Hiệu quả của Hệ thống giám sát hành trình như sau:

I. Các dữ liệu được tích hợp và phân tích trên hệ thống thông tin

Theo quy định của Thông tư số 18/2013/TT-BGTVT, các thông tin bắt buộc mà đơn vị vận tải phải cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước gồm:

- Tốc độ xe chạy

- Hành trình xe chạy

- Số lần và thời gian dừng đỗ

- Số lần và thời gian đóng, mở cửa xe

- Thời gian lái xe liên tục

- Thời gian làm việc của lái xe trong ngày.

Hiện nay, Hệ thống thông tin đã tổng hợp, phân tích dữ liệu của toàn bộ các phương tiện truyền về gồm: quá tốc độ, theo dõi được hành trình xe chạy, số lần và thời gian dừng đỗ, thời gian lái xe liên tục quá 4h và thời gian làm việc của lái xe quá 10h trong ngày.

II. Một số kết quả phân tích của hệ thống thông tin

1. Kết quả truyền dẫn, tổng hợp, phân tích dữ liệu

a) Tình hình truyền dữ liệu

Tổng số đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình và dịch vụ xử lý dữ liệu giám sát hành trình (GSHT) trên hệ thống của Tổng cục là 68 đơn vị (trong đó, 51 đơn vị đã được Bộ GTVT công bố chứng nhận hợp chuẩn và 9 đơn vị đã bị rút Giấy chứng nhận hợp chuẩn).

Tính đến hết ngày 31/10/2014 đã có 50 đơn vị đã truyền dữ liệu của khoảng 75.000 phương tiện về máy chủ của Hệ thống thông tin, trong đó có khoảng 60.000 xe khách.

b) Kết quả phân tích, tổng hợp dữ liệu.

- Về số lần vi phạm tốc độ

Bảng tổng hợp số lần vi phạm tốc độ từ tháng 5 – 10/2014

TT

Tốc độ vi phạm

Tháng 5

Tháng 6

Tháng 7

Tháng 8

Tháng 9

Tháng 10

1

Vi phạm quá tốc độ trên 35 km/h

12.631

10.738

10.460

10.507

8.234

7.665

2

Vi phạm quá tốc độ từ 20-35 km/h

161.368

145.657

159.629

160.190

128.691

130.118

3

Vi phạm quá tốc độ từ 10-20 km/h

746.089

700.753

825.847

824.039

714.409

768.021

4

Vi phạm quá tốc độ từ 5 -10 km/h

1.034.398

1.020.033

1.256.178

1.283.000

1.188.074

1.292.584

 

Tổng cộng

1.954.486

1.877.181

2.252.114

2.277.736

2.039.408

2.198.388

Số lần vi phạm tốc độ liên tục tăng lên từ 1,9 triệu lần trong tháng 5 lên đến 2,2 triệu lần trong tháng 10, tăng khoảng 240 nghìn lần; nguyên nhân là do trong thời gian đầu triển khai, dữ liệu của các phương tiện truyền về ít, tăng dần trong các tháng gần đây và đến tháng 10 thì số lượng phương tiện truyền dữ liệu là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, vi phạm tốc độ từ 20 km/h trở lên có xu hướng giảm rõ rệt từ 8,9% trong tháng 5 giảm xuống còn 6,3% trong tháng 10; số còn lại trên 90% là vi phạm tốc độ dưới 20 km/h. Điều đó cho thấy độ ngũ lái xe đã có ý thức hơn trong việc điều khiển phương tiện chạy đúng tốc độ.

Bảng tổng hợp tỷ lệ vi phạm tốc độ từ tháng 5 – 10/2014

TT

Tỷ lệ vi phạm

Tháng 5

Tháng 6

Tháng 7

Tháng 8

Tháng 9

Tháng 10

1

Tỷ lệ số xe vi phạm (%)

34,0

49,0

50,0

51,5

47,9

49,6

2

Tỷ lệ km xe chạy vi phạm (%)

3,7

2,5

2,0

2,1

2,0

1,8

3

Tỷ lệ số lần vi phạm/1000 km

10,3

7,1

6,2

6,6

6,2

5,5

Tỷ lệ số xe vi phạm trong các tháng vừa qua liên tục tăng từ 34% trong tháng 5 lên 51,7 trong tháng 8 (số liệu này tính cả những phương tiện vi phạm tốc độ dưới 5 km/h).

Tuy nhiên, về tỷ lệ km xe chạy vi phạm/tổng km xe chạy có xu hướng giảm rõ rệt từ 3,7% trong tháng 5 xuống còn 1,8% trong tháng 10

Về tỷ lệ số lần vi phạm/1000 km cũng giảm đáng kể, từ 10,3 lần/1000 km trong tháng 5 giảm xuống còn 5,5 lần/1000 km trong tháng 10, tức giảm gần 50% so với thời điểm mới đưa Hệ thống vào vận hành.

- Về vi phạm thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc của lái xe trong ngày.

Bảng tổng hợp số lần vi phạm thời gian lái xe từ tháng 5 – 10/2014

TT

Nội dung vi phạm

Tháng 5

Tháng 6

Tháng 7

Tháng 8

Tháng 9

Tháng 10

1

Vi phạm TG lái xe liên tục

7,557

19,133

37,368

46,492

51,564

56,349

2

Vi phạm TG làm việc trong ngày

1,906

5,234

10,620

12,133

11,904

14,872

+ Về vi phạm thời gian lái xe liên tục và vi phạm thời gian làm việc của lái xe trong ngày: theo số liệu thống kê cho thấy, số lần vi phạm về thời gian lái xe liên tục trong thời gian qua liên tục tăng, một trong những nguyên nhân chính là do trên nhiều thiết bị hiện nay sử dụng cú pháp nhắn tin để thay lái xe và việc sử dụng phương pháp này thường không thành công. Vì vậy, đã làm cho số lần vi phạm thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc của người lái xe trong ngày liên tục tăng trong những tháng qua. Để khắc phục tình trạng này, trong nội dung dự thảo sửa đổi, bổ sung QCVN 31/2012/BGTVT việc thay thế lái xe sẽ thông qua thiết bị đọc thẻ.

2. Về kết quả xử lý vi phạm qua dữ liệu từ thiết bị Giám sát hành trình

Kể từ khi chính thức đưa Hệ thống thông tin vào hoạt động, hàng tháng Tổng cục đều có văn bản gửi các Sở GTVT thông báo kết quả phân tích, tổng hợp dữ liệu trên hệ thống, đồng thời yêu cầu các Sở tăng cường khai thác, sử dụng và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định tại Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26/12/2013 của Bộ GTVT.

Trên cơ sở thông báo hàng tháng về vi phạm qua thiết bị GSHT của Tổng cục ĐBVN, đến nay các Sở GTVT có văn bản nhắc nhở, yêu cầu các đơn vị vận tải cam kết không tái phạm hoặc xử lý thu hồi phù hiệu chạy xe, thu hồi chấp thuận khai thác tuyến theo quy định tại Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT ngày 26/12/2013 của Bộ GTVT.

Kết quả xử lý vi phạm của các Sở GTVT từ tháng 5 đến tháng 9/2014 như sau:

- Xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi phù hiệu 01 tháng: 584 xe;

- Xử lý vi phạm bằng hình thức thu hồi chấp thuận hoặc đình chỉ khai thác tuyến 01 tháng: 355 xe;

- Từ chối cấp phù hiệu đối với 61 trường hợp do không trích xuất được dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình.

Việc xử lý các vi phạm theo quy định tại Thông tư 55/2013/TT-BGTVT bước đầu đã có kết quả rất tốt, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đây cũng là công cụ hữu hiệu để các địa phương chấn chỉnh, xử lý và quản lý chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh vận tải. Đồng thời có tác động tích cực đến công tác quản lý lái xe, phương tiện của các đơn vị kinh doanh vận tải, góp phần bảo đảm an toàn giao thông và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải trong thời gian vừa qua.

III. Đánh giá kết quả đã đạt được

Trên cơ sở chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ GTVT trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện chủ đề của Năm An toàn giao thông 2014 là “Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, Tổng cục ĐBVN đã khẩn trương đưa Hệ thống xử lý và khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị GSHT vào hoạt động. Đánh giá bước đầu đã đạt được một số kết quả như sau:

- Các Sở GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị vận tải thực hiện truyền dữ liệu về máy chủ của Tổng cục, đồng thời chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm soát đối với các phương tiện chạy quá tốc độ quy định. Một số Sở đã thường xuyên công bố công khai các đơn vị vận tải có nhiều vi phạm, đặc biệt là vi phạm về quá tốc độ và thời gian lái xe.

- Các Sở GTVT đã chú trọng bố trí nhân sự, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, theo dõi, giám sát, thực hiện chấn chỉnh và xử lý vi phạm thông qua dữ liệu từ thiết bị GSHT; đối với các trường hợp vi phạm quá tốc độ ở mức cao, liên tục và nhiều lần đã được chấn chỉnh và xử lý kịp thời. Nhiều Sở GTVT lấy trọng tâm trong năm 2014 là quản lý hoạt động vận tải thông qua dữ liệu từ thiết bị GSHT.

Qua dữ liệu từ thiết bị GSHT đã phát hiện, xử lý đối với các trường hợp lái xe thực hiện sai lộ trình quy định, điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ cho phép, quản lý được vị trí của phương tiện trong quá trình tham gia hoạt động trên tuyến, thời gian lái xe… từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời để ngày càng bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, kiểm soát tốt hơn hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị.

- Đại đa số các đơn vị kinh doanh vận tải đều đồng thuận và thực hiện nghiêm đối với quy định lắp đặt TBGSHT và khai thác dữ liệu của TBGSHT để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải tốt hơn. Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải đã quan tâm đến việc bố trí cán bộ thực hiện theo dõi, nhắc nhở, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh và xử lý đối với các lái xe vi phạm quá tốc độ theo nội quy, quy chế của đơn vị.

- Số lần vi phạm quá tốc độ có xu hướng giảm, đặc biệt là vi phạm tốc độ ở mức cao, điều đó chứng tỏ các biện pháp chấn chỉnh trong thời gian qua đã có tác động tích cực đến đội ngũ lái xe trong việc điều khiển phương tiện chạy đúng tốc độ quy định.

IV. Định hướng hoàn thiện xây dựng Hệ thống

1. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật

- Hiện nay, Bộ GTVT đang soạn thảo Quy chuẩn thay thế Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô theo hướng quy định các tiêu chí kỹ thuật của thiết bị GSHT chi tiết, đầy đủ, rõ ràng hơn nhằm đảm bảo tính thống nhất cao và nâng cao độ chính xác của thiết bị, loại bỏ các quy định kỹ thuật không cần thiết, gây khó khăn khi áp dụng trong thực tế.

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2013/TT-BGTVT theo hướng nâng cao tần suất truyền dữ liệu, thống nhất phương pháp tính toán vi phạm, nghiên cứu cho phép Bến xe khách được sử dụng dữ liệu của các phương tiện vận tải hoạt động tại bến để phục vụ công tác quản lý, điều hành tại bến xe.

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT theo hướng bổ sung chế tài xử lý đối với đơn vị cung cấp dịch vụ GSHT; sửa đổi chế tài xử lý cho phù hợp và dễ thực hiện, xử lý vi phạm quá tốc độ theo tỷ lệ % km vi phạm hoặc theo số lần đối với các vi phạm ở mức cao (từ 20km/h trở lên) trong một đơn vị thời gian hoặc trên 1000 km xe chạy.

2. Hoàn thiện xây dựng Hệ thống

a) Tổng cục ĐBVN

- Tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn để hoàn thiện phần mềm xử lý dữ liệu của hệ thống gồm:

+ Xây dựng các báo cáo theo từng loại hình vận tải (tuyến cố định, xe hợp đồng, du lịch, xe buýt,…).

+ Bổ sung nội dung hiển thị màu đỏ các vị trí vi phạm tốc độ, đánh dấu vị trí bắt đầu và vị trí kết thúc.

+ Cập nhật bản đồ số lên hệ thống, đặc biệt là cập nhật tốc độ giới hạn cho phép tại các khu vực hạn chế tốc độ, khu vực dân cư,…

- Nghiên cứu, lắp đặt thiết bị có thể phát hiện các phương tiện đang sử dụng thiết bị phá sóng tại một số khu vực có nhiều phương tiện qua lại để có biện pháp xử lý kịp thời.

b) Các Sở Giao thông vận tải.

- Thường xuyên cập nhật đầy đủ các dữ liệu phát sinh đồng thời rà soát lại các dữ liệu để loại bỏ khỏi hệ thống dữ liệu của các đơn vị vận tải, các phương tiện không thuộc địa phương mình quản lý.

- Tiếp tục thực hiện việc rà soát, kiểm tra và đôn đốc các đơn vị vận tải liên hệ với các đơn vị lắp đặt thiết bị giám sát hành trình yêu cầu việc truyền dữ liệu về Tổng cục ĐBVN theo quy địnhĐối với các đơn vị vận tải đã lắp đặt thiết bị của một số đơn vị đã bị rút Giấy chứng nhận hợp quy hoặc các đơn vị không thể truyền dữ liệu về Tổng cục theo quy định, đề nghị các Sở GTVT định hướng cho các đơn vị vận tải trong việc lựa chọn đơn vị có uy tín để thực hiện lắp đặt thay thế.

3. Tăng cường xử lý vi phạm qua thiết bị Giám sát hành trình

- Tổng cục ĐBVN duy trì việc tổng hợp phân tích các dữ liệu từ thiết bị GSHT, xác định các vi phạm và định kỳ hàng tháng thông báo đến các Sở GTVT, các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý vi phạm theo quy định.

- Sở GTVT các địa phương căn cứ kết quả tổng hợp vi phạm hàng tháng và bố trí cán bộ thường xuyên truy cập hệ thống xử lý dữ liệu để theo dõi, kiểm tra, trích xuất dữ liệu từ thiết bị GSHT nhằm phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm theo quy định tại Thông tư 55/2013/TT-BGTVT ngày 26/12/2013 của Bộ GTVT.

Trước mắt tập trung xử lý đối với các trường hợp vi phạm về quá tốc độ ở mức cao, số lượng vi phạm nhiều, mang tính thường xuyên, liên tục; các trường hợp vi phạm về thời gian làm việc của lái xe và các đơn vị vận tải cố tình không truyền dữ liệu về máy chủ của Tổng cục.

Với những nội dung công việc đã triển khai và những định hướng trong thời gian tới nhằm hoàn thiện hơn nữa Hệ thống, chúng tôi tin tưởng rằng hoạt động vận tải đường bộ sẽ từng bước được quản lý chặt chẽ, đặc biệt là việc theo dõi, giám sát tốc độ xe chạy và thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc của lái xe trong ngày. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, ý thức của đơn vị vận tải trong việc theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải của đơn vị và tinh thần, thái độ của đội ngũ lái xe trong quá trình điều khiển phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải, hoạt động vận tải đường bộ trong thời gian tới sẽ có chuyển biến mạnh mẽ, công tác đảm bảo an toàn giao thông sẽ được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm thiểu tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông do xe vận tải khách gây ra.

Theo Đỗ Công Thủy

Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải - Tổng cục Đường bộ Việt Nam