Ông Hồ Như Nghiệp, Phó Giám đốc Chi cục Đăng kiểm Cà Mau – Trưởng Cơ quan Thường trực liên ngành đường thủy nội địa cho biết, năm 2020 các Đoàn kiểm tra liên ngành đã xây dựng, triển khai kế hoạch phối hợp với Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố tổ chức ra quân triển khai nhiều chuyên đề, kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc nổi cộm, phức tạp trên đường thủy nội địa. Nổi bật là công tác phối hợp kiểm tra, giải tỏa đáy cá và các hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản trên đường thủy nội địa (gọi tắt là vật chướng ngại) đối với địa bàn giáp ranh hai huyện. Theo Luật Giao thông đường thủy nội địa, các hoạt động đặt dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản trên luồng là hành vi cấm trên đường thủy nội địa, vì đây là loại hình hoạt động nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông thủy rất cao và gây cản trở đến dòng chảy, ảnh hưởng đến vận tải thủy.

Xuất phát từ tình hình thực tế, Cơ quan thường trực liên ngành đường thủy nội địa đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với Ban An toàn giao thông huyện Cái Nước và Đầm Dơi triển khai thực hiện công tác giải tỏa vật chướng ngại trên sông địa bàn giáp ranh và chọn tuyến sông Bảy Háp thực hiện thí điểm (Đoạn từ Hòa Trung đến Cái Keo liên quan đến địa bàn của 08 xã), với chiều dài hơn 30 km đường thủy nội quốc gia do Trung ương quản lý.    

Đối với công tác triển khai giải tỏa, về thành phần Cơ quan thường trực liên ngành chủ trì và có sự tham gia của lãnh đạo Ban An toàn giao thông huyện Cái Nước, Đầm Dơi, lãnh đạo Ban An toàn giao thông 08 xã có liên quan và lãnh đạo, thành viên của Đoàn kiểm tra liên ngành số 3 phụ trách địa bàn, các phóng viên báo, đài tham gia đưa tin. Đồng thời, bố trí 15 phương tiện tham gia, tổ chức 05 lượt ra quân giải tỏa và tái kiểm tra với 232 lượt cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân phòng trực tiếp tham gia giải tỏa.

Kết quả cụ thể: Thanh thải 82 cây cọc gỗ cặm đặt đáy, 06 đống chà, 676 cọc đặt lú, 1.525 cây cọc khác (chủ yếu là tre, lá dừa nước…); tạm giữ 04 lưới đặt đáy và 19 cái lú. Vận động nhân dân tự thanh thải, tháo dỡ 1.630 cây cọc các loại, 12 hàng đáy, 16 chòi canh của các hộ dân nuôi sò huyết nằm trong hành lang bảo vệ luồng buộc cam kết tháo dỡ, di dời vào bờ. Riêng các bãi sò huyết đang trong vụ nuôi, trước mắt buộc các hộ dân cam kết thu hẹp không vi phạm luồng và thống nhất với địa phương cho thời gian đến hết mùa vụ tiến hành thu hoạch, tự tháo dỡ toàn bộ các dụng cụ khai thác, nuôi trồng thủy sản trả lại hiện trang ban đầu và cam kết không tái chiếm. Sau đợt ra quân giải tỏa, Cơ quan Thường trực liên ngành thường xuyên phối hợp Ban An toàn giao thông hai huyện Cái Nước và Đầm Dơi tổ chức tái kiểm tra, bàn giao cho UBND các xã có liên quan để quản lý địa bàn, có biện pháp chống tái chiếm.

Nhìn chung, qua công tác phối hợp giải tỏa vật chướng ngại trên tuyến sông Bảy Hạp được sự ủng hộ đồng tình của nhân dân và người tham gia giao thông; sau khi giải tỏa luồng tuyến thông thoáng, an toàn, phục vụ tốt nhu cầu vận tải thủy, phòng ngừa tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa khu vực.

Qua công tác phối hợp giải tỏa vật chướng ngại trên sông đối với địa bàn giáp ranh, Cơ quan Thường trực liên ngành ĐTNĐ cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm sau:

  • Để triển khai thực hiện công tác giải tỏa vật chướng ngại trên sông đạt hiệu quả, bên cạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ dân có hành nghề khai thác, đánh bắt thủy sản trên sông. Cơ quan Thường trực liên ngành ĐTNĐ còn phối hợp với Ban An toàn giao thông huyện, UBND các xã có liên quan tổ chức điều tra cơ bản địa bàn, nắm số liệu cụ thể từng hộ đặt đáy, lú…, phân loại từng đối tượng (hộ nghèo, hộ không đất sản xuất, độ tuổi lao động, thu nhập chính của từng hộ…) để xã có chính sách an sinh xã hội.
  • Trong công tác ra quân giải tỏa vật chướng ngại,
  • Sau khi giải tỏa, bàn giao, phải thường xuyên tái kiểm tra địa bàn để kịp thời đôn đốc các xã xử lý các trường hợp tái chiếm. Đồng thời, đề xuất lãnh đạo huyện phê bình trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương nếu không giữ được địa bàn sau giải tỏa.
  • Vai trò của các cơ quan báo chí cũng đã góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức không tham gia đặt nò, đó, vó, lú gây cản trở giao thông.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện công tác phối hợp liên ngành bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh nói chung và công tác phối hợp giải tỏa vật chướng ngại trên sông nói riêng. Cơ quan Thường trực liên ngành ĐTNĐ đưa ra một số giải pháp cụ thể như triển khai công tác phối hợp liên ngành bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa năm 2021; phối hợp chặt chẽ với Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố Cà Mau tăng cường công tác tuyên truyền về xây dựng, bảo vệ và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; phối hợp xử lý, ngăn chặn kịp thời đối với hành vi xâm phạm luồng và hành lang bảo vệ luồng. Đồng thời, yêu cầu UBND cấp xã tăng cường công tác quản lý địa bàn, thực hiện các biện pháp chống lấn, chiếm hành lang bảo vệ luồng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa; giải tỏa, xử lý kịp thời các trường hợp tái chiếm. Tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố Cà Mau phối hợp giải tỏa vật chướng ngại trên sông đối với địa bàn giáp ranh trên một số tuyến sông trọng điểm. Đề xuất Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các Đoàn kiểm tra liên ngành triển khai giải tỏa vật chướng ngại các tuyến sông trên địa bàn. Tiếp tục phối hợp với Ban An toàn giao thông huyện Cái Nước và Đầm Dơi giải tỏa dứt điểm các bãi nuôi sò huyết của các hộ dân sau khi đã thu hoạch xong trên tuyến sông Bảy Háp (kể cả các chòi canh) trả lại hành lang bảo vệ luồng theo quy định.

Khánh Ngọc