Ông Khuất Việt Hùng
10 năm qua, với nhiều giải pháp quyết liệt, Việt Nam liên tục kéo giảm sâu số người chết do TNGT. Câu hỏi đặt ra, tới đây chúng ta cần những giải pháp gì để duy trì và tiếp tục kéo giảm TNGT bền vững. Báo Giao thông trao đổi với Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng về vấn đề này.
10 năm kéo giảm 4.000 người chết vì TNGT
“
Việc hoàn thiện Luật GTĐB tới đây sẽ gắn với việc xem xét quy định trách nhiệm cụ thể, minh bạch hơn của các khâu từ người lập quy hoạch, thiết kế cho đến người xây lắp, quản lý khai thác và cả lực lượng thanh kiểm tra trên đường. Nếu không quy định được trong luật sẽ không thể xử lý được và họ sẽ không biết được mình sẽ phải ứng xử ra sao. Khi có luật sẽ là căn cứ quan trọng để họ thực hiện nhiệm vụ. Đây là việc phải làm trong quá trình sửa Luật GTĐB và các luật khác có liên quan.
Ông Khuất Việt Hùng
”
Ông nhìn nhận thế nào về công tác đảm bảo ATGT trong 10 năm qua? Theo ông, đâu là những giải pháp đột phá để kéo giảm TNGT?
Những năm đầu thập kỷ, vận chuyển hàng hóa, phương tiện cơ giới và quá trình đô thị tăng chóng mặt. Trong khi đó, hạ tầng bộc lộ nhiều hạn chế, tuyến QL1 huyết mạch từ Bắc vào Nam xuống cấp, chật chội. Tình trạng xe chở quá tải tràn lan phá hoại kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến TNGT tăng cao, trong đó, đỉnh điểm là năm 2011, có tới hơn 12.000 người chết vì TNGT.
Trước thách thức trên, năm 2011 Chính phủ ban hành Nghị quyết 88 về thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo TTATGT với các chương trình hành động, giải pháp cụ thể về ngăn chặn vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm, kiểm soát tải trọng xe…
Tiếp đó năm 2012, Ban Bí thư tiếp tục ban hành Chỉ thị 18 với những giải pháp bám sát Nghị quyết 88, như hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực TTKS, xử lý vi phạm. Chỉ thị 18 đã tạo đà mạnh mẽ huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đảm bảo ATGT. Hai văn bản quan trọng này đã giúp năm 2012 giảm được hơn 1.000 người chết vì TNGT so với năm 2011.
Nếu nhìn lại cả giai đoạn 2011 - 2020, giải pháp đột phá lớn nhất để kéo giảm TNGT chính là đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó việc cải tạo nâng cấp QL1 thành 4 làn xe và có dải phân cách cứng có vai trò quan trọng. Toàn tuyến từ Bắc vào Nam, mỗi năm có thể giảm 500 người chết do TNGT. Đây là con số rất lớn và vô cùng ý nghĩa.
Đột phá thứ hai là siết chặt quản lý kinh doanh vận tải hành khách và hàng hoá bằng việc bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình cùng với việc ứng dụng khoa học công nghệ trong TTKS, giám sát phát hiện xử lý vi phạm. Ứng dụng công nghệ không chỉ ở cơ quan chức năng mà cả tận dụng sự phát triển công nghệ trong đời sống, tận dụng mạng xã hội vào xử phạt vi phạm giao thông, đưa nguồn thông tin lớn để người dân tham gia giám sát, phát hiện và phản ánh hành vi vi phạm, góp phần giảm tiêu cực trong lực lượng thực thi công vụ.
Một đột phá khác là nhận thức của người dân về nồng độ cồn, ma tuý được cải thiện. Bên cạnh đó, sau khi tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, đã có điều chỉnh tập trung hơn cho ATGT đối với xe máy, tiêu chuẩn mũ bảo hiểm cho trẻ em an toàn hơn, tiệm cận với thế giới.
Những giải pháp trên giúp chúng ta kéo giảm TNGT liên tục qua các năm, nhất là TNGT liên quan đến xe đạp, xe máy. Đến hết năm 2018, số người chết do TNGT đã giảm còn hơn 8.000 người.
Ông đánh giá thế nào về kết quả giảm TNGT trên, điều này có tác động thế nào đến KT-XH?
Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm TNGT gây thiệt hại cho Việt Nam khoảng 2,5% GDP. Vì vậy, việc kéo giảm TNGT đầu tiên là giảm những thiệt hại do TNGT gây ra, thiệt hại trực tiếp là hư hỏng phương tiện, chi phí xử lý hậu quả, cứu chữa nạn nhân nhưng thiệt hại rất lớn là mất nguồn lực lao động.
Nguồn lực này đáng ra phục vụ vào phát triển KT-XH nhưng lại phải dành để khắc phục hậu quả TNGT. Đồng thời, cũng mất nhiều giá trị sáng tạo từ những người không may bị TNGT vì nạn nhân TNGT tại Việt Nam thuộc nhóm lao động chính, lứa tuổi 18 - 55 chiếm trên 80%.
Việc giảm TNGT giúp giảm những thiệt hại nêu trên, dành nguồn lực cho phát triển KT-XH. Cùng đó, khi giao thông an toàn hơn, thuận tiện hơn, sẽ thu hút thêm nhiều khách du lịch và cả những nhà đầu tư, những người lao động tay nghề cao đến với Việt Nam, thúc đẩy phát triển KT-XH, hình ảnh Việt Nam trở nên thân thiện hơn trong mắt bạn bè quốc tế.
Cần những cú hích mới
Luật Phòng chống tác hại rượu bia sẽ cấm tuyệt đối sử dụng những loại đồ uống này khi tham gia giao thông (Trong ảnh: CSGT Lạng Sơn kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe máy). Ảnh: K.Linh
Để kéo giảm TNGT bền vững, chúng ta cần tiếp tục có những giải pháp hay “cú hích” gì, thưa ông?
Mấy năm gần đây, TNGT có giảm nhưng giảm chậm, có năm số người chết do TNGT giảm chưa được 1% như các năm 2017, 2018. Tuy nhiên, không phải chúng ta không nhận thức được điều này. Cú hích về hạ tầng đã được định hình trong kế hoạch 5 năm, những dự án trọng điểm những vành đai ở Hà Nội và TP HCM để tạo ra môi trường tham gia giao thông an toàn cho người dân.
Tới đây, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ khởi công xây dựng, cùng đó là sân bay Tân Sơn Nhất được nâng cấp, mở rộng, sân bay Long Thành được xây mới để khắc phục tình trạng mãn tải các tuyến quốc lộ. Tiếp đó, vận tải ven biển đang được chuẩn hoá và dài hơi nữa là đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Cùng đó là những thay đổi hành lang pháp lý, chúng ta cũng đang có những thay đổi hợp lý hơn. Như Luật Phòng chống tác hại rượu bia sẽ cấm tuyệt đối uống rượu bia khi lái xe đã tạo “cú đấm” mạnh trong điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông. Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng đang được thay đổi để bổ sung thêm những hình thức xử lý vi phạm, nâng chế tài xử phạt, cập nhật hướng dẫn Luật Hình sự để xử lý vi phạm. Tiếp đó là Nghị định 46 cũng đang được thay thế tập trung siết lại chế tài.
Vậy “cú hích” về con người thì sao?
Theo tôi, với mỗi người dân bình thường, việc thay đổi giáo dục ATGT cần cụ thể bao gồm cả lý thuyết và thực hành. Trong đào tạo lái xe phải cập nhật yếu tố này. Khi đã tham gia Công ước Viên phải quan tâm chất lượng đầu ra, chất lượng trong quá trình đào tạo. Trong đó, quan trọng nhất là giám sát quá trình đào tạo, sát hạch, ứng dụng công nghệ để đảm bảo minh bạch.
Đặc biệt chất lượng giáo viên, phải gắn trách nhiệm, có chế tài xử lý đối với người dạy lái đối với chất lượng học viên. Việc sát hạch cho qua không phản ánh được đạo đức của người lái mà đạo đức của lái xe phải do người dạy lái. Người dạy lái phải truyền được những hành vi giao thông an toàn như một giá trị của đạo đức, cái đó trở thành kỹ năng của lái xe.
Còn việc ứng dụng khoa học công nghệ, tới đây chúng ta có định hướng như thế nào?
Những thành tựu công nghệ mới sẽ giúp giám sát tốt hơn, thông tin đầy đủ, chính xác hơn. Dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo sẽ hỗ trợ người tham gia giao thông biết được trực tuyến tình trạng về hạ tầng, môi trường thời tiết, tình trạng của phương tiện, cảnh báo, khuyến cáo cho chủ phương tiện các yếu tố mất ATGT. Giao thông thông minh bao gồm: Xe thông minh, đường thông minh, quan hệ giữa xe và đường, giữa xe và xe và điều khiển thông minh. Công nghệ sẽ hỗ trợ toàn bộ quá trình ra quyết định của con người trong xử lý các vấn đề về ATGT. Khi có dữ liệu tốt thì quá trình lập quy hoạch hạ tầng, phương án quản lý khai thác sẽ hiệu quả, kịp thời hơn.
Cảm ơn ông!
Theo baogiaothong.vn