Quy định các phương tiện phải bật đèn nhận diện ban ngày đã được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới

Giúp xe máy an toàn hơn

Hiện nay, xe máy là phương tiện người dân sử dụng phổ biến hàng ngày. Nhiều gia đình dù sở hữu ô tô nhưng vẫn đồng thời sử dụng xe máy.

Các nghiên cứu chỉ ra tới năm 2030 và những năm tiếp theo, khi thu nhập cá nhân tăng lên thì người dân vẫn tiếp tục sở hữu và sử dụng xe máy. Do vậy, các giải pháp nâng cao ATGT cho loại phương tiện này hết sức cấp thiết.

Trong nhiều vụ TNGT, xe máy không phải là phương tiện gây ra tai nạn mà bị phương tiện khác đâm vào. Chẳng hạn như trường hợp người điều khiển xe khách, xe tải khi vào vòng xuyến cua gấp không nhận ra có xe máy bên cạnh đã gây ra tai nạn thảm khốc cho người đi xe máy.

Một số nghiên cứu tại châu Á cho thấy, khoảng 60% các vụ TNGT liên quan đến xe máy xảy ra vào ban ngày và khoảng 80% trong điều kiện dòng giao thông hỗn hợp, trong đó xe máy đi chung làn đường và đi vào “điểm mù” của các phương tiện cơ giới bốn bánh. Bởi vậy, cần nâng cao tính năng nhận diện của xe máy.

Các lái xe khác sẽ cẩn thận hơn khi họ nhận ra có xe máy đang lưu thông xung quanh mình. Trên thế giới, một số nghiên cứu đã chứng minh, cách tốt nhất để nâng cao nhận diện là dùng đèn nhận diện.

Không giống như nhiều người nghĩ đèn nhận diện xe máy chỉ phát huy tác dụng với giao thông ngược chiều, đèn phía trước giúp nhận diện xe máy tốt hơn ở tất cả các phương hướng, trong các điều kiện giao thông đa dạng: Khi xe máy đi ngược chiều, đi cùng chiều phía sau, khi di chuyển vào nút giao khuất tầm nhìn, hay khi chạy trên đường cong gắt (bán kính nhỏ) có tầm nhìn hạn chế.

Đặc biệt đèn nhận diện xe máy sẽ giúp người điều khiển các loại phương tiện kích thước lớn như container, xe tải, xe khách… dễ dàng phát hiện được xe máy khi đi vào điểm “mù” của mình vào ban ngày.

Nhiều quốc gia áp dụng

Ngoài ra cần nhấn mạnh đèn nhận diện ban ngày của xe máy không phải là đèn pha chiếu xa như nhiều quan điểm hiểu nhầm hiện nay.

Ngay tại các quốc gia nhiệt đới, thời tiết khí hậu ban ngày cũng thay đổi và diễn biến rất nhanh, buổi sáng có thể có mây mù (các tỉnh phía Bắc Việt Nam) và vào buổi chiều có thể có mưa và nhiều mây (như TP HCM), lúc đó đèn nhận diện sẽ phát huy tác dụng rất tốt vào ban ngày.

Giải pháp đèn nhận diện ban ngày (daytime running lamp) hay Đèn chiếu sáng phía trước tự động (Automatic headlight ON) đã được nghiên cứu, áp dụng thành công ở nhiều quốc gia: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Anh, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia... Phân tích các vụ TNGT đối với xe máy cho thấy, các xe máy không có đèn nhận diện ban ngày gặp tỷ lệ TNGT cao hơn 2,6 lần so với các xe có đèn nhận diện.

Không tăng nhiệt độ ban ngày

Có khá nhiều các nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh hiệu quả của đèn nhận diện ban ngày cho xe máy trong cắt giảm các vụ TNGT.

Luật bắt buộc xe mô tô, xe gắn máy trang bị đèn nhận diện ban ngày vào năm 1978 ở bang California, Mỹ đã giúp giảm được 20 - 25% các vụ TNGT xảy ra vào ban ngày liên quan đến loại phương tiện này.

Ở Úc, tỉ lệ các vụ TNGT liên quan đến xe máy vào ban ngày giảm 16% sau khi luật bắt buộc mô tô, xe gắn máy trang bị đèn nhận diện ban ngày vào năm 1982. Ở các nước Châu Âu, thống kê cho thấy hiệu quả của đèn nhận diện ban ngày có thể giảm được gần 7% các vụ tai nạn thương vong liên quan đến người đi mô tô, xe gắn máy.

Ở một số nước Đông Nam Á, sau khi ban hành luật bắt buộc sử dụng đèn nhận diện ban ngày đối với xe máy cũng đã chứng minh được hiệu quả nâng cao ATGT. Ví dụ ở Malaysia, luật được ban hành vào năm 1992, sau hai tháng đã giảm được 29% các vụ TNGT liên quan đến xe máy vào ban ngày.

Ở Thái Lan, năm 2003, Chính phủ đã đưa ra quy định xe máy phải sử dụng đèn nhận diện ban ngày (loại đèn chiếu sáng phía trước tự động AHO) khi lưu thông và chính thức áp dụng từ 2005, góp phần giảm tới 20% số vụ TNGT liên quan tới xe máy.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng giải pháp này là chỉ phát huy tối đa hiệu quả khi người điều khiển phương tiện được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông trong môi trường nhiều xe cơ giới hai bánh, đặc biệt là các kỹ năng phát hiện và xử lý tình huống nguy hiểm tiềm tàng trên đường, kỹ năng đi đúng phần đường, làn đường và tuân thủ các quy tắc về giao thông.

Ngoài ra, công tác tổ chức giao thông hợp lý sẽ góp phần vào việc phát huy tối đa hiệu quả của giải pháp đèn nhận diện ban ngày cho xe máy khi triển khai áp dụng vào thực tế.

Hiện nay các quốc gia trong khối OECD đều đã áp dụng quy định sử dụng đèn nhận diện ban ngày với xe máy.

Ở châu Á, đèn nhận diện ban ngày cũng đã được chính phủ của nhiều quốc gia có điều kiện khí hậu nắng nóng và nhiều xe máy quy định áp dụng, cụ thể là Malaysia (1992), Thái Lan (2003), Indonesia (2009), Đài Loan và Ấn Độ (2017).

Hiện nay, Chính phủ Trung Quốc cũng đã nghiên cứu đầy đủ về đề án này để đề xuất triển khai trong thời gian sắp tới.

Đèn tiêu hao nhiên liệu chỉ 5-10 nghìn đồng/xe

Những thay đổi đột phá về công nghệ đèn LED đã làm cho giải pháp đèn nhận diện ban ngày của xe máy trở nên rất hiệu quả trong khi các lo ngại của dư luận đều được giải quyết.

Với tiêu hao nhiên liệu rất nhỏ (3-6W, bằng 10% đèn Halogen), mức độ ảnh hưởng tới nền nhiệt độ đô thị gần như không đáng kể (chỉ bằng 0,01% ảnh hưởng của các thiết bị điện trong đô thị).

Các thiết kế đèn DRL hoặc AHO công nghệ LED của nhà sản xuất đã được tính toán một cách chặt chẽ, bởi vậy không gây lóa mắt hoặc không gây khó chịu cho người đối diện.

Do năng lượng cấp cho đèn được lấy phần lớn/chủ yếu từ máy phát điện của xe máy nên không ảnh hưởng tới tuổi thọ ắc quy.

Hơn nữa, chi phí phát sinh đối với người sử dụng xe máy có đèn nhận diện ban ngày ở mức gần như không đáng kể, với mức chi phí 5.000 đồng (LED) - 10.000 đồng (Halogen)/xe/ năm.

Những phân tích trên cho thấy, triển vọng áp dụng đèn nhận diện ban ngày công nghệ LED hay Halogen ở Việt Nam là rất lớn.

Hiện nay, một số mẫu xe lưu hành tại Việt Nam đã bắt đầu trang bị đèn nhận diện ban ngày và được người tiêu dùng đón nhận một cách tích cực.

Nên khuyến khích trước khi bắt buộc

Sau khi bổ sung quy định bắt buộc mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện cần có DRL hoặc AHO thì nên nghiên cứu cụ thể về lộ trình triển khai. Ví dụ, trong giai đoạn 2020 - 2022 nên khuyến khích các nhà sản xuất áp dụng và người dân tự nguyện sử dụng, đồng thời tạo một khoảng thời gian để các nhà sản xuất chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực này. Giai đoạn sau 2022, bắt buộc với mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện khi lưu hành tại Việt Nam cần phải có hoặc DRL hoặc AHO. Người tham gia giao thông bằng xe máy phải sử dụng đèn nhận diện ban ngày.

Với các xe cũ, người sử dụng đơn giản chỉ cần bật đèn chiếu sáng phía trước ở chế độ chiếu gần là thực hiện được đầy đủ quy định và có được đầy đủ lợi ích của đèn nhận diện ban ngày.

Theo Báo Giao Thông