1. Hỏng dây cao áp, bộ chia điện


Tùy từng loại xe có thể sử dụng hệ thống điện đánh lửa khác nhau (mô-bin với dây cao áp hoặc bộ chia điện) để cấp điện cho bugi. Khi một trong các thành tố của hệ thống điện đánh lửa bị hỏng sẽ gây ra hiện tượng đánh lửa sai, nhiên liệu không được đốt hết, làm giảm hiệu suất của xe và có khả năng làm hỏng bộ lọc khí thải.

Giải pháp: Kiểm tra các giắc điện của dây cao áp, kiểm tra mô bin hay bộ chia điện.

2. Hỏng bugi

Bugi phải làm việc liên tục trong thời gian dài với điều kiện khắc nghiệt, những chiếc bugi đánh lửa sẽ bị mòn các cực dẫn đến đánh lửa kém, làm tiêu hao nhiên liệu và tăng lượng khí thải của xe. Trường hợp xấu nhất là bugi chết, không thể đánh lửa, khiến xe bị rung và yếu..

Giải pháp: Kiểm tra thay thế bugi hỏng; các chuyên gia khuyến cáo nên thay bugi mới sau mỗi 40.000km (với bugi thường) và sau 100.000km (với bugi Platin hoặc Inridium).

3. Hỏng cảm biến đo gió

Cảm biến đo gió có chức năng đo lượng khí vào động cơ và ECU tính toán lương nhiên liệu phù hợp sẽ được phun vào trong buồng đốt. Khi cảm biến này hoạt động không đúng sẽ làm mất cân bằng tỷ lệ gió và xăng, giảm hiệu suất của động cơ.

Giải pháp: Kiểm tra lần lượt các giắc cắm của cảm biến; kiểm tra xem dây dẫn điện có bị đứt ngầm hay không.

4. Cảm biến ô-xy không hoạt động

Cảm biến ô-xy làm nhiệm vụ đo lượng ô-xy chưa được đốt cháy thoát ra ngoài ống xả và báo cho bộ điều khiển ECU điều chỉnh lượng nhiên liệu phun vào. Cảm biến này nếu bị hư hỏng hoặc không hoạt động có thể làm tăng lượng tiêu hao nhiên liệu tới 30%.

Giải pháp: Máy check lỗi có thể cho biết cảm biến ô-xy không hoạt động. Tuy nhiên, không nên vội vã kết luận là cảm biến hỏng, mà có thể là do zắc lỏng hoặc đứt dây.

5. Hỏng van hằng nhiệt

Van hằng nhiệt làm nhiệm vụ giữ cho nhiệt độ nước làm mát ở nhiệt độ phù hợp cho động cơ hoạt động tối ưu bằng cách mở hay đóng cho nước làm mát đi qua lưu thông vào động cơ. Nếu van này bị kẹt (mở), nhiệt độ nước làm mát sẽ không đạt mức tối ưu trong khoảng thời gian nào đó và ECU sẽ báo đèn.

Giải pháp: Kiểm tra mức độ bám bẩn dẫn đến kẹt van hằng nhiệt, vệ sinh làm sạch cặn bẩn bám trên van; trường hợp hư hỏng thì phải thay thế.

6. Hỏng bộ lọc khí thải

Thông thường bộ lọc khí thải ít khi bị hư hỏng trừ khi bộ cao áp trục trặc gây ra đánh lửa sai (gây thừa xăng) hay động cơ có vấn đề (chẳng hạn như động cơ ăn dầu, gây muội, làm tắc nghẽn hoặc bí bộ lọc. Bộ lọc khí thải hư hỏng có thể gây ra tình trạng tín hiệu nhiên liệu báo về trung tâm điều khiển bị sai, khiến nhiên liệu đầu vào cũng bị sai, động cơ làm việc kém hiệu quả.

Giải pháp: Cần đưa xe đến gara kiểm tra, kỹ thuật viên sẽ căn cứ vào tình trạng bệnh hoặc hư hỏng của bộ lọc để chẩn đoán vệ sinh hay thay thế.

7. Nắp xăng hở hoặc không chặt

Nắp bình xăng không chặt hay hỏng sẽ làm thất thoát xăng và làm tăng mức tiêu hao nhiên liệu và gây hại môi trường. Hệ thống cảm biến EVAP Pressure (đo áp suất hơi xăng trong bình) sẽ phát hiện ra tình trạng áp suất trong bình thấp bất thường và báo lỗi động cơ.

Giải pháp: Kiểm tra nắp bình xăng; trường hợp thay bơm xăng vặn không chặt hoặc kênh cũng có thể gây rò rỉ hơi xăng, khiến cảm biến phát hiện và báo lỗi.

8. Kẹt rơ le van lọc khí nhiên liệu

Rơ le van lọc của hệ thống EVAP (hay còn gọi là van EVAP, là hệ thống lọc hơi thoát ra từ bình xăng hay hệ thống phun nhiên liệu) làm nhiệm vụ kiểm soát khí thoát ra từ hệ thống nhiên liệu thoát ra. Rơ le này làm việc theo chu kỳ và có thể bị kẹt làm van luôn mở.

Giải pháp: Rơ le bị kẹt hoặc hỏng nên thay thế là giải pháp tối ưu nhất.

(Theo Báo Nghệ An)