Do đó, giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2017 – 2020 và những năm tiếp sau cần tập trung một số mặt công tác sau:

Nâng cao tinh thần, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông của chính quyền cấp cơ sở.

- Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau ban hành văn bản về nâng cao tinh thần, trách nhiệm chính quyền cấp xã; quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã là người chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của địa phương mình (nếu địa phương nào để tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ, để tai nạn giao thông xảy ra tại các bến đò ngang thì xử lý trách nhiệm Chủ tịch xã nơi đó).

- Kiện toàn lại Ban An toàn giao thông cấp xã, phân rõ trách nhiệm của từng thành viên, như Chủ tịch – Trưởng Ban An toàn giao thông cấp xã, chịu trách nhiệm chung, Phó chủ tịch phụ trách khối kinh tế làm Phó trưởng ban, chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai các chương trình, kế hoạch, công tác tuyên truyền,…Trưởng Công an xã làm Phó trưởng Ban thường trực, chịu trách nhiệm về xây dựng các chương trình, kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông, công tác tuần tra, xử lý vi phạm,…

- Quy định trách nhiệm, xét không hoàn thành nhiệm vụ trong năm, nếu cán bộ, công chức kiêm nhiệm trong Ban An toàn giao thông cấp xã không thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông được phân công.

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông

- Sở Giao thông vận tải tổ chức điều tra, thống kê lại hệ thống cầu, đường trên địa bàn nông thôn, phân loại có bao nhiêu cây cầu không đồng bộ với đường cần nâng cấp, sửa chữa; bao nhiêu đường đấu nối không hợp lý cần tải tạo; bao nhiêu tuyến đường cần bổ sung hệ thống báo hiệu; bao nhiêu cây cầu, tuyến đường bị hư hỏng cần nâng cấp, sửa chữa. Sau khi có số liệu cụ thể, lập dự toán kinh phí và đưa ra lộ trình thực hiện. Trước mắt, tạm ngưng triển khai thi công những công trình mới, trừ những công trình mang tính cấp thiết, để tập trung kinh phí (nguồn từ ngân sách và hỗ trợ bên ngoài) chỉnh trang lại hệ thống giao thông nông thôn, nhằm để phòng ngừa tai nạn giao thông do kết cấu hạ tầng gây ra.

Tăng cường đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn

- Sở giao thông vận tải tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế khoán công tác duy tu, sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn (tính theo định mức diện tích bị hư hỏng, quy đổi bằng tiền), trên cơ sở đó cấp xã chủ động hơn trong công tác duy tu, sửa chữa các tuyến đường bị hư hỏng.

- Các huyện, thành phố tổ chức triển khai nạo vét một số tuyến sông bị bồi lắng, ưu tiên nạo vét những tuyến sông mang tính trục chính, lưu lượng phương tiện cao; kết hợp dự án giao thông với thủy lợi.

- Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức công tác tuyên truyền, vận động người dân không được đặt nò, đó, vó, lú lấn chiếm luồng chạy tàu; đối với những hộ dân đã vận động nhiều lần nhưng không tự tháo dỡ thì tiến hành cưỡng chế tháo dỡ và xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông

- Các cơ quan, đơn vị, các lực lượng chức năng, tổ chức đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục theo chuyên đề: đi đúng phần đường, làn đường; đã uống rượu, bia không điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tuân thủ quy định về tốc độ; đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; các hành vi lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ; điều kiện bảo đảm an toàn phương tiện thủy chở khách; vận động người đi đò mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cá nhân, phương tiện thủy đi đêm phải có đèn chiếu sáng… bằng các hình ảnh trực quan, sinh động;

- Các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông vào chương trình Xây dựng nông thôn mới và phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong các buổi sinh hoạt của chi, tổ, hội của khóm, ấp,… góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của người dân khu vực nông thôn;

Tăng cường công tác tuyên truyền về ATGT trên phương tiện thông tin đại chúng

- Tiếp tục phát huy công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin, đại chúng của tỉnh; Trạm truyền thanh các xã mỗi ngày phát thanh 5 phút tuyên truyền về an toàn giao thông (nội dung do Ban An toàn giao thông tỉnh cung cấp);

- Xây dựng và cung cấp cho các xã, thị trấn “Cẩm nang lái xe mô tô, xe gắn máy an toàn”; xây dựng tài liệu và tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông để phục vụ cho công tác tuyên truyền ở khóm, ấp;

- Phối hợp với các tổ chức tôn giáo lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào các sự kiện, các buổi sinh hoạt tôn giáo ở địa phương;

-  Đưa nội dung chấp hành pháp luật về an toàn giao thông vào tiêu chí xét “Gia đình văn hóa” ;

- Tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đỉnh trong công tác giáo dục kiến thức an toàn giao thông trong trường học nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông, chú trọng cung cấp kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh như: đi xe đạp an toàn, ngồi trên xe máy an toàn, đi tàu thuyền an toàn,…;

- Tăng cường các nội dung giáo dục về an toàn giao thông bằng hình ảnh trực quan, sinh động lồng ghép vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa của nhà trường; tiến hành tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh vào các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần. Hàng tuần, giáo viên chủ nhiệm lớp đưa công tác giáo dục vào buổi sinh hoạt lớp.

(còn tiếp)

Khánh Ngọc