Xe máy mới sau khoảng 5.000km nên cân lại vành để tránh đảo bánh
Anh Hùng (Bắc Giang) sở hữu một chiếc xe Honda Vision khi di chuyển bánh sau bị rung lắc, sau khi đã đưa ra các cửa hàng sửa chữa để cân lại vành, bơm đủ áp suất thậm chí là thay cả lốp nhưng vẫn không hết để rồi cuối cùng phát hiện ra là do bạc treo máy bị hỏng cao su gây lắc bánh.
Hay như anh Bình (Hà Nội) có chiếc xe Honda Sh khi đi tốc độ lớn hơn 40km/h là xe bị đảo dữ dội, sau nhiều lần đưa ra tiệm thì mới phát hiện bị mất kẹp đối trọng ở vành xe gây đảo bánh. Đảo bánh xe là hiện tượng thường gặp ngay cả với xe mới đi được một thời gian ngắn. Đảo bánh nếu không được xử lý kịp thời có thể làm mất lái khiến xe không ổn định khi đi nhanh, vào cua hay qua gờ giảm tốc từ đó gây mất an toàn.
Triệu chứng
Dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi xe bị đảo bánh là lúc di chuyển với tốc độ từ 40 – 50km/h xe có hiện tượng rung lắc, chao đảo không ổn định. Xe vào cua dễ bị văng hoặc mất lái, nghiêng hẳn sang một bên. Hoặc khi di chuyển ở tốc độ thấp (20 – 30km/h) xe bị giật và chồm lên, tay lái khá nặng và khó lái hơn bình thường. Đôi khi người sở hữu xe và thậm chí cả thợ sửa xe cũng bị nhầm với các triệu chứng của việc hư hỏng cổ phuộc hay giảm xóc.
Vá xe không chuẩn gây đảo bánh xe
Nguyên nhân
Đối với xe máy số phổ thông
Xe máy mới khi đi được khoảng 5.000km thì bánh xe bắt đầu có hiện tượng rơ, rão các chân nan hoa làm lệch vành xe từ đó gây nên hiện tượng đảo bánh. Một số người sử dụng xe lắp thêm khóa càng phía trước để chống trộm nhưng khi dắt xe lại quên mở khóa làm cong nan hoa gây lệch vành (niềng) và đảo bánh. Các xe máy cũ hoạt động thường xuyên ở vùng ngập nước làm gỉ sét chân nan hoa hoặc vành gây nên việc mất cân bằng khiến xe bị rung lắc.
Nhiều người đi xe chở nặng quá mức, không kiểm tra kỹ tình trạng lốp (lốp bị non hơi – không đủ áp suất lốp) hay bị sập vào các ổ gà trên đường cũng là nguyên nhân trực tiếp gây đảo bánh ở xe. Giảm xóc bị hỏng, càng sau bị cong sẽ làm lệch trọng tải của xe lâu ngày gây lệch vành xe. Moay-ơ bị rơ do bi trục bánh hỏng hoặc gỉ sét, xe bị đâm, va, ngã, đổ ảnh hưởng trực tiếp đến vành xe từ đó gây nên hiện tượng xe bị đảo bánh.
Đối với xe tay ga
Do cấu tạo khác nhau nên ngoài một số nguyên nhân như trên xe số (xe bị đâm va, lốp non, vành gỉ sét,...) thì hiện tượng đảo bánh trên xe ga còn nhiều lý do khác. Lốp xe ga đa phần là lốp không săm khi chỉ nhìn qua thì thấy vẫn căng bình thường nhưng thực tế bị non (không đủ áp suất tiêu chuẩn) cũng làm xe bị đảo bánh. Lốp xe bị mòn không đều (do thói quen sử dụng, chất lượng lốp, điều kiện đường sá vận hành) cũng khiến xe không ổn định khi di chuyển.
Mất kẹp đối trọng sẽ gây đảo bánh
Đặc biệt việc bị mất, rơi kẹp đối trọng ở bánh xe như trên HondaSh làm thay đổi trạng thái cân bằng từ đó gây đảo bánh. Bạc treo giữa máy và khung bị rơ do đệm cao su bị mất hoặc biến tính làm lắc bánh xe. Bi trục láp bị hỏng hoặc gỉ sét (do nước vào hoặc lâu ngày không bảo dưỡng) làm trục bánh sau hoạt động không ổn định từ đó làm đảo bánh.
Một nguyên nhân khác đến từ việc vá dùi (khi bị thủng lốp) không đúng kỹ thuật (vá không gọn, bị cộm lên) gây mất cân bằng lốp xe.Ngay cả việc lắp lốp không đúng kỹ thuật cũng gây nên việc bị lắc xe khi di chuyển.
Khắc phục và sửa chữa
Do có nhiều nguyên nhân gây nên hiện tượng đảo bánh xe nên khi khắc phục cần làm theo phương pháp loại trừ. Đầu tiên là phải kiểm tra lốp xem có bị non hơi, bị mòn quá mức hoặc không đều hay không để có cách xử lý từ bơm thêm đến thay thế lốp mới. Kiểm tra giảm xóc xem có bị cong vênh, chảy dầu, kiểm tra cả cổ phuộc xe (cổ phuộc xe bị hư hỏng cũng gây nên việc đi xe bị rung lắc) để xử lý các tác động gián tiếp này.
Cũng cần xem lại bi trục bánh (bi trục láp) có bị rơ, gỉ sét hay bi không còn chặt với hốc giữ bi (áo bi) để khắc phục đúng nguyên nhân. Sau khi đã kiểm tra các tác động trên, cần xem lại vành xe nếu bị lệch cần đi cân lại. Đối với vành nan việc cân lại vành khá đơn giản bằng cách chỉnh (hoặc thay thế) các nan hoa, đối với vành đúc vẫn có thể cân chỉnh lại vành nhưng phải làm bằng máy. Kinh phí cho việc cân chỉnh vành, thay nan hoa tiêu tốn khoảng 500.000VND.
Đối với xe tay ga cần kiểm tra cả bạc treo máy xem có bị rơ hay hỏng cao su hay không, trên Honda Sh xem thêm cả kẹp đối trọng.
Bảo dưỡng
Để giảm thiểu các nguyên nhân gây đảo bánh thì xe cần được bảo dưỡng định kỳ, thường xuyên kiểm tra và bơm lốp đủ áp suất tiêu chuẩn. Không tải quá nặng (vượt quá tiêu chuẩn nhà sản xuất). Đối với xe tay ga, cần thay dầu láp định kỳ, tránh để nước vào khoang láp gây hư hỏng bánh răng và vòng bi. Khi có hiện tượng xe đi bị đảo bánh cần kiểm tra và khắc phục ngay, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Nguồn 2banh.vn