Đối với những chiếc xe cũ, việc kiểm tra, bảo dưỡng là rất quan trọng. (Ảnh: Hoàng Hiệp)
Cứ vào dịp cuối năm, nhu cầu mang xe đến các gara để bảo dưỡng, tút tát của người dân càng nhiều hơn. Một số chủ xe không tiếc tiền và thời gian bảo dưỡng toàn bộ với chi phí lên tới vài chục triệu để chiếc xế cưng của mình "ngon lành cành đào" trong dịp Tết.
Tuy vậy, đối với những chiếc xe hạng phổ thông sử dụng trên 10 năm có giá chỉ 100-200 triệu đồng, việc bỏ chi phí chục triệu để bảo dưỡng toàn bộ lại là vấn đề lớn. Do vậy, xu hướng là chủ xe sẽ chỉ ưu tiên chăm sóc tối thiểu một số bộ phận hay hỏng hóc để vẫn đạt được mục đích tối đa nhằm tiết kiệm chi phí.
Dưới đây là 5 bộ phận của "xe cỏ" dù không hỏng cũng nên quan tâm chú ý để có những chuyến đi xa an toàn, an tâm nhất:
1. Bảo dưỡng phanh xe
Phanh đĩa sau một thời gian sử dụng có thể bị cong, vênh hoặc không phẳng đều, làm mất khả năng giảm tốc độ của xe. (Ảnh: Hoàng Hiệp)
Phanh xe (thắng) là bộ phận cực kỳ quan trọng, giúp điều chỉnh tốc độ và giữ an toàn cho chiếc xe. Tuy vậy, nhiều người thường chỉ đem đi bảo dưỡng, sửa chữa khi phanh đã có vấn đề. Theo thời gian, phanh xe sẽ bị mòn và chai cứng, mất tác dụng phanh.
Việc mất phanh, phanh không ăn trong những chuyến đi dài ngày đem lại sự nguy hiểm, bất an và phiền phức cho người lái. Vì thế, trước những chuyến đi dài như đợt Tết Nguyên đán sắp tới, chủ xe nên kiểm tra phanh xe để không gặp phải rủi ro đáng tiếc khi vận hành xe ô tô.
Thông thường, tại các trung tâm bảo dưỡng, thợ sửa xe sẽ tiến hành tháo bánh xe, sau đó tháo phanh xe để kiểm tra bố, kiểm tra dầu. Cuối cùng là vệ sinh bố phanh nếu bị bẩn do bụi bám vào, tra mỡ ắc thắng rồi ráp lại như ban đầu.
Đối với phanh đĩa, sau một thời gian sử dụng, dưới sự tác động của việc phanh cùng môi trường bên ngoài như đất, đá, nhiệt độ,... có thể gây cong vênh đĩa phanh, làm đĩa phanh bị gồ ghề hay độ dày không đồng nhất. Trong những trường hợp đó, láng đĩa phanh được coi là biện pháp hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề về phanh.
2. Kiểm tra hệ thống làm mát
Khi xe hoạt động, nhiệt độ từ động cơ của xe sinh ra rất lớn. Nếu không có dung dịch nước làm mát dưới tác động của nhiệt độ cao, các chi tiết kim loại ở bên trong động cơ sẽ giãn nở và làm bó máy gây hại cho xe. Một chiếc xe ô tô không thể hoạt động một cách ổn định và bền bỉ nếu như thiếu nước làm mát.
Với những dòng xe cũ đã dùng trên dưới 10 năm, những bộ phận của hệ thống làm mát như bình nước, bơm nước, dây dẫn,... ít nhiều sẽ bị xuống cấp. Nếu không may hệ thống này bị trục trặc hoặc rò rỉ, hết nước làm mát còn gây ra nóng máy, quá nhiệt, bó máy,... rất nguy hiểm khi đi đường dài.
Vì vậy, hệ thống làm mát nói chung và nước làm mát nói riêng cần liên tục được kiểm tra. Nếu nước làm mát bị hao, có thể do nhiều lý do như thủng két nước, rò rỉ qua dây dẫn, bay hơi hoặc do hỏng bơm nước mát. Khi bảo dưỡng xe, cần xem xét kỹ để có biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt.
3. Vệ sinh kim phun, họng hút, bu-gi, lọc gió.
Trên xe ô tô, các bộ phận kim phun, họng hút, bu-gi, dây cao áp, lọc gió,... ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng vận hành của xe. Những bộ phận này hoạt động tốt sẽ giúp tối ưu hóa công suất động cơ, tiết kiệm nhiên liệu, khiến chiếc xe di vận hành êm ái, trơn tru.
Với những 'xe cỏ', kim phun, họng hút, bu-gi thường bị bám bẩn dẫn đến tắc, nghẹt sau một quá trình sử dụng, nhất là đối với một số dòng xe cũ. Do vậy, cần phải rất "để ý" đến những bộ phận này. Nếu xe của bạn đã lâu chưa vệ sinh những bộ phận này, đừng ngần ngại mang đến gara để xúc rửa, vệ sinh.
Thông thường, bộ phận này được vệ sinh sạch sẽ bằng máy và hóa chất khoảng 15.000 km/lần. Tuy nhiên đối với xe cũ, nên thường xuyên vệ sinh hơn, khoảng từ 7.000-10.000 km/lần, thậm chí ít hơn tùy vào điều kiện và tình trạng xe.
4. Bảo dưỡng bộ đề
Củ đề đi theo máy phát là chi tiết có độ bền khá cao, rất ít khi xảy ra hỏng hóc. Tuy nhiên, nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc không đúng cách, không kiểm tra bảo dưỡng định kỳ thì rất có thể vào một ngày nào đó chiếc xe sẽ gặp trục trặc, mất thời gian và công sức.
Đáng chú ý nhất trong bộ củ đề là chổi than. Chi tiết này nếu không được kiểm tra, làm sạch định kỳ, phần mạt do chổi than sinh ra sẽ bám vào nam châm vĩnh cửu được dán cố định vào vỏ bộ đề (stato) dẫn tới hỏng đề. Ngoài ra, nếu chổi than quá mòn, lớp mạt bám nhiều trên cổ góp sẽ gây ra hiện tượng chập chờn khi sử dụng rất khó chịu.
Các chuyên gia khuyên rằng, đây là bộ phận nếu đã lâu chưa thay thế thì chủ xe nên kiểm tra ngay. Việc kiểm tra bộ phận này khá đơn giản, không mất nhiều thời gian, chủ xe nên chủ động yêu cầu thợ sửa chữa kiểm tra bộ phận này khi đi bảo dưỡng. Nếu phát hiện chổi than quá mòn thì nên thay thế ngay.
5. Kiểm tra máy phát điện
Máy phát điện ô tô là bộ phận được kết nối và là nguồn năng lượng để duy trì các hệ thống điện trên xe. Nếu như máy phát điện hoạt động không hiệu quả hoặc hư hỏng sẽ khiến ô tô khó khởi động, đèn yếu hoặc có đèn cảnh báo trên taplo và còn kéo theo những hệ thống khác cũng gặp vấn đề.
Để giảm thiểu tình trạng này xảy ra, việc kiểm tra máy phát điện là điều cần thiết trước mỗi dịp lễ Tết. Cách kiểm tra để biết tình trạng máy phát điện khá đơn giản.
Nếu như điện áp cao hơn điện áp khi tắt máy (12V) có nghĩa là máy phát điện còn hoạt động tốt. Ngược lại nếu điện áp đi được khi nổ máy nhỏ hơn điện áp khi tắt máy thì máy phát điện đã bị hỏng và cần được đi sửa chữa hoặc thay thế mới.
Trên đây là một số bộ phận nên ưu tiên kiểm tra và bảo dưỡng để tiết kiệm thời gian, tiền bạc cho những xe bình dân đã sử dụng nhiều năm. Tuy nhiên, các chuyên gia về kỹ thuật ô tô vẫn khuyến cáo chủ xe nên bảo dưỡng và thay thế các chi tiết một cách định kỳ để chiếc xe vận hành được tốt nhất.
Đồng thời, dù xe cũ ít tiền nhưng chủ xe vẫn nên có sổ nhật ký bảo dưỡng, sửa chữa để theo dõi và kịp thời thay thế các chi tiết hết thời gian sử dụng. Tuyệt đối không nên để đến lúc hỏng mới "tá hỏa" đi sửa, có thể còn tốn kém hơn rất nhiều lần.
Theo vietnamnet.vn