Cầu Incheon - công trình tiêu biểu do tư nhân đầu tư hoàn toàn
Nhà nước và tư nhân
Là quốc gia có hệ thống giao thông phát triển bậc nhất thế giới, Hàn Quốc là nước tiên phong trong việc đổi mới cách thức quản lý, bảo trì hạ tầng đường bộ ở châu Á, trong đó đáng chú ý là việc kết hợp giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân.
Ở khu vực Nhà nước, Tổng công ty Đường bộ Hàn Quốc - cơ quan 100% vốn Nhà nước chuyên trách về kỹ thuật giao thông là đơn vị nắm giữ vai trò chủ đạo. Toàn bộ kế hoạch xây dựng, quản lý bảo trì đường bộ, các trạm nghỉ, cây xăng… đều được thực hiện bởi Tổng công ty này. Các dự án phát triển đường cao tốc do Tổng công ty xây dựng sẽ được Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư để chi trả các khoản như: Tiền đất, tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, một phần kinh phí đầu tư xây dựng tuyến đường và tăng nguồn vốn cho Tổng công ty; 50% còn lại do Tổng công ty tự bỏ vốn. Ngoài ra, Tổng công ty sẽ tự bỏ thêm vốn để đầu tư xây dựng các trạm nghỉ, cây xăng trên các tuyến đường và có quyền khai thác, khoản vốn này sẽ không được tính vào tổng mức đầu tư dự án.
Hiện tại, hạng mục cây xăng đã được Tổng công ty ủy quyền cho các doanh nghiệp khác quản lý và khai thác. Các tuyến đường sau khi hoàn thành sẽ do Tổng công ty trực tiếp quản lý và thu phí. Toàn bộ khoản thu phí cầu đường và các khoản thu khác sẽ được cho vào quỹ phục vụ công tác bảo trì đường bộ và nghiên cứu, xây dựng các tuyến cao tốc mới, từ đó tăng nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông. Chính phủ Hàn Quốc đặc biệt chú trọng đến việc duy tu, bảo dưỡng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu nên hàng năm, quốc gia này cũng chi ngân sách tương đối lớn để phục vụ công tác này.
Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường bộ Hàn Quốc còn có trách nhiệm quản lý trực tiếp tình hình giao thông trên các tuyến đường cao tốc cũng như tình hình hư hỏng kết cấu hạ tầng của các tuyến đường thông qua hệ thống camera và cập nhật liên tục thông tin giao thông cho người dân.
Đầu tư tư nhân chiếm tỷ trọng lớn hơn Nhà nước khá nhiều trong lĩnh vực đường cao tốc. Nhà đầu tư của dự án được lựa chọn theo hình thức đấu thầu công khai và được chấm điểm theo các tiêu chí: Mức phí cầu đường, phí bảo trì, phí bổ trợ lại cho Chính phủ, năng lực điều hành giao thông… Nhà đầu tư đạt điểm cao nhất sẽ được lựa chọn để thực hiện dự án. Nhà nước sẽ không phải hỗ trợ tài chính, kể cả tiền giải phóng mặt bằng cho các dự án tư nhân mà chỉ nắm quyền quy định giá vé để phục vụ mục tiêu phát triển giao thông công cộng.
Dự án cầu Incheon dài 21km nối Seoul với sân bay quốc tế Incheon là một công trình tiêu biểu do tư nhân đầu tư hoàn toàn. Cây cầu này là động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế tại TP. Incheon, song huy động được hơn 3.800 tỷ Won vốn đầu tư lại là một bài toán hóc búa. Để giải bài toán này, Chính phủ Hàn Quốc cho phép dùng toàn bộ công trình thế chấp vay vốn. Một đơn vị có tên gọi Công ty TNHH cầu Incheon được thành lập với sự tham gia của nhiều cổ đông, trong đó cổ đông lớn nhất là Công ty EMIS của Anh đồng thời cũng là đơn vị có quyền quản lý công trình sau khi hoàn thành.
Tìm kiếm nguồn thu từ quỹ đất cho hạ tầng giao thông
Khi lập quy hoạch xây dựng công trình hạ tầng giao thông, Chính phủ Hàn Quốc sẽ quy hoạch sử dụng phần diện tích đất lớn hơn diện tích cần thiết để xây dựng công trình. Đối với đất của người dân, Chính phủ sẽ bỏ tiền ra để mua đất, thương lượng, bồi thường thỏa đáng, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Phần đất không sử dụng vào xây dựng công trình giao thông sẽ được cho tư nhân đầu tư, khai thác. Việc cho tư nhân kinh doanh có thời hạn tại các phần đất này để xây dựng trung tâm thương mại, nhà ở để bán và cho thuê… đã phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.
Chính phủ Hàn Quốc còn ban hành nhiều chính sách quy định về việc khai thác, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư. Mỗi loại công trình kết cấu hạ tầng giao thông khác nhau lại được khai thác, sử dụng theo cách khác nhau, ví dụ đường bộ, đường sắt thì thực hiện thu phí và cho khai thác đất dành cho kết cấu hạ tầng giao thông hoặc đất khu đô thị được hình thành khi có đường giao thông; cảng biển, sân bay thì cho doanh nghiệp thuê để thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng…
Những chính sách quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ của Hàn Quốc đã giúp giao thông quốc gia này có được diện mạo hiện đại, thông thoáng và văn minh như ngày nay, đồng thời biến đất nước này trở thành tấm gương tiêu biểu để Việt Nam cũng như nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới học hỏi, đúc rút kinh nghiệm quý báu
Theo tapchigiaothong.vn