệ thống camera giám sát hoạt động 24/24h, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố thời tiết nên không chỉ phát huy hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm mà còn góp phần giám sát, giúp lực lượng Cảnh sát giao thông nắm bắt các tình huống phát sinh trên tuyến.
Giảm tải sức người, hiệu quả nâng cao
Chỉ 2 ngày sau khi 110 camera trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai được đưa vào sử dụng thì trên tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cũng đã hoạt động. Cũng giống như các hệ thống camera hiện đại khác, tại đây, những “mắt thần” trên tuyến đường huyết mạch miền Trung có thể phân tích, đánh giá lượng phương tiện hoạt động trên tuyến, tích hợp dữ liệu các loại xe như đăng ký xe, giấy phép lái xe, đăng kiểm… Đặc biệt, hệ thống camera còn tự động phát hiện các xe sử dụng biển số giả, xe quá niên hạn sử dụng, các xe gây tai nạn bỏ chạy…
Tại buổi khánh thành và đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định: Việc xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, trong đó có cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có ý nghĩa rất quan trọng.
Hệ thống giám sát không chỉ hỗ trợ đắc lực cho công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông mà còn phục vụ nhiều yêu cầu khác như đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm… Có thể khẳng định, hệ thống camera đáp ứng hiệu quả cao các yêu cầu nghiệp vụ mà Bộ Công an đặt ra đối với lực lượng Cảnh sát giao thông, cũng như các lĩnh vực chuyên ngành khác trong công tác quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài 3 tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TP.HCM - Trung Lương với tổng số khoảng 200 camera giám sát thì trên tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn Nghệ An - Hà Tĩnh - Quảng Bình dài 330km đã được Cục Cảnh sát giao thông lắp đặt 90 camera giám sát; đoạn TP Hồ Chí Minh - Đồng Nai cũng có gần 50 camera sát giám, xử lý vi phạm.
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông cho biết, 6 tháng năm 2020, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, về dịch bệnh Covid-19, song lực lượng Cảnh sát giao thông đã luôn bám sát, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, Chính phủ và Bộ Công an, qua đó chủ động tham mưu và đưa vào sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên tuyến cao tốc, và một số tuyến đường trọng điểm.
Hiện nay, hệ thống các thiết bị giám sát đặt trên tuyến đường như camera tự động phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, truyền thông tin như hình ảnh, video vi phạm, dữ liệu về biển kiểm soát, ngày, giờ, nội dung vi phạm… về Trung tâm giao thông của Công an các địa phương. Những thông tin liên tục được cập nhật vào danh sách các vi phạm chờ kiểm duyệt tại các Trung tâm giám sát cấp địa phương.
Cán bộ xử lý vi phạm tại Trung tâm giám sát cấp địa phương hoặc lực lượng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trực tiếp trên tuyến cao tốc truy cập vào hệ thống giám sát, xử lý vi phạm qua máy tính trạm tại trung tâm hoặc máy tính bảng được cài đặt phần mềm nghiệp vụ để xem danh sách các vi phạm chờ kiểm duyệt và thực hiện các thao tác như xác nhận vi phạm không đủ căn cứ xử phạt, các trường hợp không nhìn rõ biển kiểm soát, không nhìn rõ hình dáng xe, cũng như những trường hợp đặc biệt khác.
Khi xác nhận vi phạm đủ căn cứ xử phạt, lực lượng Cảnh sát giao thông thực thi nhiệm vụ trực tiếp ngoài đường sẽ tiến hành xử lý vi phạm. Đối với những trường hợp không dừng được ngay phương tiện thì Cảnh sát giao thông sẽ tiến hành gửi thông báo vi phạm đến chủ phương tiện thông qua việc tra cứu cơ sở dữ liệu đăng ký được tích hợp trên hệ thống, để xử lý vi phạm theo quy định. Các trường hợp vi phạm đã lập biên bản, phần mềm sẽ tự động cập nhật sang danh sách “chưa chấp hành quyết định xử phạt” để theo dõi việc chấp hành của lái xe.
Trường hợp người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt như không nộp phạt, quá hạn không nộp phạt hoặc không đến thực hiện những yêu cầu của Cảnh sát giao thông, hệ thống tự động cảnh báo và đưa vi phạm vào danh sách “Không chấp hành quyết định xử phạt”, đồng thời được đồng bộ lên cơ sở dữ liệu của Trung tâm giám sát cấp quốc gia, chia sẻ thông tin với các Trung tâm giám sát cấp địa phương khác để cùng phối hợp dừng xe, kiểm tra, xử lý liên tuyến hoặc các tuyến có lặp đặt hệ thống camera giám sát.
Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, chỉ tính riêng trên 3 tuyến cao tốc trọng điểm được lắp đặt hệ thống camera, từ đầu năm 2020 đến nay có tới gần 100.000 trường hợp vi phạm đã bị xử lý. Cụ thể, hệ thống ghi nhận 16.681 trường hợp vi phạm trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai tính đến ngày 8-9-2020; tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi phát hiện gần 18.000 trường hợp và tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương gần 5.000 trường hợp.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, mục tiêu sắp tới Cục Cảnh sát giao thông đang tiếp tục triển khai, hoàn thiện Dự án 1, Đề án 617 về lắp đặt hệ thống camera giám sát trên các tuyến quốc lộ trọng điểm và đang xây dựng đề án lắp đặt hệ thống camera giám sát trên tuyến cao tốc Bắc - Nam (TP.HCM - Hà Nội). Ngoài ra, Cục Cảnh sát giao thông cũng kiến nghị UBND, Công an các đơn vị địa phương ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động báo cáo các cấp có thẩm quyền để xây dựng hệ thống camera giám sát trên địa bàn, hỗ trợ cho công tác đảm bảo an ninh, trật tự an toàn giao thông…
14 địa phương đã được Ủy ban nhân dân phê duyệt Đề án phát triển hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và đảm bảo trật tự an toàn giao thông gồm: TP.HCM, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Quảng Ninh, An Giang, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh, Lào Cai và Tây Ninh.
5 địa phương gồm: Hà Nội, Thái Bình, Bình Phước, Quảng Trị và Bắc Giang đã ban hành văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn nhân rộng các mô hình camera nhằm phủ kín và kết nối đồng bộ hệ thống camera trên địa bàn thành một hệ thống chung, phục vụ công tác quản lý đô thị, hỗ trợ phục vụ công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phòng, chống tội phạm; đồng thời chỉ đạo UBND cấp quận, huyện và xã tập trung trang bị, vận động nhân dân và các nguồn lực xã hội tham gia, từng bước mở rộng, hoàn thiện hệ thống camera…
Theo An Ninh Thủ Đô