Thực hiện Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2022, tỉnh Cà Mau tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp, các địa phương vào cuộc trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông với tinh thần, trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, kết quả đạt được rất khả quan, tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh giảm cả 03 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2021.Theo Ban An toàn giao thông tỉnh để đạt được kết quả trên là do tỉnh Cà Mau đã tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp như:

Tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc và có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tỉnh chỉ đạo tăng cường trách nhiệm người đứng đầu của ngành, đơn vị, địa phương trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và quản lý hành lang an toàn giao thông. Các cơ quan, đơn vị đưa vào nội quy, quy chế cơ quan quy định cán bộ, công chức, viên chức nêu gương thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về an toàn giao thông, đặc biệt là việc không uống rượu, bia trong giờ làm việc, đã uống rượu, bia – không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nghiêm cấm cán bộ, công chức can thiệp vào công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính.

Đổi mới nội dung, tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, điển hình là: Xây dựng và phát hành 450 ngàn tài liệu trực quan vừa tuyên truyền về ATGT lồng ghép tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 khi đi trên phương tiện giao thông công cộng; phát hành 11.500 tập học sinh, 22.000 túi đựng giấy kiểm tra in nội dung đảm bảo ATGT cho học sinh khi đến trường; sơn thí điểm vạch người đi bộ 3D khu vực trường học, bước đầu đã phát huy hiệu quả khá tốt. Với loại hình tài liệu tuyên truyền mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung nhận được sự đồng thuận rất cao của người tham gia giao thông. Ngoài ra, các cơ quan đoàn thể đưa công tác tuyên truyền, giáo dục về an toàn giao thông vào các cuộc sinh hoạt chi tổ, hội ở cơ sở. Tỉnh hỗ trợ 4.800 áo thun in nội dung “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”, gần 1.000 mũ bảo hiểm để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh tổ chức phát động cán bộ, đoàn viên, hội viên, phật tử thực hiện quy định “Đã uống rượu, bia – Không lái xe”, qua đó hiệu ứng thực hiện quy định này có sức lan tỏa khá lớn ở cơ sở. Sở Giáo dục và Đào tạo, tổ chức nhiều hoạt động giáo dục ATGT trong trường học như phát tờ rơi, cam kết của học sinh thực hiện quy định về ATGT đầu năm học mới, mời lực lượng chức năng tuyên truyền ATGT các buổi sinh hoạt dưới cờ hàng tuần. Tổ chức Hội thi tìm hiểu ATGT dành cho cấp học sinh trung học cơ sở, trao giải thưởng hơn 500 mũ bảo hiểm đạt chuẩn, Hội thi thu hút hàng trăm em học sinh tham gia.

Chỉ đạo lực lượng công an tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TT ATGT; công tác xử lý vi phạm phải được công khai, đúng pháp luật, đúng người vi phạm, không phân biệt cán bộ, công chức, viên chức hay người dân. Tăng cường công tác kiểm tra đối với lực lượng làm nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây TNGT như: Vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma tuý, tốc độ xe, sử dụng điện thoại khi lái xe; phương tiện thủy nội địa không đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng, chứng chỉ, điều khiển phương tiện ban đêm không có đèn chiếu sáng. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo trật tự, an toàn giao thông có dấu hiệu tội phạm, nhất là các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng trở lên. Năm 2022, lực lượng chức năng của tỉnh đã ra quyết định xử phạt hơn hơn 92 tỷ đồng, tạm giữ 14.564 xe, tước có thời hạn 5.050 Giấy phép lái xe.

Qua thực hiện các giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh rút ra 05 bài học kinh nghiệm như sau:

Thứ nhất, Phải xem công tác bảo đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền rất quan trọng. Nơi nào có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền thì nơi đó hiệu quả mang lại cao và ngược lại.

Thứ hai, Việc đưa các tiêu chí không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa vào bình xét thi đua khen thưởng của cán bộ, công chức và đưa vào phân loại cuối năm của đảng viên đã có tác dụng tốt, hạn chế đáng kể các vi phạm.

Thứ ba,Trong triển khai thực hiện từng giải pháp, nhiệm vụ bảo đảm bảo trật tự, an toàn giao thông phải kiên trì, thường xuyên, cương quyết, minh bạch và bảo đảm đúng quy định pháp luật.

Thứ tư, Lập kế hoạch và tổ chức điều hành đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ đồng thời phân định rõ và phát huy được vai trò, trách nhiệm của từng ngành trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về bảo trật tự, an toàn giao thông của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương, gắn với trách nhiệm cá nhân của cán bộ, công chức và người thực thi công vụ.

Thứ năm, Việc đưa nội dung tuyên truyền về bảo trật tự, an toàn giao thông vào các cuộc sinh hoạt chi, tổ, hội của các tổ chức đoàn thể ở nông thôn bước đầu đã phát huy hiệu quả khá tốt.

Mộng Tuyết