Tuy nhiên, việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị tại các tỉnh, thành phố còn nhiều bất cập, dẫn đến hệ lụy là tình trạng UTGT, ô nhiễm môi trường đã, đang và có xu hướng ngày càng tăng về quy mô và mức độ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống người dân đô thị.

Những bất cập hạ tầng giao thông đô thị

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, nhiều công trình giao thông như các trục chính, các tuyến hướng tâm, vành đai, giao thông đối ngoại, các nút giao được tập trung đầu tư, nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới, trong đó có một số dự án trọng điểm tại Hà Nội như Vành đai III, nút giao Khuất Duy Tiến, đại lộ Thăng Long...; tại TP. Hồ Chí Minh như đại lộ Đông Tây, đường vành đai phía Đông, hầm Thủ Thiêm, nút giao Mỹ Thủy... 
Các công trình giao thông công cộng khối lượng lớn cũng đã được đưa vào hoạt động (tuyến BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa tại Hà Nội) và đang được xây dựng (như tuyến đường sắt đô thị số 2A Cát Linh - Hà Đông, tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội tại Hà Nội, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại TP. Hồ Chí Minh). Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cũng đề ra các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị đảm bảo theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các quy hoạch GTVT.

Theo đánh giá có một số vấn đề bất cập sau:

Hạ tầng giao thông còn thiếu và chưa hoàn thiện, việc thực hiện các quy hoạch GTVT chậm so với tiến độ

Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, tuy nhiên cơ sở hạ tầng giao thông tại các đô thị của nước ta còn thiếu so với yêu cầu. Quỹ đất dành cho phát triển hạ tầng giao thông đô thị cần đảm bảo tỷ lệ từ 16 - 25% so với đất xây dựng đô thị. Tuy nhiên tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các đô thị lớn khác, con số này mới chỉ đạt từ 5 - 12% tùy theo từng khu vực. Hơn nữa hiện nay, mật độ đường phố tại khu vực trung tâm cũng rất thấp, ví dụ khu vực nội đô Hà Nội chỉ đạt khoảng 0,74 km/km2. Tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông tĩnh cũng rất thấp, mới chỉ đạt được dưới 01%.
Ngoài ra, công tác thực hiện các quy hoạch phát triển GTVT còn chậm, không đảm bảo tiến độ. Ví dụ như theo điều chỉnh phát triển GTVT TP. Hồ Chí Minh, đến năm 2020 quỹ đất dành cho giao thông phải đạt 22.305 ha, tuy nhiên hiện nay mới chỉ đạt 7.841 ha (35%), tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị đạt 22,3% nhưng mới chỉ đạt 8,8%; các dự án đường sắt đô thị liên tục chậm tiến độ do thiếu vốn và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kỹ thuật.

Hạ tầng giao thông đã quá tải, trong khi đó tăng trưởng kết cấu hạ tầng giao thông chậm, không theo kịp tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông dẫn đến tình trạng UTGT và ô nhiễm môi trường đô thị diễn ra thường xuyên và ngày càng trở nên nghiêm trọng

Nền kinh tế Việt Nam đang có những bước tiến mạnh, nhiều khu đô thị, thành phố lớn được hình thành và phát triển. Tốc độ đô thị hóa của Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á, tăng đều 3,4%/năm giai đoạn 2011 - 2017, tỷ lệ đô thị hóa đạt 36,6% năm 2017. Số đô thị tăng từ 629 năm 1999 lên 795 năm 2017.

Quá trình đô thị hóa đóng vai trò trọng tâm trong tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và mang lại hiệu quả tích cực song kèm theo đó là tăng trưởng dân số đô thị, kéo theo lượng lớn phương tiện giao thông cá nhân (xe máy, ô tô con) phục vụ cuộc sống của người dân.

Với đặc thù cấu trúc đô thị, văn hóa xã hội và mức thu nhập của người dân, xe máy là sự lựa chọn phù hợp. Tốc độ tăng trưởng xe máy tại các đô thị nước ta luôn ở mức cao (7 - 12%/năm). Còn đối với ô tô con những năm gần đây, cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, thu nhập cá nhân của người dân được cải thiện (năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 1,5 lần so với năm 2010), tỷ lệ sở hữu ô tô con cá nhân tăng trưởng nhanh chóng. Trong khi các loại thuế, phí nhập khẩu phương tiện ngày càng giảm dẫn đến tăng trưởng ô tô con trong tương lai còn cao hơn nữa. Theo kết quả khảo sát tại báo cáo “Unlocking Cities - The impact of ridesharing in Southeast Asia and beyond” của Tổ chức The Boston Consulting Group (BCG) vào tháng 11/2017 nghiên cứu về giao thông đô thị các thành phố khu vực Đông Nam Á, có 81% số người được khảo sát tại TP. Hồ Chí Minh cho biết có kế hoạch mua ô tô trong vòng 5 năm tới. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng hạ tầng giao thông đô thị rất chậm: Chiều dài đường chỉ tăng từ 01 - 3%/năm, diện tích mặt đường chỉ tăng 3 - 5%/năm, diện tích đất dành cho giao thông tăng trưởng bình quân 4 - 6%/năm.

Theo tính toán, với số lượng phương tiện giao thông hiện nay, hệ số đồng thời lưu thông là 0,6, các phương tiện lưu thông với vận tốc bình quân 18 - 20 km/h thì diện tích chiếm dụng đã vượt năng lực thiết kế của hệ thống đường bộ, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã bị quá tải từ 1,2 - 1,4 lần.

Theo nghiên cứu bằng phương pháp GIS để phân tích, đánh giá tỷ lệ người dân có tiềm năng sử dụng hệ thống đường sắt đô thị với các bán kính phục vụ 300m, 500m và 800m quanh các ga đường sắt đô thị theo các quy hoạch phát triển GTVT tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cho thấy, khả năng tiếp cận đối với hệ thống các ga đường sắt đô thị còn kém: Trong phạm vi 300m quanh tất cả các ga đường sắt đô thị, tối đa cũng chỉ gom được 8% dân số, trong phạm vi 500m chỉ đạt 21%. Các dự án đầu tư mới (nhà ở cao tầng, khu văn phòng, tổ hợp thương mại…) chỉ có khoảng 20% lọt trong phạm vi bán kính 500m quanh các ga, 800m cũng chỉ đạt 31%.

Bất cập trong công tác bố trí nguồn vốn đầu tư, cơ cấu vốn đầu tư hạ tầng giao thông còn bất hợp lý so với vốn đầu tư hạ tầng đô thị khác

Theo GS. Fukunari Kimura - Đại học Tổng hợp Keio (Nhật Bản), việc đầu tư cho hệ thống hạ tầng giao thông có hiệu quả kinh tế thấp và nhiều rủi ro, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Các công trình giao thông thường có khối lượng thi công lớn, ngoài ra chi phí giải phóng mặt bằng tại các khu vực đô thị cao làm mức đầu tư các dự án phát sinh tăng cao. Trong khi đó, việc đầu tư hạ tầng đô thị khác như chung cư, nhà ở, trung tâm thương mại, khu đô thị... mang lại hiệu quả nhanh chóng nên có sức hấp dẫn hơn nhiều đối với các nhà đầu tư. Theo thống kê cho thấy, mức đầu tư cho hạ tầng giao thông thường chiếm 3 - 7%, trong khi đó tổng mức đầu tư cho cơ sở hạ tầng đô thị chiếm từ 25 - 35% so với GDP của các tỉnh, thành phố.

Giải pháp phát triển hạ tầng giao thông đô thị

Giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị

Nguồn kinh phí từ ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng ít, trong khi đó nhu cầu của xã hội ngày càng nhiều, vấn đề UTGT diễn biến càng phức tạp. Do đó, chính quyền các thành phố cần nghiên cứu, đề xuất phương án, giải pháp phù hợp để huy động tất cả các nguồn lực trong xã hội đầu tư, quản lý, vận hành hạ tầng giao thông thành phố trên nguyên tắc “Nhà nước - nhà đầu tư - người dân cùng có lợi”. Một số giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị cụ thể như:

Xây dựng cơ chế xã hội hóa như cho thuê quảng cáo để tạo nguồn đầu tư nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới các công trình hạ tầng giao thông đường bộ;

Thực hiện các biện pháp kinh tế quản lý phương tiện giao thông cá nhân tham gia giao thông nhằm tạo nguồn thu sử dụng phát triển hạ tầng giao thông đô thị: Thu phí UTGT, ô nhiễm môi trường trong khu vực đô thị;

Thành lập quỹ phát triển giao thông đô thị, được thu từ các khoản thuế và phí liên quan đến người sử dụng như phí đăng ký xe, phí cấp giấy phép lái xe, các khoản phạt vi phạm giao thông...;

Nghiên cứu các hình thức tạo thêm nguồn thu mới như: Nhà đầu tư được độc quyền kinh doanh, khai thác dọc hai bên tuyến đường như kinh doanh quảng cáo, trạm xăng dầu, trạm dừng nghỉ; cho thuê hành lang đường bộ (cho thuê lắp đường điện, nước, cáp viễn thông...);

- Thực hiện đa dạng hóa phương thức đầu tư, đặc biệt đẩy mạnh đầu tư theo hình thức PPP, thành lập quỹ đầu tư phát triển PPP cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị, có chức năng huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau cho xã hội để phục vụ cho mục tiêu đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị.

Giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.

- Quy định các công trình chung cư cao tầng, trung tâm thương mại lớn phải đánh giá tác động giao thông khu vực xung quanh dự án;

- Thực hiện đúng quy hoạch chung, quy hoạch phân khu phù hợp lộ trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; hạn chế tối đa việc điều chỉnh và khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch phân khu phải đồng bộ với quy hoạch GTVT;

- Quy hoạch sử dụng đất cần tích hợp với quy hoạch giao thông công cộng khối lượng lớn theo mô hình TOD.

Giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đô thị

- Xác định nhu cầu ưu tiên cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị và bố trí nguồn vốn cho các công trình giao thông trọng điểm, có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố;

- Tập trung đẩy mạnh công tác giải ngân khi có khối lượng hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã có nguồn vốn, đặc biệt là các dự án bị chậm tiến độ, các dự án giao thông đô thị quan trọng để sớm đưa vào khai thác;

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng các nguồn vốn trong hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đô thị; kiểm soát chặt chẽ các chi phí phục vụ đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông; nhanh chóng giải quyết những vấn đề gây chậm tiến độ trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt đối với các công trình trọng điểm.

Giải pháp khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông đô thị

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, vận hành, khai thác hệ thống hạ tầng giao thông đô thị như quản lý đỗ xe, cảnh báo giao thông, xử phạt nguội thông qua hệ thống camera giao thông, thông tin hướng dẫn người tham gia giao thông...;

- Kiểm soát chặt chẽ quá trình khai thác và sử dụng hạ tầng giao thông đô thị, đảm bảo các công trình luôn được duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên;

- Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và phát hiện những hành vi gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và sử dụng công trình như xe quá tải trọng...;

- Điều tiết giao thông hợp lý, đảm bảo công trình được khai thác hiệu quả theo thiết kế.

Với vai trò đã được khẳng định “GTVT đi trước một bước”, phát triển hạ tầng giao thông đô thị là yếu tố cốt lõi thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trước những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình phát triển hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt tại các thành phố lớn đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân, bài báo đề xuất một số giải pháp về huy động vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nâng cao chất lượng quy hoạch hạ tầng giao thông, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông đô thị.

Tạp chí GTVT