Yamaha triệu hồi YZF-R3
Theo liên doanh xe máy Nhật Bản, những chiếc YZF-R3 trong diện triệu hồi có thể gặp 2 lỗi, ảnh hưởng tới việc vận hành của xe. Yamaha Việt Nam bắt đầu thực hiện chiến dịch triệu hồi 880 xe YZF-R3 từ ngày 23/2. Số xe nằm trong diện ảnh hưởng thuộc lô sản xuất từ tháng 6/2015 đến tháng 6/2016 với dải số khung từ MH3RH0760FK001001 đến MH3RH0760GK001880.
Lỗi đầu tiên được Yamaha đưa ra là giá đỡ bình xăng có kích thước không phù hợp, có thể chạm vào bình xăng. Do đó, trong quá trình vận hành, động cơ gây rung động tới bình xăng, khiến vị trí hàn bên dưới bình xăng có thể bị gãy. Trường hợp xấu nhất sẽ xảy ra hiện tượng chảy xăng.
Lỗi thứ 2 có thể xảy ra trên những chiếc YZF-R3 trong diện triệu hồi là hệ thống điện có thể bị ngắt, làm xe chết máy khi đang chạy. Hiện tượng này xảy ra do nước lẫn tạp chất chảy vào ổ khóa và đọng lại trên bộ chuyển mạch, dẫn tới khả năng các điểm tiếp xúc bị mài mòn.
Ông Trần Kỳ Hình, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, về nguyên tắc, doanh nghiệp có thể tự nhận biết lỗi kỹ thuật phương tiện hoặc thông qua phản ánh của khách hàng và từ đó chủ động đề nghị được triệu hồi xe. Khi nhận được văn bản đề nghị triệu hồi xe của doanh nghiệp, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ xem xét cho phép doanh nghiệp thực hiện việc triệu hồi.
Trong trường hợp có ý kiến phản ánh của khách hàng đến Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc phản ánh của dư luận, nếu xét thấy những phản ánh ấy là có cơ sở thì Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ yêu cầu các các hãng xe buộc phải triệu hồi để khắc phục lỗi.
"Về bản chất, việc triệu hồi xe không thể hiện sự yếu kém của nhà sản xuất ô tô - xe máy mà trái lại là cơ hội để các hãng xe thể hiện năng lực, uy tín của mình với thiện chí mang lại sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng", Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam cho biết.
Về nguyên tắc, Thông tư 30/2011/TT-BGTVT của Bộ GTVT đã quy định rõ: Cơ sở sản xuất phải triệu hồi các các sản phẩm do mình sản xuất, lắp ráp trong các trường hợp: Sản phẩm vi phạm các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành bắt buộc áp dụng cho đối tượng sản phẩm đó; Sản phẩm gây ra nguy hiểm về sinh mạng và tài sản do các lỗi kỹ thuật trong quá trình thiết kế, chế tạo; Sản phẩm dù chưa gây tổn thất về người và tài sản nhưng qua quá trình sử dụng có thể gây nguy hiểm trong một số điều kiện nhất định.
Cơ quan Quản lý Chất lượng sẽ căn cứ theo các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành, các thông tin, kết quả điều tra để xem xét và đưa ra quyết định buộc thực hiện triệu hồi sản phẩm.
Triệu hồi xe là cơ hội để các hãng xe thể hiện thiện chí mang lại sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng
Trường hợp phát hiện ra lỗi kỹ thuật của các sản phẩm đã bán ra thị trường, cơ quan quản lý chất lượng cần thực hiện các công việc sau: Yêu cầu Cơ sở sản xuất báo cáo về các thông tin liên quan đến lỗi kỹ thuật; Căn cứ vào mức độ nguy hiểm và khẩn cấp của lỗi kỹ thuật để có yêu cầu cụ thể bằng văn bản về kế hoạch khắc phục của Cơ sở sản xuất trong phạm vi không quá 5 ngày; Thông tin về sản phẩm bị triệu hồi trên trang thông tin điện tử chính thức của Cơ quan quản lý chất lượng một cách kịp thời, đầy đủ và khách quan; Theo dõi việc thực hiện của cơ sở sản xuất theo kế hoạch triệu hồi đã thông báo ;Tạm thời thu hồi giấy chứng nhận của các sản phẩm bị lỗi kỹ thuật cho đến khi cơ sở sản xuất hoàn tất việc triệu hồi sản phẩm theo quy định. Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày cuối cùng phải thực hiện việc triệu hồi mà cơ sở sản xuất không có báo cáo về việc hoàn thành việc triệu hồi thì giấy chứng nhận kiểu loại nêu trên sẽ bị thu hồi vĩnh viễn và đương nhiên mất hiệu lực.
Bên cạnh đó, Cơ quan quản lý chất lượng phải có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện việc triệu hồi sản phẩm theo Thông tư này; Bắt buộc việc thực hiện các quy định về triệu hồi sản phẩm; Thông tin một cách chính xác, đầy đủ và công bằng về các sản phẩm phải triệu hồi theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Thu hồi tạm thời hay vĩnh viễn giấy chứng nhận kiểu loại sản phẩm phải triệu hồi.
Theo Báo Giao thông