Theo các chuyên gia, cháy xe có nhiều nguyên nhân, nhưng tập trung nhiều vào các yếu tố sau đây.
1. Lỗi từ thiết kế của nhà sản xuất
Một đầu nối ống dẫn bị hở, một con ốc vặn không chặt, nắp bình xăng đóng không kín... khiến nhiên liệu, các loại chất lỏng rò rỉ kết hợp với tia lửa điện xuất phát từ hệ thống dây dẫn bị mòn lớp vỏ cách điện có thể gây nên thảm họa.
2. Đường ống xả bị hở
Ống xả không được làm kín hoặc bị ăn mòn theo thời gian khiến khí xả nóng lọt vào và làm cháy một số vật bán dưới gầm xe dễ bắt lửa như rơm, giấy…Lưu ý, rửa xe khi ống xả nóng sẽ góp phần tác động vào việc ăn mòn ống xả diễn ra nhanh hơn.
3. Lười bảo dưỡng
Lười bảo dưỡng không nguy hiểm như cách đốt một que diêm hay ngọn bấc ném vào bình xăng, tuy nhiên, lỗi chủ quan này khiến chiếc xe của bạn ở trong tình trạng nguy hiểm và khả năng cháy cao hơn.
4. Quá tải hệ thống điện
Việc quá tải hệ thống điện cũng là nguyên nhân chủ chốt khiến nhiều xe ô tô bốc cháy; nhiều chủ xe lắp thêm thiết bị điện không có trong thiết kế của xe không được kiểm soát gây quá tải cho hệ thống điện. Ngoài ra, những mối nối điện không chặt chẽ, hoặc dây điện không phải hàng chuyên dụng cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây cháy nổ xe.
Có trường hợp, qua nhiều quá trình sửa chữa, chủ xe còn thay thế những vật liệu có khả năng chống cháy như tấm xốp, vách ngăn... bằng những vật liệu khác không đảm bảo chất lượng nên khả năng bắt lửa cao.
5. Rò rỉ nhiên liệu
Đây là nguyên nhân lớn nhất trong các vụ cháy xe ô tô. Xăng có thể dễ dàng bốc cháy khi có tia lửa chỉ ở nhiệt độ 7,2 độ C. Cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ là bảo hành, bảo dưỡng xe của bạn thường xuyên.
6. Động cơ quá nóng
Một động cơ quá nóng không thể tự bốc cháy, nhưng các vòng đệm bằng cao su hoặc nhựa dẻo có thể bị hỏng khiến những chất lỏng trong động cơ như nhiên liệu, dầu nhờn, chất làm mát có thể thoát ra ngoài. Khi những giọt chất lỏng này rơi xuống những bộ phận nóng khác chẳng hạn như ống thoát khí, nó có thể bốc cháy.
7. Cháy dầu trợ lực lái
Khi mà hệ thống lái gặp phải sự cố, dầu trợ lực sẽ bị bắn ra cổ gom khí xả. Do nhiệt độ khí thải ra bên trong là rất cao, khoảng 600 đến 700 độ C khiến dầu trợ lực có thể bị cháy. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho xe bị cháy nổ.
8. Bộ chuyển đổi chất xúc tác
Bộ phận chuyển đổi chất xúc tác là bộ phận nóng nhất vì phản ứng đốt cháy Co và nhiên liệu chưa cháy hết ra môi trường diễn ra ở đây.
Thông thường bộ chuyển đổi xúc tác chỉ bị nóng từ 648.9 độ đến 871.1 độ, nhưng khi động cơ hoạt động không hiệu quả nhiệt độ có thể tăng lên đến 1093.3 độ. Điều này làm cho bộ chuyển đổi xúc tác nhanh hỏng mà còn làm cho những bộ phận cách nhiệt xung quanh cháy và lan ra các bộ phận khác.
9. Va chạm ô tô
Phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng, một vụ tông xe có thể gây nên một vụ cháy. Hầu hết khu vực bảo vệ như cản trước, cản sau được thiết kế khá chắc chắn để bảo vệ các bộ phận bên trong như động cơ, ắc quy hay bình xăng.
Tuy nhiên, với những cú tông mạnh, chất lỏng rất dễ bị rò rỉ, bên cạnh hơi nóng và khói là điều kiện dễ gây cháy xe. Cách tốt nhất trong trường hợp này bạn nên tránh xa chiếc xe bị hư hại càng nhanh càng tốt.
(Theo Báo Nghệ An)