Nghị định số 46/2016 xử phạt rất nặng những người tham gia giao thông có nồng độ cồn trong máu cao. Sau gần 2 tháng thực hiện, tuy nhiên khi bị xử phạt nhiều người đã chống đối bằng những lý do "dở khóc dở cười".
Một tài xế xe hơi khi bị các chiến sĩ cảnh sát giao thông xử phạt do có nồng độ cồn 0,5 mg/lít khí thở đã biện minh: “Tôi bị bệnh tiểu đường, thận yếu nên thổi ra hơi cồn chứ không phải do uống rượu bia”.
Về vấn đề này, các Bác sĩ chuyên gia về bệnh thận cho hay: “Khi uống rượu bia, chúng sẽ được hấp thụ chủ yếu ở gan, một phần ở thận. Khi chức năng thận bị yếu đi, chúng chỉ làm chậm quá trình chuyển hóa chứ không thể nào làm tăng nồng độ cồn hay thổi ra hơi cồn. Không có căn bệnh nào tạo nên nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở, việc này chỉ có thể do việc nạp rượu, bia vào cơ thể".
Đo nồng độ cồn. Ảnh: Nhẫn Hồ St
Cồn (hay còn gọi là rượu) là chất gây ảo giác nặng với hệ thần kinh. Khi vượt ngưỡng 50 mg/100 ml máu, chúng sẽ khiến hệ thần kinh mất khả năng tự chủ, định hướng, điều khiển vận động, dễ gây ra tai nạn.
Đặc biệt, nếu nồng độ cồn trong máu dao động từ 50-79 mg/100 ml máu, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao hơn người không uống rượu bia tới 7-21 lần.
Nếu nồng độ cồn trong máu dao động từ 80 mg/100 ml máu trở lên, người điều khiển phương tiện giao thông hoàn toàn mất tầm kiểm soát và có thể gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng.
Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Khi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt một trong các khung sau:
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, còn bị bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng. Tạm giữ xe đến 07 ngày.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, còn bị bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng.Tạm giữ xe đến 07 ngày.
Hình thức tạm giữ xe là quy định bắt buộc, vì người vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe thì nguy cơ xảy ra TNGT rất cao, do đó hình thức tạm giữ xe nhằm ngăn chặn kịp thời hậu quả có thể xảy ra, mặc khác hình thức phạt bổ sung nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật đối với hành vi vi phạm trên, răn đe các trường hợp tương tự khác.
Nguồn Internet - Nhẫn Hồ St.