Lực lượng chức năng kiểm tra bằng lái xe của các chiến sĩ Trung đoàn PB 452, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội

Cũng trên con phố này, hằng ngày, hằng giờ không ít người cứ “vô tư” vi phạm tương tự như thế, không khó để tôi hay cụ bà kia bắt gặp. Nhưng câu trách của cụ bà dành cho “chú bộ đội” kia phải chăng là một góc nhìn chân thành của mọi người rằng: Với người lính “Bộ đội Cụ Hồ” thì ở đâu cũng phải giữ gìn hình ảnh đẹp, nhất là khi tham gia giao thông, điều đó càng cần phải là những người gương mẫu nhất… Gần đây, dư luận có nhiều phản ứng trái chiều khi đề cập đến vấn đề xe biển đỏ, biển xanh ngang nhiên vi phạm TTATGT gây phản cảm, tạo dựng hình ảnh xấu của lực lượng vũ trang và cơ quan nhà nước.

Những vi phạm TTATGT của cán bộ, chiến sĩ trong quân đội đã và đang là một vấn đề “nóng” không chỉ xét ở khía cạnh ảnh hưởng đến hình ảnh nêu trên mà thực tế là gây tổn thất đáng kể về người và phương tiện. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 50 - Bộ Quốc phòng, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, tình hình TNGT do quân nhân điều khiển phương tiện cá nhân gây ra tăng về số vụ và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2015. Cụ thể, toàn quân xảy ra 133 vụ, làm chết 99 người (68 quân nhân), bị thương 88 người; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 14 vụ (11,8%), giảm 15 người chết (-13,2%), tăng 5 người bị thương (6,0%). Trong đó, tai nạn xe ô tô quân sự xảy ra 23 vụ, làm chết 16 người (01 quân nhân), bị thương 19 người; so với cùng kỳ năm 2015 giảm 2 vụ (-8%), giảm 11 người chết (-40,7%) và giảm 5 người bị thương (-20,83%). Tai nạn xe mô tô, ô tô cá nhân xảy ra 110 vụ, làm chết 83 người (67 quân nhân), bị thương 69 người; so với cùng kỳ năm 2015 tăng 16 vụ (17,0%), giảm 4 người chết (-4,8%), tăng 10 người bị thương (16,9%). Thực trạng của tình hình này đã ảnh hưởng lớn đến kết quả xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của không ít đơn vị trong toàn quân.

Hình ảnh đẹp của người chiến sỹ trên mặt trận ATGT. Ảnh minh họa

Nguyên nhân của những vụ việc mất ATGT chủ yếu do ý thức tuân thủ pháp luật TTATGT của một bộ phận quân nhân, công nhân viên quốc phòng và người lao động trong quân đội tham gia giao thông còn chưa cao. Công tác quản lý bộ đội, quản lý phương tiện và giáo dục đội ngũ lái xe của một số đơn vị chưa thực sự chặt chẽ. Hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT của một số đơn vị cơ sở vẫn còn hạn chế; chưa thường xuyên gắn hoạt động tuyên truyền với công tác giáo dục chính trị, quản lý, rèn luyện kỷ luật nên hiệu quả chưa cao.

Nếu nhìn nhận một cách xác đáng từ các vụ việc TNGT xảy ra đối với quân nhân trong thời gian qua thì nguyên nhân do lỗi chủ quan còn khá cao. Hiện tượng tai nạn xảy ra do dùng bia, rượu, phóng nhanh, vượt ẩu hoặc đi sai làn đường quy định khá phổ biến. Mặc dù nhiều biện pháp đã được đề ra, kể cả cá nhân các quân nhân tham gia giao thông đều hiểu luật, nhưng ý thức chấp hành chưa gương mẫu, tự giác. Hiện nay, do điều kiện phát triển kinh tế nên phương tiện cá nhân trong cơ quan, đơn vị quân đội tăng lên, cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ mất ATGT

Các lực lượng tuần hành, tuyên truyền ATGT qua các tuyến phố của TP. Tam Điệp - Ninh Bình

Xây dựng văn hóa trong QĐND Việt Nam chính là một trong những yếu tố góp phần giữ vững, phát huy giá trị văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ”. Đây được coi là hình tượng tập trung những phẩm chất tốt đẹp nhất của người quân nhân và của QĐND Việt Nam. “Bộ đội Cụ Hồ” là danh hiệu cao quý được nhân dân suy tôn và kính trọng. “Bộ đội Cụ Hồ” mang trong mình những giá trị văn hóa - chính trị - đạo đức của thời đại Hồ Chí Minh, được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ vun đắp, xây dựng, được các thế hệ người Việt Nam và thế giới ca ngợi. Những hiện tượng chấp hành kỷ luật không nghiêm, thiếu tự giác xảy ra trong quân đội thời gian qua đã ảnh hưởng đến sức chiến đấu, làm giảm sút uy tín, làm phai mờ hình ảnh tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong nhân dân. Nguyên nhân căn bản của tình hình trên là tính tự giác, nghiêm minh của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong chấp hành kỷ luật, pháp luật, trong đó có pháp luật về ATGT chưa được đề cao.

Kiểm soát quân sự đang kiểm tra xe vận tải hàng hóa mang biển số đỏ. Ảnh minh họa

Việc giữ vững và phát huy phẩm chất “kỷ luật tự giác, nghiêm minh” của “Bộ đội Cụ Hồ” trong giai đoạn hiện nay là một nội dung quan trọng có tính cấp bách để giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp của QĐND Việt Nam, góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, sẵn sàng chiến đấu cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong mọi tình huống mà Đảng và nhân dân giao cho.

Được biết, nhằm xây dựng văn hóa giao thông, góp phần giảm thiểu những vụ việc TNGT trong quân đội, rất nhiều biện pháp, cách làm đã được Ban Chỉ đạo 50 - Bộ Quốc phòng cũng như lãnh đạo, chỉ huy, cơ quan chức năng của các cấp trong toàn quân quan tâm, triển khai như: Việc chỉ đạo toàn quân triển khai thực hiện hiệu quả năm ATGT 2016 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”. Nhiều chương trình tuyên truyền đã được tổ chức thành công, gây tiếng vang rộng rãi như: Chương trình “Người lính với ATGT” hay thanh niên quân đội tổ chức Ngày hội “Thanh niên Quân đội với văn hóa giao thông” tại hai khu vực: Khu vực phía Bắc tổ chức tại Quân đoàn 1 với sự tham gia của 6 đơn vị (Quân đoàn 1, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình, Binh chủng Công binh, Đoàn viên thanh niên Bộ Công an, Đoàn khối doanh nghiệp Trung ương, Tỉnh đoàn Ninh Bình); khu vực miền Trung tổ chức tại Trường Sĩ quan Thông tin gồm cán bộ, đoàn viên thanh niên của 5 đơn vị (Trường Sĩ quan Thông tin, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Khánh Hòa, Học viện Hải quân; đoàn viên thanh niên Công an tỉnh Khánh Hòa, Tỉnh đoàn Khánh Hòa)…

Văn hóa giao thông hay văn hóa “Bộ đội Cụ Hồ” suy cho cùng cũng không phải là điều gì “đao to búa lớn” như những khẩu hiệu ai cũng “biết rồi, khổ lắm…”, mà mỗi người đều phải có ý thức tự giác thực hiện những việc tưởng như rất nhỏ vừa nêu như một phác thảo từ góc nhìn nhỏ hẹp...

Theo tapchigiaothong.