Trên thực tế, tỷ lệ bê tông, nhựa hoá các tuyến quốc lộ còn rất thấp, chiếm khoảng 21,8%, nhiều đoạn tuyến kết cấu mặt đường đá dăm láng nhựa đã lâu chưa được sửa chữa, nâng cấp nên khi vào mùa mưa thường xuyên phát sinh hư hỏng nặng, gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là Quốc lộ 1 (đoạn Cà Mau - Năm Căn), đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 63. Một số đoạn, tuyến bị ngập nước do triều cường và chưa đầu tư hệ thống thoát nước dọc. Các hư hỏng phát sinh mặc dù được đơn vị bảo trì quan tâm sửa chữa nhưng với kinh phí bảo trì thấp, mật độ hư hỏng nhiều, không tập trung, mặt đường xuống cấp nặng nề nên gặp nhiều khó khăn, không thể khắc phục triệt để.

Cụ thể, Quốc lộ 1 có chiều dài 68,76 km nhưng kết cấu láng nhựa 30,69 km, tỷ lệ bê tông hoá chiếm 55,4%; Quốc lộ 63 dài 40,43 km, kết cấu láng nhựa 36,01 km, tỷ lệ bê tông hoá chiếm 10,9%...

Tuyến Quốc lộ 1, đoạn đi qua xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau.

Trước đây, Bộ GTVT có Quyết định số 1977/QÐ-BGTVT ngày 17/10/2019 giao Ban Quản lý dự án 7 lập hồ sơ nghiên cứu khả thi đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ Bạc Liêu đến TP Cà Mau (trong đó có tuyến tránh Tắc Vân); Quyết định số 1475/QÐ-BGTVT ngày 9/11/2022 giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập hồ sơ nghiên cứu khả thi đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ TP Cà Mau đến Năm Căn và nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn từ Năm Căn đến Ðất Mũi; Quyết định số 1092/QÐBGTVT ngày 30/8/2023 giao Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh lập hồ sơ nghiên cứu khả thi đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 63 đoạn từ Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đến TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau).

Theo Bộ GTVT, hiện các tuyến: Quốc lộ 1, Quốc lộ 63 và đường Hồ Chí Minh đang được lập hồ sơ dự án để nâng cấp, mở rộng bằng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Về công tác quản lý bảo trì quốc lộ trên địa bàn tỉnh, Cục Ðường bộ Việt Nam ngoài sửa chữa các hư hỏng phát sinh thì hiện đang tổ chức thực hiện thảm bê tông nhựa mặt đường trên từng tuyến để từng bước nâng cao an toàn giao thông qua khu vực.

Bộ GTVT cho hay, hiện nay nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ hằng năm cho công tác bảo trì được giao chỉ đáp ứng từ 30-40% nhu cầu sửa chữa quốc lộ trong cả nước. Thời gian tới, trên cơ sở nguồn vốn bảo trì hằng năm, Bộ sẽ chỉ đạo Cục Ðường bộ Việt Nam ưu tiên bố trí kinh phí bảo trì để sửa chữa, từng bước tổ chức thảm bê tông nhựa các tuyến đường trên địa bàn tỉnh Cà Mau, để khai thác êm thuận, an toàn, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Ðối với các tuyến quốc lộ đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án đầu tư nâng cấp cải tạo (Quốc lộ 1, Quốc lộ 63 và đường Hồ Chí Minh), Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Ðường bộ Việt Nam có phương án bảo trì phù hợp, tiết kiệm, tận dụng tối đa các hạng mục khi đầu tư nâng cấp, cải tạo, đồng thời bảo dưỡng thường xuyên, đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian chờ nâng cấp cải tạo./.

Theo Báo Cà Mau