1. Nguồn gốc chiếc xe
Đây là vấn đề quan trọng số 1 đối với một chiếc xe ôtô đã qua sử dụng, như giấy đăng ký, sổ đăng kiểm đầy đủ, sổ bảo hiểm (nếu có),… Nó không chỉ cho biết những người chủ sở hữu trước đó, mà còn liên quan đến hàng loạt các vấn đề trong quá trình hợp thức hóa để chiếc xe về với chủ nhân mới và còn là điều kiện để lưu hành xe về sau.
Thông thường, người mua xe đã qua sử dụng sẽ phải bỏ thêm những khoản chi phí (thuế trước bạ, tính theo giá trị xe cũ do cơ quan thuế quy định) để chuyển quyền sở hữu hợp pháp, và số tiền có thể sẽ chênh lệch rất nhiều nếu giấy đăng ký xe ở các địa phương khác nhau.
2. Số km đã đi trên đồng hồ
Điều này quan trọng và nên được xem xét đầu tiên. Khi dựa vào số km đã chạy, bạn có thể xác định được giá trị của chiếc xe và suy nghĩ liệu nó đáng để bỏ tiền ra hay không. Theo các chuyên gia, đối với thương hiệu châu Âu như BMW, Mercedes, nên chọn những chiếc đã sử dụng không quá 7 năm; với ôtô Nhật và Hàn, không nên chọn xe đã đi quá 18.000 km vì đây là mốc bắt đầu xuất hiện những hư hỏng.
3. Kiểm tra lốc máy
Mua bán xe cũ cần kiểm tra tình trạng rò rỉ nhớt ở bên dưới lốc máy. Nếu chúng bị rò rỉ rất có thể nguyên nhân do máy đã bị mòn gioăng, nhưng cũng có nhiều trường hợp người bán đã lường trước sự việc nên đã thay cho xe bằng loại nhớt đặc, hạn chế việc hở bạc cũng như không xảy ra tình trạng khói đen.
Người mua nên trao đổi rõ ràng với người bán, để kiểm tra xe tốt nhất vẫn nên chọn loại nhớt phù hợp, đúng theo yêu cầu mà nhà sản xuất đề ra.
4. Kính chắn gió
Muốn đánh giá xe cũ chất lượng hay không cần kiểm tra tất cả các cửa sổ, kính chắn gió cả trước và sau xe, thông qua đó xác định xem chiếc xe trong quá khứ có từng bị va chạm hay không. Dù chỉ là những vết trầy xước, vết mài, nứt nhỏ hay có bộ phận nào đó bị lỏng lẻo người mua cũng nên cẩn trọng, bởi đây có thể là yếu tố chứng minh rằng chiếc xe này đã bị va chạm hoặc bị hư hỏng mà không được chủ nhân của nó sửa chữa, đi bảo trì bảo dưỡng.
5. Cánh cửa
Những chiếc ô tô đã qua sử dụng thường hay bị hở, vênh tại các mép cửa mỗi khi đóng vào, đó là do va chạm hay một vài lỗi trục trặc mà chủ nhân trước đó không khắc phục. Tùy vào mức độ nặng nhẹ ra sao mà bạn quyết định nên hay không nên lựa chọn nó.
6. Tay lái
Muốn đánh giá xe cũ vô lăng hoạt động tốt hay không thì giải pháp đơn giản nhất là lái xe thử. Một chiếc xe mà bạn nhắm tới phải thử ít nhất 2 đến 3 lần; đầu tiên hãy thử nghiệm trên đoạn đường yên tĩnh để xem tiếng máy chạy có êm không, sau đó mở rộng phạm vi thử nghiệm.
Thời gian tốt nhất để lái thử xe là trên nửa tiếng, áp dụng trên nhiều đoạn đường khác nhau bạn sẽ có được sự đánh giá tốt nhất về góc độ xử lý tình huống của chiếc xe.
7. Phanh xe
Bộ phận phanh đóng vai trò vô cùng quan trọng - khi đi mua xe ôtô cũ bạn nên kiểm tra một cách cẩn trọng. Đầu tiên hãy dẫm chân lên bàn đạp thắng, nếu cảm giác của bạn không thấy chắc hay thấy rung xe, rung tay lái, phanh phát ra tiếng ken két, rít rịt, âm thanh của kim loại chà vào nhau thì rất có thể là do phanh bị thiếu dầu, dung dịch chất lỏng bị rò rỉ...
Đôi khi cũng có một số chiếc xe có đĩa phanh đã quá mòn, không được bảo trì cẩn trọng, khi tậu về có thể trong tương lai sẽ gặp nhiều rắc rối, hoặc nếu có sửa chữa cũng không chắc sẽ hoạt động ổn định.
8. Kiểm tra chân máy
Chi phí thay thế chân máy sẽ rất tốn kém nếu bộ phận này bị gãy. Có tổng cộng 4 chân máy làm bằng cao su. Để kiểm tra bộ phận này, cần mở nắp ca-pô, về số 1 rồi nhấp chân ga. Nếu máy giật mạnh ngược về phía sau hoặc ngược lên trên thì đây chính là lúc cần thay thế. Chân cao su cũng khá dễ nhìn bằng mắt thường. Hầu hết ô tô cũ gặp phải trường hợp này.
9. Bảng điều khiển
Bảng đồng hồ điều khiển trên xe cũ được coi là tốt khi ấn nút hay màn hình cảm ứng phải cung cấp các thông tin về tình trạng xe cũng như cuộc hành trình một cách chính xác, đầy đủ. Thử nghiệm trên tất cả các nút bấm dù nhỏ nhất, cần đảm bảo mọi thứ vẫn còn hoạt động trơ tru, có như vậy bạn mới không gặp phải phiền phức.
10. Vấn đề thương hiệu
Xe cũ khi mua về có thể cần thay một vài linh kiện trước khi sử dụng. Vì vậy, giá linh kiện cũng là vấn đề cần lưu ý. Ví như xe Nhật, Hàn (Toyota, Honda...) có phụ tùng đa dạng, dễ kiếm với nhiều mức giá khác nhau. Trong khi xe Mercedes, BMW có giá phụ tùng đắt hơn rất nhiều. Quy trình thay linh kiện các xe sang cũng khá tốn kém.
(Theo Báo Nghệ An)