Khi CSGT rút khỏi trạm cân, lực lượng Thanh tra giao thông gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát xe quá tải do thiếu lực lượngcó chức năng dừng xe - Ảnh: Tạ Tôn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi làm việc với Bộ GTVT mới đây thẳng thắn cho rằng, nếu không có sự tham gia của công an, không thể xử được xe quá tải. Để tái diễn vài năm nữa, đường sá sẽ lại hỏng hết. Thực tế này đòi hỏi phải sớm khởi động lại kế hoạch phối hợp liên ngành Công an - GTVT để xử lý xe quá tải.
Trạm cân dừng hoạt động, xe quá tải tái xuất
Kế hoạch phối hợp liên ngành 12593 giữa Bộ GTVT và Bộ Công an thực hiện từ tháng 11/2013 được xem là văn bản chính thức “tuyên chiến” với xe quá tải, đang ngày đêm phá nát những cung đường, gây nguy hiểm đến tính mạng người tham gia giao thông. Thực hiện chỉ đạo của hai Bộ, các lực lượng, địa phương đã vào cuộc nhanh chóng và quyết liệt với cách làm rất mạnh mẽ. Với sự phối hợp này, hoạt động tại các trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động có sự phối hợp chặt chẽ, cả hệ thống chính trị vào cuộc chống nạn xe quá tải. Thực tế, theo báo cáo của liên bộ ngày 1/9/2016 tổng kết 2 năm thực hiện Kế hoạch 12593, tình trạng xe quá tải đã giảm trên 92%.
Tuy nhiên, tháng 9/2016, liên Bộ GTVT và Công an đã thống nhất kết thúc Kế hoạch 12593. Ngay sau đó, lực lượng CSGT nhiều tỉnh đã rút khỏi lực lượng kiểm tra tải trọng liên ngành ở trạm cân, bám trạm cân lúc này chỉ còn lực lượng TTGT. Điều này dẫn tới nhiều tỉnh lúng túng trong kiểm soát xe quá tải do thiếu lực lượng chính có chức năng dừng xe.
Tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo TTATGT quý I/2017, ngày 16/3 của Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng, thực sự lực lượng liên ngành vừa qua làm việc rất hiệu quả trong kiểm soát xe quá tải. Nhưng khi dừng lại, các địa phương cũng chững lại, dẫn tới kiểm soát tải trọng xe lúng túng, khó khăn. Bộ trưởng đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến cùng với Bộ Công an chỉ đạo, tổ chức lại lực lượng liên ngành xử lý xe quá tải.
Đáng nói, ngay khi kế hoạch phối hợp giữa hai Bộ Công an - GTVT kết thúc, hàng loạt trạm cân lưu động tại các tỉnh, thành đã dừng hoạt động. Thông tin với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, đến nay có tới 23 trạm cân/64 trạm trên cả nước ngưng hoạt động. 41 trạm còn lại dù đang duy trì hoạt động nhưng cũng cầm chừng và có nguy cơ “tan rã” bất kỳ lúc nào. “Điều này dẫn đến tình trạng tại nhiều địa phương, xe quá tải tái xuất trên nhiều tuyến đường, trong đó có các tuyến quốc lộ huyết mạch như QL: 1, 6, 5, 18, 13, 14 qua khu vực Tây Nguyên”, ông Huyện nói và cho biết, nhiều xe trước đây đã bị cắt thành, thùng, nay hàn lại, thậm chí còn cao hơn trước. “Đơn cử tại Hà Nội, chỉ trong một ngày lực lượng Thanh tra của tổng cục đã xử lý 35 xe vi phạm, xử phạt với số tiền là 1 tỷ đồng”, ông Huyện chia sẻ.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông trên tuyến QL18 qua các tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh cho thấy, tình trạng xe cơi nới kích thước thành, thùng, chở hàng quá tải đã tái diễn trở lại và hoạt động công khai. Nhiều xe tải sử dụng thành, thùng cao khoảng 2m.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong công tác kiểm soát tải trọng xe. Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Cần kế hoạch phối hợp toàn diện để tránh lãng phí
Theo luật sư Thái Văn Chung, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, để kiểm soát xe quá tải bền vững rất cần có chính sách nhất quán và ổn định. Nếu không có sự phối hợp tốt giữa các lực lượng, nguy cơ các trạm cân lưu động bị ngưng hoạt động, không chỉ xe quá tải bùng phát trở lại mà còn lãng phí lớn cả về công sức lẫn tiền bạc đã đầu tư các trạm cân.
Cho rằng, cần sớm khởi động lại kế hoạch phối hợp giữa liên Bộ Công an - GTVT, theo ông Nguyễn Văn Huyện, cần xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định rõ sự phối hợp giữa Bộ Công an, Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan với nòng cốt là Bộ Công an, Bộ GTVT và UBND các tỉnh, thành phố. “Trên cơ sở Kế hoạch phối hợp 12593, Bộ GTVT và Bộ Công an xây dựng kế hoạch phối hợp với thời gian là 5 năm có chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn”, ông Huyện nói và cho biết thêm, cần thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch phối hợp cấp Bộ do 2 Thứ trưởng Bộ GTVT và Bộ Công an làm đồng Trưởng ban. Các địa phương có Ban chỉ đạo cấp tỉnh do lãnh đạo Sở GTVT và Công an tỉnh làm đồng Trưởng ban. Trước mắt, thành lập ngay các trạm cân lưu động đặt trên các quốc lộ có nhiều xe quá tải hoạt động.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, trong mọi điều kiện đảm bảo ATGT đều cần có sự phối hợp giữa ngành GTVT và Công an. “Trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, chức năng nhiệm vụ của lực lượng CSGT có tính toàn diện hơn. Điều quan trọng, lực lượng CSGT là lực lượng vũ trang nên uy lực trong thực thi pháp luật cao hơn. Trong khi đó, chức năng chính của lực lượng TTGT là kiểm tra các yếu tố liên quan đến mất ATGT về kết cấu hạ tầng và thiên về chiều sâu thực hiện các quy định pháp luật về kinh doanh vận tải đối với doanh nghiệp, chủ xe nhiều hơn là trực tiếp tuần tra, kiểm soát trên đường. Đối với các tuyến đường huyện, tỉnh, các đầu mối hàng hóa cần tăng vai trò của chính quyền cấp huyện. Cần giao thêm nhiệm vụ cho công an huyện sử dụng cân xách tay để cơ động xử lý vi phạm quá tải tại các đầu nguồn hàng. Khi có thông tin vi phạm từ lực lượng CSGT, Sở GTVT căn cứ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan trực thuộc để phối hợp xử lý về tước bằng lái, tước phù hiệu doanh nghiệp, chủ xe vi phạm”, ông Hùng đề xuất.
Tại buổi làm việc mới đây với Bộ GTVT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho rằng, nếu không có sự tham gia của công an, không thể xử lý được xe quá tải. Để tái diễn vài năm nữa, đường sá sẽ lại hỏng hết. “Kế hoạch liên ngành 12593 là cực kỳ hiệu quả, cần được tiếp tục duy trì. Bộ GTVT cần trực tiếp làm việc với Bộ Công an để tiếp tục có một kế hoạch phối hợp tương tự. Đơn độc một mình Bộ GTVT không thể làm lại được. TTGT đã làm tốt rồi nhưng sẽ không thể phát huy hiệu quả nếu không có lưc lượng công an phối hợp”, ông Dũng nói.
Theo Báo giao thông