Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới chỉ rõ, cần: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nhiều hình thức phong phú, sinh động, đặc biệt là thông qua các phiên toà xét xử lưu động và bằng những phán quyết công minh để tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ và nhân dân”. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 giao Chính phủ nhiệm vụ: “Tổ chức và lãnh đạo công tác tuyên truyền, giáo dục Hiến pháp và pháp luật trong nhân dân”. Đặc biệt, Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phố biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân đã khẳng định: “Phổ biến, giáo dục pháp luật là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng”.

Trong những năm qua, công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đã được Đảng, Quốc hội và Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt để lập lại TTATGT, kiềm chế làm giảm TNGT, ùn tắc giao thông, trong đó công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo TTATGT được đặc biệt nhấn mạnh và coi là một trong những biện pháp quan trọng để góp phần kiềm chế và làm giảm TNGT, ùn tắc giao thông.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và vận động quần chúng tham gia bảo đảm TTATGT là một trong những biện pháp cơ bản trong quản lý TTATGT của lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT). Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng CSGT đường bộ, đường sắt từ Cục nghiệp vụ đến các địa phương đã chủ động tham mưu cho Bộ Công an, Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia, cấp ủy, chính quyền và Ban An toàn giao thông các địa phương chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đảm bảo TTATGT cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị- xã hội đổi mới, đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về giao thông để quần chúng nhân dân hiểu và nắm vững, nghiêm chỉnh chấp hành. Qua đó thúc đẩy quần chúng nhân dân tự giác tham gia phong trào “Toàn dân giữ gìn trật tự, an toàn giao thông"​

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, trong những năm gần đây, tình hình TTATGT đã có chuyển biến tích cực. Từ năm 2015 đến nay, tai nạn giao thông (TNGT) liên tục giảm trên cả ở ba tiêu chí số vụ, số người chết và số bị thương (số người chết do TNGT đã giảm dưới 9.000 người chết/năm). Tuy nhiên, kết quả trên mới chỉ là những dấu hiệu tích cực bước đầu, chưa bền vững. Tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông và những vấn đề khác thuộc lĩnh vực TTATGT vẫn đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Tình hình trên đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị rất cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với những giải pháp chiến lược, cơ bản, toàn diện. Trong đó, vai trò nòng cốt của các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng CSGT phải tiếp tục được nâng lên ở tầm cao hơn.


Thống kê, phân tích hàng năm cho thấy có đến trên 80% số vụ TNGT xảy ra là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém. Vì vậy, một trong những giải pháp cơ bản để giảm thiểu thiệt hại TNGT đó là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông bằng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.


Trong những năm qua, bằng sự năng động và sáng tạo của mình, lực lượng CSGT đã chủ động tham mưu cho Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền và Ban ATGT các địa phương chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông cho các tầng lớp nhân dân. Đồng thời trực tiếp và phối hợp với các cơ quan chức năng, các cơ quan thông tin đại chúng, các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT. Nhiều hình thức tuyên truyền đã được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao như: Tuyên truyền lưu động; trưng bày panô, áp phích; trực tiếp tuyên truyền, giảng bài pháp luật về giao thông; vận động ký cam kết chấp hành TTATGT; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về TTATGT; phối hợp cung cấp tin, bài, tư liệu, duy trì các chuyên mục "Bản tin an toàn giao thông" trên sóng truyền hình ở Trung ương và địa phương…

Một buổi tuyên truyền phổ biến luật giao thông của lực lượng CSGT, Công an Nghệ An

Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền của lực lượng CSGT là làm tốt công tác vận động quần chúng tham gia bảo đảm TTATGT thông qua xây dựng các mô hình nhân dân tự quản trong phong trào toàn dân bảo vệ An ninh tổ quốc trên các tuyến giao thông. Đến nay, lực lượng CSGT Công an các địa phương đã xây dựng và duy trì có hiệu quả 16.262 mô hình nhân dân tự quản bảo đảm TTATGT, thu hút gần 700.000 người tham gia. Trong đó có 15.475 mô hình trên đường bộ, 30 mô hình trên đường sắt và 756 mô hình trên đường thủy nội địa. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như: “Thắp sáng quốc lộ, thắp sáng đường quê”, “Thanh niên tự quản về An toàn giao thông​”, “Tổ dân phố tự quản về trật tự an toàn, giao thông”, “Đoạn đường em chăm”, “Em yêu đường sắt quê em”, “Cổng trường an toàn giao thông”, “Tổ đò tự quản”, “Đoạn, tuyến, cảng, bến sông văn hóa, an toàn”... được xây dựng tại các khu dân cư, các tuyến đường, đoạn sông, trong các công ty, doanh nghiệp vận tải. Các mô hình trên đã góp phần hạn chế vi phạm, kiềm chế tai nạn, bảo đảm TTATGT, đồng thời tạo ý thức trách nhiệm chung của cộng đồng, từng bước xây dựng nếp sống văn hóa giao thông trong toàn xã hội.

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT còn đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động của mình trong công tác bảo đảm TTATGT, phòng, chống tội phạm trên các tuyến giao thông, những gương “người tốt, việc tốt”, phản ánh kịp thời các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến. Những hình ảnh đẹp về lực lượng CSGT xuất hiện ngày một nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội. Đó là hình ảnh người chiến sĩ CSGT cần mẫn chỉ huy giao thông giữa cái nóng lên tới xấp xỉ 40 độ C; ngâm mình trong dòng nước lũ làm cọc tiêu sống cho xe qua lại an toàn; gắn bó cả cuộc đời với những dòng sông, cửa bể, trên những chuyến tàu vượt mọi dặm dài của đất nước hay không ngai ngần khi đối mặt với tội phạm, với những kẻ côn đồ hung hãn để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân… 

Những kết quả đạt được trong công tác tuyên truyền của lực lượng CSGT đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, động viên, biểu dương kịp thời những gương người tốt, việc tốt, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của quần chúng nhân dân đối với lực lượng chức năng trong công tác bảo đảm TTATGT.



Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT còn diễn ra khá phổ biến. Có thể bắt gặp các hành vi điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, chạy quá tốc độ, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông… ở cả thành thị lẫn các vùng nông thôn. Cá biệt, có một bộ phận người tham gia giao thông không chấp hành hiệu lệnh của CSGT, có thái độ và hành vi chống đối lại lực lượng chức năng, nhiều trường hợp quay phim và phát tán hình ảnh vụ việc trên mạng xã hội.

Tính chất công việc của lực lượng CSGT rất vất vả, hiểm nguy, tuy có nhiều đóng góp lớn nhưng chưa được xã hội nhìn nhận khách quan. Nhiều vụ việc xảy ra có liên quan đến CSGT, khi chưa có kết luận giải quyết đã quy kết lỗi cho CSGT; một số đối tượng xấu lợi dụng khai thác sơ hở, thiếu sót của CSGT để soi xét, phán xét vấn đề, đưa thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, chống đối trên các trang mạng xã hội.

Qua phân tích cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song tựu lại một số nguyên nhân cơ bản sau:

Người lái xe chưa hiểu biết hoặc hiểu biết chưa đầy đủ các quy định pháp luật về TTATGT, kỹ năng lái xe, đạo đức nghề nghiệp còn hạn chế. Nhiều trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nhiều lần, cá biệt có những vi phạm nghiêm trọng có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như: Điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, cố tình băng qua đường ngang qua đường sắt khi đã có tín hiệu hoặc gác chắn đang hạ xuống, sử dụng điện thoại di động khi lái xe chở khách… Điều này xuất phát từ ngay khâu đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe và quản lý lái xe còn nhiều bất cập, tiêu cực. Thêm vào đó, có một bộ phận người dân có thái độ cổ vũ, ủng hộ cho các hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, thậm chí trên một số trang mạng xã hội còn hướng dẫn cách “đối phó” với CSGT…

Công tác tuyên tuyền phổ biến pháp luật và hướng dẫn người tham gia giao thông mới chủ yếu thực hiện ở bề nổi, chưa tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia giao thông có nguy cơ vi phạm cao (như: Thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số, người sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…). Sự quan tâm, đầu tư về kinh phí, trang thiết bị và con người cho công tác này còn hạn chế, một số địa phương vẫn “khoán trắng” công tác tuyên truyền cho ngành Công an và ngành GTVT. Nội dung tuyên truyền vẫn nặng về lý thuyết, thiếu việc huấn luyện những kỹ năng tham gia giao thông an toàn, cách xử lý tình huống thực tế khi có sự cố, va chạm và tai nạn xảy ra. Chưa tạo ra được môi trường thực hành, tạo điều kiện để các đối tượng được tuyên truyền chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.


Các quy định của pháp luật về TTATGT còn nhiều bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một hành vi vi phạm. Đây cũng là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn trong quá trình xử lý vi phạm giữa lực lượng CSGT với người dân. Thêm vào đó, quy định của pháp luật về ngăn chặn chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực giao thông còn chung chung, không có định mức cụ thể về hành vi, để lực lượng CSGT có cơ sở xác định và tiến hành đấu tranh ngăn chặn. Hình thức xử lý cũng nặng về hành chính, nên không đủ sức răn đe các hành vi chống lại lực lượng CSGT trong quá trình thực thi nhiệm vụ trong năm 2017 tỷ lệ khởi tố vụ chống người thi hành công vụ mới đạt hơn 20%. Đồng thời cũng thẳng thắn nhìn nhận trong công tác bảo đảm TTATGT của lực lượng CSGT cũng còn một số khiếm khuyết, thiếu sót. Hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng tham gia bảo đảm TTATGT còn hạn chế, chưa huy động được hết sức mạnh và các nguồn lực xã hội vào công tác bảo đảm TTATGT, nên ý thức, trách nhiệm công dân, văn hóa giao thông của nhiều người tham gia giao thông chưa cao. Công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm đôi lúc còn chưa tương xứng với thực tế vi phạm pháp luật về TTATGT, vẫn nặng về xử phạt, coi nhẹ biện pháp giáo dục, thuyết phục và còn xảy ra tiêu cực. Một số địa phương cấp ủy, thủ trưởng Công an chưa thực sự quan tâm chỉ đạo đúng mức đến công tác chuyên môn của lực lượng CSGT, nhất là công tác quản lý, giáo dục, tạo điều kiện nâng cao phẩm chất, năng lực của cán bộ, chiến sĩ dẫn đến trong quá trình làm việc, tiếp xúc với nhân dân có tác phong, ứng xử chưa đạt chuẩn, gây bức xúc đối với người vi phạm.

Chính vì vậy, trong thời gian tới, để công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT thực sự có chiều sâu, đạt hiệu quả, góp phần hơn nữa trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT cho người dân, lực lượng CSGT cần tham mưu, triển khai thực hiện tốt những yêu cầu sau đây: 
 

Một là, Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật phải bám sát thực tiễn, đặc biệt là những nơi có tình hình phức tạp về TTATGT nổi lên ở từng địa phương, đòi hỏi lực lượng CSGT phải nắm bắt kịp thời tình hình TTATGT, từ đó tham mưu cho các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Ban ATGT có sự quan tâm đầu tư cho lĩnh vực này hoạt động đạt hiệu quả, đưa ra nội dung, hình thức tuyên truyền sát hợp với các nhóm đối tượng cần được tuyên tuyền. 



Chủ động xây dựng các quy chế, kế hoạch phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội… trong công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT. Nội dung phối hợp cần cụ thể, quy định rõ trách nhiệm của từng ngành, từng đơn vị, các hình thức và nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT được áp dụng trong từng thời gian cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Củng cố và phát huy hiệu quả của các mô hình vận động quần chúng tham gia bảo đảm TTATGT, chú trọng xây dựng mới các mô hình tại những tuyến và địa bàn phức tạp về TTATGT, thường xuyên xảy ra vi phạm và TNGT; kịp thời khen thưởng, biểu dương những tập thể và cá nhân điển hình, có đóng góp nhiều thành tích để duy trì và phát động phong trào.

Hai là, Nâng cao tính chủ động của lực lượng CSGT trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đường bộ. Từ thực tế hoạt động của lực lượng CSGT có thể thấy, công tác tham mưu của lực lượng CSGT có vai trò quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo TTATGT đường bộ. Muốn làm tốt công tác này lực lượng CSGT cần chủ động điều tra, nắm tình hình, xác định tuyến và địa bàn trọng điểm, các yêu cầu nhiệm vụ cụ thể đối với từng địa bàn, từ đó có cơ sở tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và Công an các cấp đề ra các chủ trương, biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, hình thức tuyên truyền đem lại hiệu quả cao.

Ba là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo TTATGT đường bộ. Trước hết sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT đường bộ của cấp ủy Đảng, chính quyền thành phố là điều kiện tiên quyết để đảm bảo TTATGT. Ở nơi nào cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo triển khai các giải pháp bảo đảm TTATGT đường bộ thì ở địa phương đó tình hình TTATGT đường bộ có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Để công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT đường bộ được thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, thời gian tới trên các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan có liên quan cùng với Bộ Công an, Giám đốc công an các tỉnh, thành phố cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của mình đối với lực lượng CSGT trong việc đảm bảo TTATGT nói chung và TTATGT đường bộ nói riêng, nhất là trên lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo TTATGT đường bộ. Việc chỉ đạo, lãnh đạo phải được tiến hành thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương đến cơ sở, như vậy mới đem lại hiệu quả cao góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ của người tham gia giao thông, hạn chế các hành vi vi phạm về TTATGT và kiềm chế TNGT.

Bốn là, Đổi mới nội dung, hình thức hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đảm bảo TTATGT đường bộ và thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm. Đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT với nhiều hình thức và nội dung phù hợp, theo các chuyên đề. Lực lượng CSGT cần phối hợp với các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô để tập huấn kiến thức pháp luật giao thông, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp cho các lái xe ở các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong công tác này. Phối hợp với các trường học cung cấp tài liệu, hình ảnh, bài giảng có chất lượng để tuyên truyền về an toàn giao thông cho giáo viên và học sinh trên địa bàn để việc giáo dục về TTATGT đường bộ có sức hấp dẫn đối với họ từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ. Nhất là đối với các đợt cao điểm thực hiện “Năm an toàn giao thông”, “Tháng an toàn giao thông” và “Tuần an toàn giao thông” lại càng cần phải có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục theo theo các chuyên đề cụ thể.

Cảnh sát giao thông hướng dẫn học sinh về biển hiệu giao thông

Mặt khác, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông các quận, huyện thuộc địa bàn thành phố bằng nhiều hình thức tuyên truyền như: Tổ chức hội thảo, tọa đàm về xây dựng văn hóa giao thông, hội thi tìm hiểu Luật giao thông đường bộ… Đẩy mạnh công tác giáo dục pháp luật về an toàn giao thông trong lực lượng thanh niên, đoàn viên, trong tất cả các trường học. Tuyên truyền về việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hậu quả của việc vi phạm TTATGT bằng các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, áp phích. Vận động các cơ quan, doanh nghiệp, trường hợp và các tổ chức đoàn thể, quần chúng; tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật đối với cán bộ, công chức, người lao động, học sinh và người dân đang học tập, làm việc và sinh sống tại thành phố.

Đặc biệt, cần chú trọng đổi mới công tác giáo dục, tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu qua nhiều “kênh” để mọi người đều được nghe, nhận thức được những lợi ích của việc chấp hành luật lệ giao thông; hậu quả nặng nề của TNGT; hậu quả của việc phóng nhanh, vượt ẩu, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông. Tăng cường tuyên truyền trực quan, sử dụng thông điệp, pa nô, áp phích, tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu, triển lãm tranh ảnh, tổ chức các hội thi. Tổ chức và tuyên truyền sâu rộng các sản phẩm từ các cuộc vận động sáng tác âm nhạc, phim ảnh, văn học nghệ thuật về an toàn giao thông./.

Theo: Quách Văn Hà - Học viện CSND