Năm 2010, Ủy ban nhân dân xã Đất Mới được Ủy ban nhân dân tỉnh giao đất với mục đích nuôi trồng thủy sản (tổng diện tích 195.297,1m2), thời gian sử dụng đất là 20 năm. Hiện nay, Ủy ban nhân dân xã Đất Mới giao cho Hợp tác xã Sò huyết giống Đất Mới thuê mặt nước để ương sò huyết giống, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 50 tấn sò huyết giống (loại 500con/kg/150.000 đồng).

Từ mô hình ương giống thủy sản có hiệu quả, tình trạng người dân sử dụng các bãi đất do phù sa bồi lắp, bãi, biền ven sông để khai thác và nuôi trồng thủy sản, sò huyết như: Cắm cây đăng đáy, nuôi sò huyết, hào, Cách làm này bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế nhưng gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý hệ thống thuỷ lợi và an toàn giao thông đường thuỷ trên địa bàn huyện.

Theo nhận định của ông Nguyễn Hoàng Trung làm nghề nuôi sò huyết xã Đất Mới, huyện Năm Căn, nghề nuôi sò huyết ven bờ là nghề có hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết lao động nhàn rỗi tại địa phương. Do đó, trên cơ sở quy hoạch được duyệt, huyện nên ưu tiên cho những hộ sống ven biển, hộ nghèo, đặc biệt là các hộ làm nghề đặt nò, đó, vó, lú trên sông. Ðó cũng là cách từng bước chuyển đổi nghề cho các hộ này để hạn chế tình trạng đăng đáy, đặt nò, đó, vó, lú gây cản trở giao thông đường thủy.

Theo Ban An toàn giao thông huyện Năm Căn, bên cạnh đó, mặc dù mô hình nuôi sò huyết trên sông đã và đang giúp nhiều hộ dân ổn định đời sống, tuy nhiên việc nuôi sò huyết trên sông sẽ tác động đến việc bồi lắng, quá trình lưu thông của dòng chảy, cản trở giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế vừa nêu, đồng thời, phát huy hiệu quả của việc nuôi sò huyết trên địa bàn huyện, huyện Năm Căn sẽ triển khai thực hiện một số giải pháp như sau:

Phối hợp với các sở, ngành cấp tỉnh tổ chức khảo sát các tuyến sông trên địa bàn huyện để xác định những đoạn, tuyến được nuôi sò huyết, diện tích nuôi, biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa khu vực nuôi sò huyết. Sau khi có quyết định phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền, huyện sẽ giao cho đơn vị chuyên môn và chính quyền địa phương để hướng dẫn cho người dân đồng thời giám sát quá trình tổ chức thực hiện. Ngoài ra, huyện sẽ tổ chức hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để hỗ trợ Nhân dân nuôi kết hợp trong vuông tôm, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế tình trạng tự phát bao ví nuôi sò huyết trên sông trái phép, gây mất an toàn giao thông.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa đối với những tổ chức, cá nhân, người dân tự ý lấn chiếm luồng và hành lang bảo vệ luồng để nuôi sò huyết. Các lực lượng chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý những vi phạm có tính chất phức tạp để giải quyết có hiệu quả. Việc kiểm tra và xử lý vi phạm phải được thực hiện quyết liệt, triệt để; cần áp dụng các biện pháp mạnh có tính răn đe.

Có biện pháp cụ thể bảo đảm an toàn giao thông thủy nội địa tại những vị trí trọng yếu, có nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến sông, tăng cường báo hiệu hướng dẫn giao thông tại những vị trí nguy hiểm, khó đi, như: Luồng cong, bãi cạn, chướng ngại vật; triển khai thực hiện việc thanh thải chướng ngại vật trên các tuyến sông.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định pháp luật cho người dân hiểu rõ trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng, hoạt động thuỷ sản và các hoạt động khác không được làm che khuất báo hiệu, ảnh hưởng đến tầm nhìn của người trực tiếp điều khiển phương tiện và phải theo hướng dẫn của đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luồng và hành lang bảo vệ luồng để nuôi sò huyết gây mất an toàn giao thông và buộc người vi phạm tháo dỡ, di dời ngay khu vực lấn chiếm và làm cam kết không tái phạm.  Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kiểm tra, giải tỏa, nhắc nhỡ người dân cắm cây đăng đáy, nuôi sò huyết, hào lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa.

Khi hành lang luồng thay đổi, đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa phải thông báo và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hoạt động thủy sản hoặc các hoạt động khác phải di chuyển, thu hẹp hoặc thanh thải vật chướng ngại do họ gây ra trên luồng mới.

Với những giải pháp cụ thể về quy hoạch vùng nuôi cùng với giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, huyện Năm Căn sẽ giải quyết được bài toán nuôi trồng thủy sản trên sông đảm bảo an toàn giao thông và phát triển kinh tế của địa phương.

Mộng Tuyết