Cấm tua công - tơ - mét ô tô

Tua công - tơ - mét ô tô không chỉ là hành vi gian dối mà còn gián tiếp làm ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn phương tiện (ảnh minh hoạ).

Theo thông tin của Báo Giao thông, hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể chế tài đối với hành vi tua công - tơ - mét ô tô. Do đó, lực lượng chức năng chưa có căn cứ để xử phạt các trường hợp này.

Tại dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông (TTATGT), Bộ Công an đề xuất bổ sung thêm hành vi tự ý thay đổi chỉ số trên đồng hồ báo quãng đường đã chạy của xe ô tô là hành vi bị nghiêm cấm.

Việc bổ sung thêm quy định này là cơ sở để xây dựng chế tài xử lý nhằm ngăn chặn tình trạng này, bởi thực tế, trong mua bán ô tô cũ hiện nay khá phổ biến việc tua công - tơ - mét xe nhằm vụ lợi, nâng cao giá trị phương tiện.

Ngoài ra, việc tua công - tơ - mét không chỉ là hành vi gian dối mà điều này còn ảnh hưởng đến chất lượng phương tiện.

PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, chỉ số đo quãng đường xe chạy hiện nay được sử dụng để cảnh báo, nhắc nhở chủ xe về thời hạn chu kỳ bảo dưỡng xe, thời hạn thay thế các linh kiện trên xe theo thời gian sử dụng.

Do đó, ô tô bị tua công - tơ - mét về mặt kỹ thuật tuy không làm thay đổi chỉ số an toàn kỹ thuật của xe nhưng điều này sẽ làm chủ xe bị nhầm lẫn thời điểm bảo dưỡng xe, thay thế các linh phụ kiện hết vòng đời, từ đó, gián tiếp làm ảnh hưởng đến an toàn của xe.

Đồng quan điểm, chuyên gia ô tô, PGS.TS Nguyễn Thành Công cũng cho rằng việc tua công - tơ - mét ô tô sẽ gây ra nhiều hệ luỵ, làm ảnh hưởng tới chất lượng của các hệ thống tổng thành cũng như tính năng khai thác của ô tô.

 

Việc xác định xe bị tua công - tơ - mét theo các chuyên gia rất khó, phải có hộp đen của phương tiện và máy đọc phần mềm và kỹ thuật viên có chuyên môn cao.

Cách nào xác định xe bị tua công - tơ - mét?

PGS.TS Phúc cho biết, đồng hồ đo quãng đường ô tô có 2 loại là đồng hồ cơ và đồng hồ điện tử, trong đó, đa số các loại xe ô tô mới hiện nay sử dụng công - tơ - mét điện tử.

Đồng tình với việc nghiêm cấm hành vi tua công - tơ - mét ô tô nhưng ông Phúc cho rằng rất khó để xác định xe bị can thiệp chỉ số này hay không. Bởi với đồng hồ công - tơ - mét cơ, việc tua công - tơ - mét thực hiện thủ công bằng tay sẽ không có cách nào xác định xe bị tua, còn đối với đồng hồ điện tử, tuỳ từng hãng sản xuất, mỗi chỉ số kỹ thuật (trong đó có chỉ số đo quãng đường xe chạy) sẽ ở vùng dữ liệu khác nhau, có những vùng dữ liệu được thiết lập lưu trữ ở rất sâu, không cho phép truy cập hoặc phải có những máy truy cập riêng của hãng mới có thể can thiệp.

Thực tế, các hãng sản xuất luôn có cách thức để chỉnh sửa chỉ số này, nhất là với các xe chưa xuất xưởng nhưng di chuyển trong nhà máy. Trước khi đưa về đại lý vẫn phải can thiệp để đưa chỉ số công - tơ - mét đo quãng đường về 0. Do đó, họ cũng có khả năng kiểm tra xem xe đã bị can thiệp tua công - tơ - mét hay không.

Lãnh đạo Phòng Kiểm định xe cơ giới - Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đề xuất bổ sung quy định tua công – tơ – mét là hành vi bị nghiêm cấm giúp nâng cao nhận thức đối với người dân, các cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa ô tô biết được đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật, nếu thực hiện sẽ bị xử lý, từ đó, tăng tính răn đe.

Do đó, bên cạnh việc có chế tài xử lý đối với người có nhu cầu tua công – tơ – mét cũng cần xây dựng chế tài đối với các cơ sở thực hiện hành vi này.

Hiện nay, tại các trung tâm đăng kiểm có ghi lại chỉ số ki – lô – mét xe chạy nhưng chưa phải là quy định bắt buộc, chưa có hệ thống phần mềm lưu trữ để liên thông. Tới đây, Cục Đăng kiểm sẽ nghiên cứu đưa vào quy định lưu trữ thông tin này, hướng dẫn thực hiện sao cho có số liệu xác thực nhất. Tuy nhiên, vị lãnh đạo cũng nhìn nhận, dẫu có lưu trữ chỉ số này cũng không dễ phát hiện hành vi tua công – tơ – mét, nhất là đối với ô tô cá nhân. Riêng với xe kinh doanh vận tải thì hoàn toàn có thể kiểm soát quãng đường di chuyển thông qua hệ thống GPS, giám sát hành trình lắp trên xe. Đây cũng là loại phương tiện cần được kiểm soát chặt chẽ vì cường độ làm việc cao, chở nhiều người (nhất là xe vận tải hành khách), chất lượng xe thường "xuống" nhanh hơn so với xe cá nhân.

Một lãnh đạo trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội cũng cho biết, các hãng xe đã trang bị hộp đen cho ô tô ghi lại tất cả dữ liệu về quá trình vận hành của xe cũng như những can thiệp, tác động vào phần mềm, sửa chữa các hạng mục suốt quá trình sử dụng phương tiện của chủ xe.

Để lấy được dữ liệu này cần phải có máy đọc và kỹ thuật viên có khả năng vận hành thiết bị này. Các trung tâm bảo hành, bảo dưỡng chính hãng có rất ít kỹ thuật viên thực hiện được việc này. Những người làm công việc này phải được đào tạo chuyên sâu, được cấp tài khoản admin để truy cập vào hệ thống phần mềm.

"Dù hãng xe kiểm tra được việc này nhưng để họ phối hợp, chia sẻ phần mềm, cung cấp quyền admin để truy cập kiểm tra không phải đơn giản bởi đây được coi như một bí mật công nghệ của riêng mỗi hãng", vị lãnh đạo này nói.

Thực tế, khi mua ô tô cũ hiện nay, người dùng thường đưa xe đến các đại lý chính hãng để "check hãng" tuy nhiên, hầu như không bên nào cam kết số kilomet xe đã chạy.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Hoan, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 2903V (Hà Nội) cho biết, việc tua công - tơ - mét xe hiện nay thực hiện rất đơn giản, hầu hết các gara sửa chữa ô tô đều nhận làm với mức phí chỉ từ 300 - 500 nghìn đồng mà không hề bị kiểm soát. Tuy nhiên, việc xác định lại gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, khi ô tô đi kiểm định, các trung tâm đăng kiểm vẫn ghi lại chỉ số đo quãng đường xe chạy trên công - tơ - mét của xe tại thời điểm đó. Tuy nhiên, dữ liệu này chưa được cập nhật lưu trữ trên phần mềm nên việc kiểm tra không dễ dàng. Đây cũng chỉ là dữ liệu tham khảo, không đánh giá chính xác số ki - lô - mét xe chạy cũng như không đủ căn cứ xác định hành vi tua công – tơ – mét của xe.

"Nếu chỉ số tua thấp hơn so với chỉ số ghi lại từ lần đăng kiểm trước có thể xác định được nhưng nếu cố tình tua về chỉ số nhỉnh hơn một chút (từ vài chục đến trăm km) thì không thể khẳng định được bởi họ có thể viện cớ xe ít khi sử dụng", ông Hoan nói và đề xuất cơ sở sản xuất, lắp ráp nên nghiên cứu thiết lập hàng rào bảo mật cho đồng hồ công - tơ - mét sao cho khi có can thiệp, phá vỡ hàng rào này lập tức có cảnh báo trên thiết bị.

Hoặc ít nhất cần có tem dán bảo mật, muốn can thiệp buộc phải bóc tem này, khi đó, người dùng cũng như lực lượng chức năng kiểm tra sẽ dễ dàng phát hiện hành vi can thiệp tua công - tơ - mét của xe hơn, có căn cứ để xử phạt.

Nguồn Báo Giao thông