Những hình ảnh không đẹp sau va chạm - Ảnh minh hoạ

Thực trạng người tham gia giao thông tự xử với nhau sau khi xảy ra va chạm TNGT có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Câu chuyện người điều khiển phương tiện bắt tay nhau để hòa giải trong khi chờ các cơ quan chức năng, hay công ty bảo hiểm đến để giải quyết dường như rất khó hay có thể nói là rất hiếm khi xảy ra tại Việt Nam. Hầu hết khi xảy ra va chạm, người lái xe thường tìm mọi cách để bảo vệ quyền lợi cá nhân cho dù họ đúng hay sai.

Rất ít trường hợp, người điều khiển phương tiện có thể bình tĩnh cho qua hoặc dừng phương tiện để thỏa thuận với nhau, mà đa phần đều giải quyết mang tính chất bạo lực. Nhẹ thì có thể buông vài lời khiếm nhã hoặc lạng lách, chặn đầu phương tiện, nghiêm trọng hơn sẽ truy đuổi và thậm chí truy sát lẫn nhau.

Hành vi này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người điều khiển phương tiện và những người cùng tham gia giao thông. Đây cũng là nguyên nhân của không ít những vụ tai nạn đau lòng mà nạn nhân là những người vô tội.

Nên nhớ rằng thái độ, hành vi ứng xử của người tham gia giao thông là tiêu chí đánh giá trình độ văn minh của một quốc gia.

Bất an, thậm chí là lo sợ khi ra đường là tâm lý của không ít người dân hiện nay. Những hậu quả thương tâm không mong muốn của hành vi tự xử của một bộ phận người tham gia giao thông hoàn toàn có thể phòng tránh được, nếu bản thân mỗi người dân có ý thức chấp hành quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

 Một trường hợp vượt sai quy định

Để khắc phục những vấn đề phát sinh, theo các chuyên gia xã hội học khi xảy ra tai nạn, va chạm giao thông, người tham gia giao thông cần giữ thái độ bình tĩnh để xử lý vụ việc. Nếu không giải quyết được thì nên gọi cơ quan chức năng đến giải quyết tránh trường hợp có những hành vi sử dụng đến vũ lực tấn công người lái xe khác.

Việc xử dụng vũ lực để giải quyết là hành vi cần lên án. Nhận thức không đầy đủ có thể truy đuổi hay những hành vi khác mà cản trở hoạt động bình thường, gây rối trật tự công cộng thì từ va chạm nhỏ sẽ dẫn đến những vi phạm hình sự ví dụ cố ý gây thương tích hay hủy hoại tài sản.

Tai hoạ sẽ đến nếu mất bình tỉnh sau va chạm

Hậu quả của các vụ va chạm giao thông trên hẳn người trong cuộc không hề mong muốn và đây chính là bài học rất lớn trong quá trình từng con người, từng cá nhân phải xây dựng cái văn hóa cho mình trong giao tiếp ứng xử, thông cảm cho nhau. Bởi mỗi chúng ta đều có thể gặp những tác động khách quan không mong muốn gây ức chế bực bội hay phiền toái cho mình.

Nếu chúng ta biết chậm lại một chút biết thông cảm cho người khác thì chúng ta có thể nhìn nhận rằng có thể hành vi gây phiền toái cho người khác nó là hành vi không mong muốn của người kia. Lúc đó chúng ta có thể tránh mẫu thuẫn với người kia và hoàn toàn tránh được những hậu quả đáng tiếc

Vì quyền lợi cá nhân mà người ta sẵn sàng xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín, thậm chí cả tính mạng của người khác do hạn chế về nhận thức pháp luật, bản thân những người thực hiện hành vi tự xử sau va chạm giao thông như truy đuổi, xô xát, đánh nhau … không biết mình vi phạm pháp luật là hiện tượng xã hội đáng lên án. Bởi nó không chỉ gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông mà còn tác động tới tình hình trật tự an ninh xã hội.

Chúng ta cần tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Nếu có va chạm, đặc biệt là chỉ va chạm nhẹ thì phải hết sức bình tĩnh để xử lý tình huống. Nếu cần thiết thì nhờ sự can thiệp của cơ quan chức năng. Không nên vì một việc nhỏ mà chửi bới, xúc phạm hay hành hung người khác.

Ngoài ra cũng rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và toàn xã hội để có các biện pháp ngăn chặn kịp thời. Trước mắt, các cơ quan thực thi pháp luật cần phải xử phạt thật nghiêm minh các trường hợp vi phạm Luật giao thông và cả các trường hợp vì va chạm, tai nạn giao thông mà hành hung người khác để răn đe các đối tượng có ý định vi phạm. Về lâu dài, cần hoàn thiện hệ thống văn bản, chính sách pháp luật cũng như tăng cường tính nghiêm minh trong công tác thực thi pháp luật.

Song song với đó, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền, giúp người dân nắm bắt và thực hiện đúng các quy định về luật giao thông. Đồng thời, cũng cần nâng cao giá trị con người và giá trị xã hội trong cách ứng xử, tôn trọng, nhường nhịn lẫn nhau. Có như vậy, chúng ta mới có thể hi vọng xây dựng được môi trường giao thông an toàn, văn minh, hiện đại.

Theo Cục CSGT