Dây an toàn ô tô dù nhỏ bé nhưng lại đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an toàn tính mạng của người sử dụng. Sự có mặt của dây đai an toàn trên xe ô tô trở nên hiển nhiên đến mức người ta quên mất trang bị này xuất hiện từ bao giờ, và trước khi có đai an toàn, tai nạn ô tô để lại nhiều hậu quả thảm khốc ra sao.
Chúng ta đều biết, xe ô tô là một vật thể chuyển động với tốc độ cao, và người ngồi trong xe ô tô sẽ chuyển động theo. Khi bất ngờ xảy ra va chạm, ô tô sẽ dừng lại do phanh hoặc do va đập vào vật cản, nhưng người trong xe sẽ chuyển động lao về phía trước theo lực quán tính. Mục đích của đai an toàn chính là giữ người ngồi trong xe cố định vào ghế, không lao về phía trước hay văng ra khỏi xe.
Dây đai an toàn ô tô là một trang thiết bị cần thiết.
Đai an toàn thực chất đã được sử dụng từ những năm 30 trong ngành hàng không, và xuất hiện trên xe hơi Ford từ năm 1956, nhằm tăng thêm an toàn cho người sử dụng xe. Tuy vậy, loại dây đai này không thực sự hiệu quả, các vụ chết người do tai nạn không hề thuyên giảm. Đai an toàn ô tô (seat belt) mà chúng ta đang sử dụng ngày nay được phát minh bởi một kỹ sư làm việc tại Volvo vào năm 1959.
Cựu kỹ sư hàng không Nils Bohlin đã được Volvo thuê về nghiên cứu và chế tạo ra dây đai 3 điểm vào năm 1959. Mẫu dây này thiết kế theo dạng chữ V có khả năng giữ chặt ngực, vai, xương chậu, khắc phục được những hạn chế của dây đai chữ Y trước đây. Mới đầu, dây đai an toàn của Bohlin chưa được áp dụng rộng rãi, ngay cả Volvo cũng chỉ lắp đặt dây đai này ở hàng ghế trước. Phải tới năm 1967, Volvo mới bổ sung chúng vào ghế phía sau làm dây an toàn ghế sau.
Kể từ 1993, đai an toàn trở nên phổ biến và được áp dụng trên tất cả các loại xe ô tô từ xe tải, sedan đến SUV.
Người phát minh ra dây đai an toàn chính là cựu kỹ sư hàng không Nils Bohlin.
Dây an toàn ô tô được thiết kế với hình dáng chữ V và sử dụng chất liệu có độ đàn hồi đạt chuẩn, giúp người ngồi trên xe không bị văng ra với lực lớn, tránh bị lao vào kính hoặc đập đầu vào vô lăng trong những trường hợp bất ngờ, giúp đảm bảo an toàn tốt hơn.
Dây an toàn ô tô gồm 2 bộ phận chính là dây đai và chốt khóa. Dây đai sẽ tự động siết chặt khi nhận được thông tin truyền đến bộ điều khiển, dựa trên cảm biến va chạm, chống lại lực quán tính và giúp cho cơ thể người giữ chặt với ghế. Khi xe dừng lại, mọi người ngồi trên xe cũng dừng lại, lúc này, dây an toàn có tác dụng phân bổ lực dừng đó vào những nơi cơ thể có thể chịu lực tốt nhất như xương chậu, lồng ngực.
Cấu tạo của chiếc dây đai ô tô được làm từ chất liệu mềm dẻo, có thể đàn hồi tốt. Dây đai này trải rộng từ vai xuống vùng xương chậu nên lực dừng không tập vào một vùng nhỏ mà được phân tán ra, do đó giúp giảm thiểu nguy hiểm chấn thương cho người ngồi trên xe, nếu xảy ra va chạm thì dây an toàn sẽ giữ bạn chặt hơn vào ghế chứ không bị văng ra ngoài.
Một thử nghiệm va chạm trực diện đầu xe, trong đó túi khí bung, dây an toàn cài chặt giúp hình nhân thử nghiệm không lao đầu, mặt, ngực vào vô lăng.
Ở các mẫu ô tô hiện đại ngày này, các xe được lắp đặt thêm thiết bị cảnh báo chưa thắt đai an toàn. Khi có người ngồi trên xe (chủ yếu là ghế lái và ghế phụ) mà dây đai an toàn chưa được thắt, đèn cảnh báo đai an toàn sẽ bật sáng nhấp nháy, đồng thời xe phát ra tiếng kêu cảnh báo, nhắc nhỏ người ngồi trên xe thắt đai lại. Tuy nhiên, nhiều người lại cảm thấy khó chịu, phiền phức, họ thực hiện hành vi chống chế bằng cách cắm chốt phụ kiện thay thế dây đai an toàn.
Được biết loại chốt này rất rẻ, chỉ từ 50.000 - 100.000 VNĐ, dùng để lắp vào khe cắm trên ô tô, như vậy ô tô sẽ không phát ra tiếng cảnh báo nữa. Hành vi này vi phạm luật giao thông đường bộ, và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro dẫn đến mất an toàn cho người lái cũng như hành khách trên xe.
Xem thêm: Nguy cơ chết người từ chốt cắm thay thế dây đai an toàn
Để đảm bảo an toàn, bạn cần phải thực hiện nghiêm chỉnh việc thắt dây an toàn đúng quy định và đúng cách như sau:
Bước 1: Khi ngồi lên xe, bạn điều chỉnh cho lưng và hông thẳng. Kéo dây qua người, cài chốt dây an toàn ô tô, có thể chỉnh lại dây đai phù hợp, không quá lỏng hoặc quá chặt.
Bước 2: Sau khi khoá dây an toàn ô tô, bạn điều chỉnh dây đai dưới, kéo thấp qua bụng dưới và xương chậu, không để dây ở vị trí dạ dày. Các chị em mang thai thì nên để đai xuống phía dưới, không thắt phía trên hoặc ngang bụng bầu, tránh làm ảnh hưởng đến em bé mà vẫn đảm bảo an toàn.
Bước 3: Chỉnh đai trên vắt qua vai và thân người, nằm chéo từ vai xuống ngực. Không vòng dây qua sau lưng hay để dưới cánh tay.
Theo số liệu năm 2015, có đến 663 trẻ tử vong và 132.000 trẻ bị thương do gặp tai nạn khi ngồi trên ô tô. Để giảm thiểu thương vong cho trẻ, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến việc thắt dây đai an toàn hoặc chuẩn bị ghế ngồi chuyên dụng chất lượng.
Đầu tiên, bạn nên chọn những vị trí ngồi an toàn nhất cho trẻ, tập thói quen thắt dây an toàn dù trẻ có ghế ngồi riêng hay ghế ngồi người lớn, nhất là khi đi xa.
Thắt dây an toàn đúng quy cách cho trẻ để giảm thiểu nguy hiểm khi xảy ra va chạm.
Đối với trẻ dưới 1 tuổi hoặc nhẹ hơn 9 kg thì bạn nên đặt bé ngồi hướng về phía sau, đối mặt với ghế ngồi. Tuy nhiên, chỉ áp dụng với xe ô tô không có hoặc đã ngắt hệ thống túi khí bên hông, nếu đặt bé ở vị trí hàng ghế đầu thì cần cách xa bảng điều khiển taplo càng tốt (tối thiểu là 20cm). Trường hợp, xe của bạn không thể ngắt túi khí bên hông thì nên để bé ra hàng ghế sau, thắt dây an toàn cẩn thận.
Những trẻ từ 10kg - 18 kg, bạn đặt ghế ngồi hướng về phía trước với sự hỗ trợ của ghế ngồi chuyên dụng.
Trẻ có cân nặng từ 18 - 30 kg (từ 4 - 7 tuổi) bạn nên sử dụng loại ghế ngồi cao (đệm nâng) và phải dùng dây đai an toàn thắt đúng quy cách, choàng qua ngực và bụng bé. Để em bé ngồi ở hàng ghế sau.
Với những trẻ cao trên 135cm thì có thể ngồi và thắt dây an toàn như người lớn.
Trẻ em ngồi trên xe mà không được thắt dây an toàn hoặc sử dụng đai an toàn không đúng kích thước, đúng cách sẽ bị thương nặng nếu xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý kiểm tra dây an toàn khi thắt cho trẻ, nếu dây đai quá rộng thì hãy rút ngắn để vừa với trẻ hơn.
Bạn không nên dạy trẻ cách tự tháo dây an toàn để tránh trường hợp trẻ tháo bỏ dây đai khi xe đang di chuyển, tiềm ẩn những nguy hiểm rình rập.
Trên đây là những chia sẻ về dây đai an toàn cũng như cách sử dụng đúng để bạn đọc tham khảo. Hy vọng bài viết vừa rồi đã giúp ích cho bạn trong việc lái xe an toàn, góp phần giảm thiểu tai nạn đáng tiếc.
Theo Tinxe.vn