Khi số liệu cân xe chỉ để báo cáo
Tại Trạm thu phí Bến Thủy II (Nghệ An) và ghi nhận, khi xe đầu kéo BKS 38N-4176 qua trạm, hệ thống cân tải trọng xe tự động đặt tại trạm thu phí hiển thị tổng trọng tải xe là 54,2 tấn, quá tải 12,9%. Đến 2h25, xe BKS 86C-012.90 qua trạm, hệ thống báo tổng trọng tải xe là 35,34 tấn, quá tải 47,2%. Sau đó, xe đầu kéo BKS 77C-084.02 qua trạm lúc 2h36, hệ thống báo xe quá tải 17,18%. Lúc 3h8, có xe thân liền 3 trục BKS 47C-0948 qua trạm, hệ thống hiển thị chở quá tải tới 85,19%. Tất cả những xe quá tải nêu trên đều tiếp tục tham gia giao thông bình thường.
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục vừa yêu cầu tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các nhà đầu tư dự án BOT trong công tác KSTTX, trong việc lắp đặt trạm KTTTX ghép với các trạm thu phí đường bộ. Tuy nhiên, để có thể sử dụng các trạm cân tự động phục vụ cho mục đích xử phạt xe quá tải, cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật. Hiện, tổng cục đã trình Bộ GTVT Thông tư Quy định sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phục vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB (trong đó có, thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe). Thông tư này sẽ là cơ sở pháp lý để thực hiện việc xử phạt xe quá tại tại các trạm cân.
Là người trực tiếp phụ trách tổ thu phí và theo dõi kết quả cân xe ở trạm, chị Nguyễn Thị Phượng, Trưởng ca trực cho biết: “Giờ xe quá tải đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn. Khung giờ xe quá tải chạy nhiều nhất là từ 2-3h sáng, tập trung ở các dòng xe từ 4 trục trở lên và xe chạy tuyến ngắn Nghệ An - Hà Tĩnh. Hệ thống cân tại trạm phát hiện và ghi nhận được nhiều xe quá tải”.
Từ năm 2014, hệ thống cân tải trọng xe tự động đã được Tổng công ty Xây dựng CTGT 4 lắp đặt tại Trạm thu phí Bến Thủy II. Trong tháng 9, có 13.309 lượt xe chở hàng quá tải mức từ 10-100% lưu thông qua trạm thu phí. Tuy nhiên, số liệu này chỉ được báo cáo nội bộ.
Ông Nguyễn Sỹ Thắng, Chánh Thanh tra sở GTVT Nghệ An cho biết, công tác KSTTX luôn gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, vật lực. “Thời gian qua chúng tôi chỉ đề nghị phía chi nhánh BOT cung cấp dữ liệu cân của các xe quá tải qua trạm để nắm khung giờ, chu trình hoạt động của xe quá tải nhằm đưa ra biện pháp ngăn chặn, xử lý. Nếu hệ thống dữ liệu từ trạm thu phí được sử dụng để xử phạt sẽ tăng hiệu quả xử lý xe quá tải”, ông Thắng nói.
Tương tự, dọc QL1 còn khá nhiều trạm thu phí BOT được các chủ đầu tư trang bị cân xe tự động nhưng cũng chỉ dùng số liệu báo cáo xe quá tải để nội bộ công ty biết và cung cấp cho lực lượng chức năng khi có yêu cầu. Đa số các chủ đầu tư BOT đều đề nghị: “Bộ GTVT cần sớm xây dựng lộ trình để đưa hệ thống cân này vào việc phạt nguội xe quá tải, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư đồng thời mới xử lý được triệt để xe quá tải”.
Có phối hợp xử lý, xe quá tải giảm mạnh
Theo ông Bùi Đình Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giám sát khai thác vận hành đường cao tốc Việt Nam (Tổng công ty ĐT&PT đường cao tốc Việt Nam - VEC), đến nay VEC đã lắp đặt hệ thống cân tự động tại Trạm thu phí cao tốc Nội Bài - Lào Cai và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, trong 9 tháng đầu năm, đã kiểm tra hơn 818.057 trường hợp, phát hiện 15.019 xe quá tải; trên tuyến cao tốc HCM - Long Thành - Dầu Giây, cũng kiểm tra 998.532 xe, phát hiện 15.607 xe quá tải.
“Tất cả các trường hợp xe quá tải bị phát hiện tại trạm thu phí đều bị VEC từ chối phục vụ. Bên cạnh đó, các trạm thu phí của VEC cũng phối hợp tốt với lực lượng CSGT, TTGT trên tuyến thực hiện xử phạt các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, tình trạng xe quá tải trên các tuyến cao tốc do VEC quản lý đã giảm đáng kể”, ông Tuấn thông tin.
Tại TP.HCM, từ tháng 7, Sở GTVT đã triển khai 4 trạm cân tự động tại cầu Giồng Ông Tố, cầu Kỳ Hà (quận 2) và hai trạm trên cầu Ông Lớn trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7). TTGT và CSGT là hai lực lượng được phân công phối hợp để tiến hành kiểm tra, xử lý các phương tiện vi phạm tại hai trạm thu phí này.
Theo đó, các phương tiện khi đi qua trạm thu phí, cân tự động (trạm sơ cấp) sẽ phát hiện xe chở quá tải báo về hệ thống. Cách khoảng 300m phía sau trạm cân tự động là chốt kiểm tra của lực lượng chức năng. Nếu hệ thống cân tự động báo xe chở quá tải, CSGT sẽ yêu cầu dừng xe đưa vào cân lại (cân thứ cấp) bằng hệ thống cân tĩnh. Kết quả cân tĩnh là căn cứ để lực lượng chức năng xử phạt.
Theo ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, đơn vị quản lý 4 trạm cân nói trên, gần 3 tháng qua, tại 4 trạm cân đã phát hiện 552 lượt xe quá tải. Kiểm tra lại bằng cân tĩnh, đã xử lý hơn 242 xe quá tải, phạt hơn 1,58 tỷ đồng. Ông Lê Hoàng Nam, Đội trưởng Đội TTGT số 5 cho biết, từ khi lắp đặt các trạm cân tự động, số xe quá tải trên các tuyến đường này giảm trên 85%.
“Tuy nhiên, do phải cân lại bằng hệ thống cân tĩnh nên mất thời gian, tốn kém công sức. Cần đưa hệ thống cân tự động tại các trạm thu phí vào danh mục các thiết bị được sử dụng để kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực GTĐB như: Máy đo tốc độ, máy đo nồng độ cồn… Lúc đó hiệu quả hoạt động của trạm cân tự động sẽ được phát huy tối đa, đặc biệt là đánh vào tâm lý của cánh tài xế, không được phép chở quá tải trong khi lưu thông trên đường”, ông Trung nói.
Theo Báo giao thông. Khánh Ngọc st