Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khácngười điều khiển phương tiện giao thông phải nhường đường theo quy định trong nhiều tình huống, Cụ thể là:

1. Khi gặp người đi bộ, người khuyết tật qua đường:

Theo quy định tại khoản 3, Điều 10 quy định: Trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.

Khoản 4, Điều 11 quy định: Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.

Trên thực tế, nhiều phương tiện không giảm tốc độ, nhường đường khi đi qua nơi có kẻ vạch đường dành cho người đi bộ. Đây là hành vi thiếu ý thức tôn trọng pháp luật về an toàn giao thông và thiếu văn hoá giao thông.

Các phương tiện phải nhường đường cho người đi bộ qua đường. Ảnh minh họa

2. Khi chuyển hướng xe:

Tại khoản 1, khoản 2, Điều 15, quy định: Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùngphải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.

Tuy nhiên, việc thiếu chú ý quan sát, chuyển hướng không có tín hiệu báo rẽ khi tham gia giao thông trên đường luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, nguy hiểm cho bản thân người điều khiển phương tiện và cho cả những người xung quanh. Vì vậy, mỗi người khi điều khiển phương tiện giao thông cần nâng cao ý thức, nên tập trung khi đang lái xe để tránh tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.

Trường hợp không nhường đường khi chuyển hướng xe. Ảnh minh họa

3. Khi gặp xe ưu tiên:

Theo khoản 3, Điều 22 quy định: Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên.

Như vậy, khi thấy tín hiệu của xe ưu tiên thì người tham gia giao thông bất kể đang di chuyển từ hướng nào tới đều phải thực hiện các quy tắc nói trên để nhường đường cho xe ưu tiên chứ không chỉ đối với các phương tiện đang chạy phía trước của xe ưu tiên. Tuy nhiên, các phương tiện không được phép vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên, nếu vượt đèn đỏ để nhường đường cho xe ưu tiên có thể sẽ gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác. Mặc khác luật đã quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông hoặc theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.

Xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ. Ảnh minh họa

4. Tại nơi đường giao nhau:

Tại Điều 24 quy định: Khi đến gần đường giao nhau, người điều khiển phương tiện phải cho xe giảm tốc độ và nhường đường theo quy định sau đây:

- Tại nơi đường giao nhau không có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi đến từ bên phải;

- Tại nơi đường giao nhau có báo hiệu đi theo vòng xuyến, phải nhường đường cho xe đi bên trái;

Nhường đường cho xe đi từ bên trái khi đi qua vòng xuyến. Ảnh minh họa

- Tại nơi đường giao nhau giữa đường không ưu tiên và đường ưu tiên hoặc giữa đường nhánh và đường chính thì xe đi từ đường không ưu tiên hoặc đường nhánh phải nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên hoặc đường chính từ bất kỳ hướng nào tới.

5. Khi tránh xe đi ngược chiều:

Khoản 2 Điều 17, quy định nhường đường khi tránh nhau như sau:

- Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi;

- Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc;

- Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật đi trước.

6. Khi vào đường cao tốc:

Điểm a, khoản 1 Điều 26 quy định: Người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng khi vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường, khi thấy an toàn mới cho xe nhập vào dòng xe ở làn đường sát mép ngoài, nếu có làn đường tăng tốc thì phải cho xe chạy trên làn đường đó trước khi vào làn đường của đường cao tốc.

Xe vào đường cao tốc phải có tín hiệu xin vào và phải nhường đường cho xe đang chạy trên đường. Ảnh minh họa

Ngoài ra, có những trường hợp tuy pháp luật không quy định, nhưng nếu là một người có văn hóa khi tham gia giao thông, chúng ta cũng không thể thờ ơ, đó là: nhường đường cho trẻ em, người già, người nước ngoài, người ít có kinh nghiệm tham gia giao thông; nhường một phần đường của mình khi gặp đoàn xe đi đón dâu; phương tiện do súc vật kéo, phương tiện cồng kềnh hơn... đi ngược chiều.

Trong bối cảnh hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được sự gia tăng đột biến về phương tiện giao thông như hiện nay thì ý thức của mỗi cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiềm chế tai nạn giao thông. Văn hóa nhường đường khi tham gia giao thông chính là một trong những nét đẹp mà tất người tham gia giao thông cần học tập và phát huy./.

Hà Giang