Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thời gian qua, trên toàn quốc đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm thiệt hại lớn về người và tài sản, gây bức xúc trong xã hội.

Bộ GTVT đang nghiên cứu gia tăng mức phạt đối với lái xe uống rượu bia

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Bộ GTVT chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc đơn vị trong ngành giao thông không được sử dụng rượu, bia, chất có cồn khác trong thời gian làm nhiệm vụ; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là không sử dụng rượu, bia, chất có cồn khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, chính phủ cũng áp đặt nhiều chính sách xử phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Nhật Bản

Như Zing đưa tin, đất nước Mặt trời mọc có khung hình phạt nghiêm khắc vào loại nhất thế giới với các tội liên quan đến uống rượu bia và lái xe.

Với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở (tương đương với 1 ly bia), người điều khiển xe bị quy vào lỗi "lái xe trong điều kiện không tỉnh táo", bị phạt tù lên tới 3 năm và 500.000 yen (khoảng 4.500 USD hay 104 triệu đồng).

Nhật Bản nằm trong top 10 nước có tỷ lệ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia thấp nhất thế giới

Khi cảnh sát giao thông phát hiện tài xế "lái xe trong tình trạng say rượu", người vi phạm có thể bị phạt tới 5 năm tù và 1 triệu yen (khoảng 200 triệu đồng).

Đặc biệt, nếu phương tiện của lái xe say rượu hoặc không tỉnh táo chở theo hành khách, hành khách cũng bị xử phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù.

Đối với những lái xe không tuân thủ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, họ có thể bị quy vào tội chống người thi hành công vụ với mức phạt tương đương hoặc hơn tội lái xe trong tình trạng say rượu.

Nhật Bản quy định những hình phạt cho tội lái xe say rượu gây tai nạn là 20 năm đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người.

Thậm chí, vì số lượng người đi xe đạp rất lớn, nên ở Nhật, người đi xe đạp cũng chịu những chế tài về rượu bia như người lái ôtô để đảm bảo an toàn cho người đi bộ.

Singapore

Đảo quốc Sư tử nổi tiếng với sự sạch sẽ và kỷ luật và cũng không nhân nhượng với những hành vi lái xe vô trách nhiệm. Cũng như Nhật Bản, Singapore cũng có hình phạt tù, phạt tiền và lao động công íchđối với hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn.

Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 3.600 USD hay 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam.

Singapore nằm trong top 3 nước có ít tai nạn liên quan đến rượu bia nhất thế giới

Ở Singapore, việc xử phạt sẽ dựa vào từng vụ việc. Các mức phạt sẽ được quy định dựa trên 2 yếu tố, đó là sự nguy hiểm của hành vi và nồng độ cồn của lái xe.

Những lỗi nặng nhất sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và đối diện với các hình phạt tù và lao động công ích.

Đối với các hành vi tái phạm nhiều lần, hình phạt cũng sẽ tăng thêm. Singapore phạt tù từ 6 đến 12 tháng và phạt tiền từ 3.000 đến 10.000 SGD (từ 50-130 triệu đồng) đối với tài xế tái phạm lần thứ 2 và phạt 30.000 SGD (510 triệu đồng) và 3 năm tù, tước bằng lái vĩnh viễn đối với tài xế phạm lỗi lần thứ 3.

Anh

Ở Anh quốc, người lái xe thậm chí còn chưa kịp điều khiển phương tiện đã bị phạt nếu phát hiện ra có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép.

Một người sẽ bị phạt ngay nếu sau khi uống rượu bia mà có ý định điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tức là chỉ cần ngồi trong ôtô mà hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép cũng sẽ bị phạt.

Nước này phạt từ 3 đến 6 tháng tù, phạt tiền từ 2.500 bảng (khoảng 3.100 USD hay tương đương 75 triệu đồng) và tước bằng lái một năm (hoặc 3 năm nếu tái phạm) cho hành vi lái xe hoặc có ý định lái xe sau khi uống rượu bia.

Thậm chí, ở Anh, nếu bị kết tội liên quan đến các hành vi lái xe uống rượu, người lái xe cũng gặp rắc rối lớn, rất khó được nhập cảnh vào các nước khác ở châu Âu hay đến Mỹ.

Hàn Quốc

Xứ sở Kim chi nổi tiếng với rượu soju, nhưng chỉ uống 3 ly rượu này và ngồi lên xe, người lái xe lập tức đối diện với 3 năm tù giam.

Chỉ 3 ly rượu Soju cũng có thể khiến cho các lái xe phải ngồi tù ở Hàn Quốc

Với nồng độ cồn vượt mức 0,05 mg/lít khí thở, người lái xe sẽ bị quy vào tội hình sự và có thể ngồi tù 3 năm và phạt 10 triệu won (khoảng 8.800 USD hay 206 triệu đồng) và bằng lái sẽ bị thu hồi hoặc đình chỉ tùy thuộc vào mức độ.

Bên cạnh đó, các lỗi chống lại yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn cũng bị coi là tội hình sự. Nếu không có lý do chính đáng, người lái xe không tuân thủ yêu cầu của cảnh sát sẽ bị bắt ngay lập tức hoặc bị truy nã nếu bỏ trốn.

Trung Quốc

Pháp luật Trung Quốc quy định mức cồn trong máu cho phép là 0,02%. Từ 0,02% - 0,08%, người uống rượu lái xe sẽ bị phạt 1.000 - 2.000 nhân dân tệ (hơn 3,36 - 6,7 triệu đồng) và đình chỉ Giấy phép lái xe trong 6 tháng.

Còn trên mức 0,08%, người vi phạm có thể bị phạt tù 3 năm và bị cấm lái xe trong 5 năm.

Nếu tài xế gây thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong, Giấy phép lái xe sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn.

Malaysia

Nếu tài xế bị kết tội lái xe say rượu khi phát hiện mức cồn trong máu trên mức cho phép 0,05% và bị tống giam, vợ của người đó cũng có thể bị phạt tù.

Canada

Giới hạn mức cồn trong máu cho phép là 0,08%. Người phạm tội lái xe đã uống rượu lần đầu sẽ bị phạt 1.000 đô la Canada (khoảng hơn 17,8 triệu đồng) và bị đình chỉ Giấy phép lái xe trong thời gian 1 năm.

Những người tái phạm có thể bị phạt đến 18 tháng tù và bị cấm lái xe trong 3 năm.

Australia

Giới hạn mức cồn trong máu cho phép là 0,05%. Người lái xe khi say rượu có thể bị kết tội và bị nêu tên trên báo.

Na Uy

Giới hạn mức cồn trong máu cho phép là 0,02%. Người vi phạm lái xe dưới tác động của rượu lần đầu bị phạt nặng, bao gồm đình chỉ lái xe trong 1 năm cùng bản án lao động công ích trong 3 tuần. Người phạm tội nhiều lần có thể ngồi tù và bị cấm lái xe suốt đời.

Theo ANTĐ