Nguyên nhân hàng đầu cần nhắc đến là do khu vực trung tâm các đô thị đang bị dồn nén lượng lớn cư dân, xuất phát từ những bất cập trong công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch.

Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, với không ít người đi đường, từ lâu đã không còn cảm nhận được khoảng thời gian nào là khung giờ cao điểm vì thường xuyên xảy ra ùn tắc từ sáng đến tối. San sát chung cư cao tầng mọc lên hai bên đường, dưới lòng đường, hàng dài xe cộ nối đuôi nhau, nhích dần từng mét. Tình trạng này là hệ quả của một thời gian dài công tác quy hoạch ở nhiều thành phố lớn chưa được quan tâm đúng mức, tuân thủ quy hoạch chưa bảo đảm...

Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội, với không ít người đi đường, từ lâu đã không còn cảm nhận được khoảng thời gian nào là khung giờ cao điểm vì thường xuyên xảy ra ùn tắc từ sáng đến tối.

Để chữa bệnh ùn tắc giao thông, giải pháp đầu tiên, quan trọng nhất cần xuất phát từ công tác quy hoạch đô thị và quá trình thực hiện quy hoạch. Khi lập quy hoạch cần tính toán kỹ lưỡng quy mô dân số hợp lý với tầm nhìn dài hạn, từ đó có định hướng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Những khu vực được quy hoạch là công trình công cộng, không gian sinh hoạt chung cho cộng đồng cư dân cần được tuân thủ nghiêm ngặt, tránh việc điều chỉnh tùy tiện mục đích công trình, mật độ xây dựng, làm phá vỡ tính chỉnh thể, thống nhất của quy hoạch. 

Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, phát triển giao thông công cộng cần được xác định là ưu tiên hàng đầu. Không gian, quỹ đất cho giao thông công cộng cần được phân định rõ ngay từ quy hoạch, làm cơ sở cho việc triển khai trên thực tế. Bên cạnh đó, việc tạo thuận lợi cho người dân sử dụng phương tiện công cộng cũng góp phần quan trọng hạn chế xe cá nhân, giảm lượng xe lưu thông trên đường.

Không chỉ có giao thông nội đô ở thành phố lớn, các tuyến đường cửa ngõ, cao tốc vừa hoàn thành cũng chứng kiến cảnh ùn tắc nghiêm trọng. Số lượng xe cơ giới cá nhân tiếp tục tăng cao những năm gần đây là lý do trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông.

Thực trạng này càng thúc đẩy chúng ta sớm nghiên cứu, xem xét đầu tư phương thức vận tải có thể chuyên chở được khối lượng lớn, trong đó có đường sắt tốc độ cao trên tuyến Bắc-Nam. Mở rộng mạng lưới đường sắt sẽ giúp giảm tải cho đường bộ, khắc phục tình trạng các tuyến đường nhanh chóng lấp đầy phương tiện chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng.

Phát triển vận tải đa phương thức chính là giải pháp căn cơ để phát huy tối đa năng lực của các loại hình như đường bộ, đường sắt, hàng không, đường thủy, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế-xã hội đất nước.

Theo Báo Quân đội Nhân dân