Hiện trường vụ tai nạn liên hoàn
Tăng cường bảo đảm ATGT đường sắt
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, trong 6 tháng đầu năm, công tác ATGT có nhiều chuyển biến. Điều này thể hiện ở con số TNGT giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số vụ TNGT nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và TNGT đường sắt vẫn phức tạp.
“Chúng ta đã cố gắng kéo giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng vẫn còn các vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Trước khi diễn ra cuộc họp này, chiều nay lại xảy ra vụ tai nạn đường sắt khi xe ô tô đi qua đường ngang dân sinh tại Nghệ An. Chính phủ và Bộ GTVT đã chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề đường ngang, đường dân sinh, nhưng địa phương tự quản thế nào, tại sao không có cảnh báo, không có kiểm soát, gờ giảm tốc gì?”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa, công tác ATGT đường sắt không chỉ là việc riêng của ngành Đường sắt mà cần sự tham gia của ngành đường bộ, chính quyền các địa phương. “Quý II vừa qua, lĩnh vực ATGT đường sắt đã có sự chuyển biến tốt, có sự phối hợp giữa Tổng cục Đường bộ và Cục Đường sắt, Tổng công ty Đường sắt VN. Tới đây, các đơn vị cần tiếp tục phối hợp tốt với nhau và phối hợp với các địa phương để triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa TNGT đường sắt”, Bộ trưởng nói và đề nghị các địa phương quan tâm, phối hợp với ngành Đường sắt để xử lý triệt để vấn đề đường ngang, hành lang ATGT đường sắt, trong đó chú trọng biện pháp làm gờ giảm tốc đường ngang trước khi qua đường sắt để cảnh báo phương tiện.
Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cho biết, thời gian qua đã đôn đốc, phối hợp với các địa phương kiểm tra vi phạm hành lang và đã phối hợp với Tổng cục Đường bộ VN đưa ra các danh mục đường ngang xử lý bằng gờ giảm tốc, cố gắng xong trong quý III. Bên cạnh đó, chỉ đạo lắp 144 đường ngang phòng vệ, nâng cấp 20 đường ngang. “Tới đây cần phân định rõ trách nhiệm theo quy chế phối hợp giữa Bộ GTVT với các địa phương”, ông Khôi nói.
Còn Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết, hiện còn 97 vị trí đường sắt giao cắt với quốc lộ, hơn 4.200 điểm qua đường dân sinh, lối đi dân sinh tự phát. Tổng cục đã xây dựng xong và Bộ GTVT cũng đã ban hành quy định hướng dẫn xây dựng gờ giảm tốc tại các đường ngang.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia phát biểu tại hội nghị
Địa phương nghiêm túc nhận trách nhiệm vì TNGT tăng
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 6 tháng đầu năm nay, có 38 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư giảm số người chết và 22 địa phương tăng số người chết do TNGT. Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương có số vụ TNGT tăng đều nghiêm túc nhận trách nhiệm và hứa sẽ chỉ đạo rốt ráo các ban, ngành quyết liệt vào cuộc đảm bảo ATGT, kéo giảm TNGT bằng các giải pháp cụ thể, trong đó tập trung khắc phục các điểm đen TNGT.
Tai nạn giao thông thảm khốc tại Kontum ngày 3.7.2017
Theo ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, 6 tháng đầu năm Quảng Trị tăng cả về số vụ và số người chết do TNGT. Đa số các vụ TNGT xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, nơi nhận thức của người dân về ATGT còn hạn chế. “Trách nhiệm này thuộc về địa phương. Tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm trước Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia”, ông Chính nói.
Tương tự, lãnh đạo Ban ATGT tỉnh Lai Châu - địa phương tăng cả 3 tiêu chí về TNGT cũng nhận trách nhiệm trước Chính phủ, đồng thời đưa ra những giải pháp tập trung xử lý điểm đen TNGT, kiến nghị Bộ GTVT hỗ trợ nguồn phí bảo trì để sửa quốc lộ qua địa bàn.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, văn bản chỉ đạo trong công tác bảo đảm ATGT có nhiều, nhưng hạn chế lớn là không rõ chế tài, trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. “Có những vụ TNGT nghiêm trọng làm nhiều người chết, bị thương do lỗi chủ quan của người có trách nhiệm. Tôi nói dứt khoát phải xử lý”, Phó Thủ tướng nói và lấy ví dụ vụ TNGT đường sắt ở Sóc Sơn, tại đường ngang đó đã xảy ra 3 lần. Vậy, nguyên nhân nào, do ai, trách nhiệm chính quyền xã, huyện thế nào, của cơ quan, đơn vị quản lý ra sao? Hay ở những điểm đen liên tục xảy ra TNGT thì trách nhiệm của ai? Nếu chỉ xử lý theo chỉ thị chung chung, nhiều văn bản khác cũng không áp dụng được. Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian còn lại của năm 2017, các bộ, ngành phải xây dựng được chế tài xử lý trách nhiệm người đứng đầu và chế tài phải sát thực tế.
“Bộ Tư pháp cần phối hợp với tòa án nghiên cứu hình thức xử phạt vi cảnh đối với vi phạm pháp luật giao thông. Nếu người bị xử phạt vi phạm hành chính không chấp hành thì chuyển sang tòa phạt vi cảnh. Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an, Tài chính rà soát các quy định để giải phóng các kho xe bị tạm giữ, xe do người vi phạm bỏ lại. Có thể nghiên cứu quy định khi tam giữ xe xử lý ngay”, Phó Thủ tướng chỉ đạo và cho biết, ở một số nước nếu người vi phạm không nộp phạt sẽ bị chuyển sang tòa án, nếu chậm nộp bị tăng mức phạt và không nộp sẽ bị phạt vi cảnh.
Cũng tại hội nghị, đề cập chuyện ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM, Phó Thủ tướng nhắc lại con số 12.800 tỷ đồng thiệt hại do ùn tắc giao thông mà một đại biểu HĐND của Hà Nội đưa ra và cho rằng nếu số liệu này chính xác thì TP HCM cũng thiệt hại tương đương hoặc lớn hơn. Do đó, hai thành phố cần chú trọng đến các giải pháp giảm ùn tắc.
"Ý thức chấp hành pháp luật của nhiều lái xe rất kém, sẵn sàng trốn tránh, thậm chí chống đối khi bị kiểm tra. Mới đây nhất đã có 3 đồng chí CSGT hy sinh, bị thương khi đang làm nhiệm vụ trên đường là những câu chuyện hết sức đau lòng. Để giảm thiểu tình trạng chống đối, Bộ Công an đã có biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, thậm chí cả khởi tố các đối tượng vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, yêu cầu Cục CSGT làm việc với Tổng cục Đường bộ VN rà soát lại các quy chuẩn báo hiệu đường bộ để điều chỉnh những bất cập gây hiểu lầm trong lái xe, bớt đi tâm lý phản ứng của tài xế”. Ông Nguyễn Văn Sơn "6 tháng đầu năm, Tổng cục Đường bộ VN đã xử lý được 232 điểm đen TNGT trên các tuyến quốc lộ với kinh phí khoảng 220 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm, dự kiến xử lý tiếp khoảng 248 điểm đen nữa, tập trung các điểm nguy cấp và có kinh phí thấp, thực hiện ngay bằng nguồn Quỹ Bảo trì đường bộ. Gần 300 điểm đen còn lại sẽ xử lý tạm và xử lý dần theo kế hoạch bảo trì hàng năm hoặc các dự án xây dựng cơ bản”. Ông Nguyễn Văn Huyện "6 tháng đầu năm 2017, toàn quốc xảy ra gần 9.600 vụ TNGT, làm chết hơn 4.100 người và bị thương hơn 7.900 người; so với cùng kỳ năm trước, giảm 636 vụ (-6,22%), giảm 229 người chết (-5,25%) và giảm hơn 1.000 người bị thương (-11,23%). Có 38 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư giảm số người chết do TNGT và 22 địa phương tăng số người chết do TNGT". Ông Khuất Việt Hùng |
Theo Báo Giao thông