Giao thông êm thuận, kéo giảm TNGT

Trong 5 năm qua, Quỹ BTĐB Trung ương đã thu trên 43 ngàn tỷ đồng (dự kiến năm 2017 thu trên 10 ngàn tỷ đồng), trong đó được phân bổ cho Quỹ BTĐB Trung ương 65% và quỹ địa phương 35%. Theo ông Lê Hoàng Minh - Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương, nguồn Quỹ Trung ương cũng chỉ đáp ứng được trung bình gần 45% nhu cầu tối thiểu của công tác bảo trì hệ thống đường bộ. Tuy nhiên, do nguồn thu tập trung và năm sau cao hơn năm trước nên đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phân bổ vốn để các đơn vị thực hiện việc bảo trì đường bộ kịp thời, đảm bảo ATGT, duy trì tuổi thọ và sự vững bền của công trình đường bộ, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước nói chung.

Theo thống kê của Văn phòng Quỹ BTĐB Trung ương, 5 năm qua từ nguồn vốn BTĐB, trên các tuyến quốc lộ đã xử lý 1.031 cầu yếu, 614 “điểm đen” ATGT, bổ sung, thay thế 13.252 biển báo hiệu đường bộ, xây dựng 1.138.000m hộ lan, cải tạo 137.000m cống và 1.372.410m rãnh thoát nước, 76.806.418m2 mặt đường; gia cố lề, mở rộng trên 1.000km mặt đường 3,5m - 5m thành mặt đường lớn hơn 5,5m để bảo đảm cho 2 chiều xe đi tránh, vượt thuận lợi, góp phần giảm UTGT; xây dựng các trụ chống va trôi cho trụ cầu trên các tuyến sông có lưu lượng vận tải thủy lớn, xây dựng giá long môn kiểm soát xe quá khổ, quá tải qua các vị trí không bảo đảm tĩnh không… Các địa phương đã chủ động sử dụng nguồn Quỹ BTĐB Trung ương phân bổ và nguồn ngân sách địa phương để sửa chữa tập trung các công trình hư hỏng kéo dài, cứng hóa nhiều tuyến đường đất, gia cố mở rộng nhiều tuyến đường, sửa chữa được nhiều cầu, hộ lan, hệ thống cống rãnh, xử lý các vị trí ngầm tràn...

Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhận định, nhìn lại chặng đường 5 năm hình thành Quỹ BTĐB, nguồn vốn từ Quỹ BTĐB bố trí cho công tác quản lý bảo trì hệ thống đường bộ ngày càng được cải thiện, đạt kết quả tích cực. Việc sử dụng Quỹ BTĐB Trung ương và các quỹ BTĐB địa phương đã góp phần quan trọng trong việc bảo dưỡng kéo dài thời gian khai thác công trình đường bộ, sửa chữa kịp thời các hư hỏng trên hệ thống đường bộ, bảo đảm hệ thống đường bộ thông suốt, an toàn và phát huy hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền.

“Trước khi có Quỹ BTĐB, mỗi năm cả nước có trên 12 ngàn người thiệt mạng vì TNGT, nhưng sau khi có Quỹ BTĐB, hạ tầng giao thông được cải thiện, các “điểm đen” về ATGT được xóa, giao thông thuận tiện, kinh tế phát triển..., TNGT được kéo giảm hàng năm, đến nay còn trên 8 ngàn người”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.

Nhiều công nghệ mới được áp dụng

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác BTĐB là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới trong bảo trì đường bộ. Những năm qua, nhiều nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn phát triển các công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam được áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng, giảm thiểu những khâu trung gian, cơ giới hóa và hiện đại hóa công tác BTĐB, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn...

Cụ thể, trong bảo dưỡng, sửa chữa mặt đường áp dụng công nghệ: Gia cố tăng cường độ móng, mặt đường đất với phụ gia HRB; áp dụng rộng rãi cào bóc tái sinh nguội tại chỗ với công nghệ của Wirtgen (Đức), Hall-Brother (Mỹ), SaKai (Nhật Bản). Với gần 5 năm thực hiện, công nghệ cào bóc tái chế nguội này đã được đánh giá có nhiều ưu điểm và được áp dụng rộng rãi trên các tuyến đường bộ. Phủ mặt đường bằng lớp phủ mỏng Microsurfacing có tác dụng tăng độ bền của mặt đường, tái tạo lại bề mặt, làm kín, chống thấm ngăn nước xâm nhập vào kết cấu của mặt đường, nâng cao độ nhám và sức kháng trượt của mặt đường, sửa chữa các khuyết tật của bề mặt; sửa chữa vệt hằn lún bánh xe bằng nhựa đường cải tiến sử dụng một số phụ gia đặc biệt SBS, TPP...; các vật liệu mới như carboncore, TL2000, nhũ tương nhựa đường axit sử dụng trong sửa chữa đảm bảo giao thông, phù hợp thời tiết ẩm ướt... thí điểm trám vá “ổ gà” mặt đường bê tông nhựa và trám vá vết nứt mặt đường bằng vật liệu Jica tài trợ...

Đối với công tác bảo dưỡng, sửa chữa cầu được ứng dụng hiệu quả công nghệ gia cường dầm cầu bê tông cốt thép bằng vật liệu composite (vật liệu composite sử dụng để sửa chữa, tăng cường kết cấu có thể ở ba dạng: Dạng vải dệt, dạng tấm, dạng thanh) trong sửa chữa đảm bảo giao thông khẩn cấp, sửa chữa gia cường cho các cầu có dấu hiệu hư hỏng để chống xuống cấp, tăng cường khả năng chịu lực và đảm bảo an toàn khai thác; sửa chữa chống thấm mặt cầu theo công nghệ và vật liệu của Nhật Bản (sử dụng màng chống thấm Fresh Coat, vật liệu chèn khe Seoseal, ống thoát nước Baradrain...); sửa chữa khe co giãn cầu bằng vật liệu asphalt đàn hồi (khe co giãn FEBA)...

Triển khai áp dụng Hệ thống quản lý cầu (VBMS) trên toàn quốc lộ. Hiện nay, hệ thống này đã vận hành, lưu giữ các cơ sở dữ liệu của 6.050 cầu trên hệ thống quốc lộ (bao gồm cả 600 cầu trong các dự án BOT). Đồng thời, sử dụng nguồn vốn Quỹ BTĐB để phát triển thêm Hệ thống quản lý cầu địa phương (LBMS) để quản lý cầu trên hệ thống đường địa phương. Hiện nay, Tổng cục đã triển khai cho các địa phương cập nhật dữ liệu vào hệ thống; xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu quan trắc các cầu dây văng trên quốc lộ, sau đó sẽ kết nối các cầu dây văng của các địa phương (như cầu Nhật Tân ở Hà Nội, cầu Phú Mỹ ở TP. Hồ Chí Minh). Hiện tại, công tác xây dựng phần mềm, mua sắm lắp đặt, hiệu chuẩn thiết bị đã hoàn thành tại các cầu Bãi Cháy, cầu Kiền, cầu Cần Thơ, đang chuyển giao công nghệ và đào tạo cho các đơn vị liên quan.

Phát huy hiệu quả từng đồng vốn từ Quỹ bảo trì

Đánh giá hoạt động của Quỹ BTĐB, Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB Trung ương Trương Quang Nghĩa cho biết, công tác xây dựng và triển khai các văn bản QPPL liên quan đến hoạt động của Quỹ đã được quan tâm đúng mức. Mặc dù có những thay đổi trong thời gian vừa qua nhưng Quỹ BTĐB đã kịp thời điều chỉnh hoạt động điều hành theo đúng quy định; kịp thời hướng dẫn các cơ quan liên quan triển khai các công việc cơ bản đảm bảo tiến độ; công tác thu phí, sử dụng phí được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, không bị thất thoát; công tác thanh kiểm tra được thực hiện thường xuyên, giúp Quỹ BTĐB hoạt động công khai, minh bạch, đúng mục đích, phát huy được nguồn vốn đóng góp từ xã hội và ngân sách hỗ trợ.

Cũng theo Bộ trưởng, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn, các giải pháp về giao thông, tổ chức, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đã đổi mới phương pháp điều hành, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xây dựng kế hoạch quản lý phương tiện cũng góp phần rất lớn vào sự thành công bước đầu của Quỹ BTĐB.

Bên cạnh đó, “Quỹ BTĐB các địa phương mặc dù còn gặp khó khăn nhưng đã cố gắng vượt qua để tham mưu cho lãnh đạo địa phương. Quỹ BTĐB đã thật sự phát huy hiệu quả, khẳng định là giải pháp tốt, đem lại hiệu quả tích cực cho hoạt động BTĐB nói riêng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ATGT cho từng địa phương và khu vực”, Bộ trưởng đánh giá.

Bên cạnh sự ghi nhận những kết quả đã đạt được trong 5 năm qua, Bộ trưởng cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế trong hoạt động của Quỹ. Cụ thể, nguồn vốn tuy đã được tăng lên và ổn định qua từng năm nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu nên công tác BTĐB chưa đạt được kết quả như mong muốn; các cơ chế, chính sách liên tục thay đổi làm giảm hiệu quả của Quỹ BTĐB; hoạt động thu chi của Quỹ tuy đã được thực hiện theo đúng quy định nhưng chưa có những giải pháp triệt để để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn; công tác thu hút các nguồn vốn khác cho công tác BTĐB đã được đề cập, tìm hiểu nhưng chưa thể triển khai trong giai đoạn hiện nay.

Bộ trưởng đề nghị, các cơ quan, đơn vị liên quan cần rà soát các văn bản QPPL hiện hành và nghiên cứu kỹ Đề án xây dựng Quỹ BTĐB để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ cơ chế hoạt động ổn định cho Quỹ BTĐB theo mục đích, tôn chỉ khi xây dựng và hình thành Quỹ BTĐB. Các cơ quan tham mưu giúp việc cho Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB cần tích cực trong hoạt động, điều hành có hiệu quả, phát huy tối đa nguồn vốn còn hạn hẹp trong công tác BTĐB.

Qua 5 năm hoạt động, Quỹ BTĐB, ngành GTVT và các cơ quan liên quan quyết tâm tiếp tục điều hành Quỹ BTĐB hoạt động hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục các mặt còn tồn tại để hoàn thành nhiệm vụ được giao

phapluatgiaothong.vn