Trước tiên, 10 năm nữa kế hoạch cấm xe máy ở các thành phố lớn mới tiến hành. Khi đó, những người đang phản đối chắc đã 35-40 tuổi, cũng không còn quá khỏe mạnh để chạy xe máy giữa một Sài Gòn cách xích đạo 8 độ.
Mọi người thường chủ quan nghĩ là tai nạn không tới lượt mình. Nhưng bạn thử tự liên hệ mình xem: Bạn có quen biết ai từng bị tai nạn giao thông không? Ảnh: Lê Quân.
Hôm trước gặp Minh - một người bạn của tôi từng gặp tai nạn xe máy. Minh bị chấn thương sọ não, phải lấy vỏ não ra hai lần, chết đi sống lại, giờ vẫn còn chưa khỏe mạnh. Minh hỏi tôi: Em có nên đem xe máy lên Sài Gòn để đi không? Tôi giật mình: Mấy năm dài đi xe buýt tưởng Minh đã quen, hoặc cú trở về từ cửa địa ngục chí ít cũng sẽ triệt tiêu đi ý nghĩ đó.
Cái tôi nói với Minh cả buổi chiều hôm đó không phải là chuyện đi cái gì tiện hơn, phương tiện nào tốt hơn mà chính là hai chuyện.
Thứ nhất, tai nạn giao thông ở Việt Nam mỗi ngày còn nhiều hơn cả New Zealand một năm cộng lại. Mọi người thường chủ quan nghĩ là tai nạn không tới lượt mình. Nhưng bạn thử tự liên hệ mình xem: Bạn có quen biết ai từng bị tai nạn giao thông không? Chắc hẳn là có.
Giữa xe máy và phương tiện công cộng, nếu còn được lựa chọn, xin bạn ưu tiên chọn cái an toàn hơn. Từ bé tới lớn bất cứ nơi đâu chúng ta đều nghe câu “an toàn là trên hết”. Tiện lợi, rẻ hơn, dễ hơn cũng vô nghĩa khi không có sự an toàn.
Thứ hai, lái xe, chúng ta phải ra quyết định nhiều hơn. Ở Sài Gòn, đèn đỏ ngập trời, xe đông như nêm. Não lúc nào cũng phải căng thẳng ra quyết định: Đạp phanh, rồ ga, né xe trước mặt, né ổ gà nắp cống... Lái xe đến được nơi mệt như đi cày. Ngày dài còn lại sẽ khó để vui tươi. Nên đi đường nếu bị va quẹt nhẹ, con người cũng sẽ dễ nổi điên. Ông chủ Facebook cũng từng chia sẻ lý do mặc đồ giống nhau mỗi ngày chỉ là để "não không phải ra nhiều quyết định". Bởi, bộ não con người cần sự tỉnh táo cho những quyết định quan trọng mỗi ngày. Vậy, thật sự bạn có đang hạnh phúc với xe máy không?
Thế hệ chúng ta rất "tội nghiệp" khi lớn lên trong đầu đã tồn tại ý niệm phải có một cái xe máy đẹp "cool ngầu" như bao người. Hầu như đã vào Sài Gòn là phải có một cái xe với lý do không thể chối từ: Để đi làm!
Tôi đã dốc hết tất cả tiền tiết kiệm, tiền làm thêm để mua một chiếc xe máy như mọi người. Nhưng thật ra sau cùng, chiếc xe phần lớn nằm trên đoạn đường từ nhà tới chỗ làm và ngược lại. Tôi có thể lựa chọn và tôi đã lựa chọn an toàn hơn.
Sau bốn năm bán xe máy, giờ tôi vẫn sống được giữa đất này và cảm thấy lựa chọn của mình đã an toàn hơn rất nhiều (tôi không muốn nói là tốt hơn). Mỗi ngày di chuyển 20 km xe buýt đi làm không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng tôi hạnh phúc vì sự an toàn trên mỗi chuyến xe.
Tôi có nhiều thời gian thư giãn trên xe buýt hơn. Những chặng đường ngắn với tôi dưới 3 km đều có thể đi bộ. Chiếc xe đạp sẽ hỗ trợ những quãng đường ngắn dưới 5 km. Xa hơn, xe buýt vẫn là lựa chọn an toàn nhất. Khi di chuyển ngoài giờ xe buýt chạy, đừng tiếc tiền cho một chuyến Taxi hay Grab Car, số lần như vậy không nhiều trong một năm.
Tôi biết viết bài này lên sẽ nhận được gạch đá rất lớn, nhưng tôi cũng cảm thấy có lỗi nếu cứ để những người đang đấu tranh cho một tương lai tốt đẹp của cộng đồng lại nhận sự phản đối từ chính cộng đồng.
Nếu có con nhỏ, thật lòng tôi mong mọi người chịu khó đi xe buýt để đưa đón con đi học. Dù ngược đường ngược chợ, không tiện tấp ngang ghé dọc, dù có phần đông đúc vào giờ cao điểm nhưng hãy cố gắng "giảm phần trăm nguy hiểm" cho gia đình mình. Nếu có lựa chọn an toàn hơn, hãy lựa chọn.
Thái Lan có nhiều loại hình xe buýt cho người dân lựa chọn. Trong ảnh là xe buýt giá rẻ ở Thái Lan, so với xe buýt ở Sài Gòn còn tốt hơn nhiều. Ảnh: Thái Việt
Xe buýt giờ đã tốt hơn rất nhiều rồi, và cũng sẽ còn tốt hơn nữa (tôi có niềm tin rất lớn là vậy).
Nếu có ít xe máy hơn trên đường: Người dân cũng chẳng còn bày bán đồ dùng, đồ ăn, phải ngoi ra mặt đường buôn bán nữa. Vỉa hè lúc đó sẽ rộng hơn và nhiều cây xanh hơn. Xe buýt có đường rộng hơn để chạy nhanh hơn, tốt hơn. Trẻ em, người già sẽ có thể tự đi học, khám bệnh mà không còn cần cha mẹ con cháu nghỉ làm hộ tống đi theo.
Công cuộc hạn chế xe máy là không hề dễ dàng, bởi chúng ta phải đấu tranh chính với bản thân mình. Sau cùng, cấm xe máy vì ai? Chắc không phải vì một ông quan lớn nào đó, không phải một vài doanh nghiệp, cũng không phải vì cộng đồng đi ôtô. Cấm xe máy, là vì chính con cháu của chúng ta sau này, có một thành phố an toàn và mơ ước.
Chúng ta của sau này cái gì cũng có, chỉ là không có xe máy! Tôi liên tưởng tới câu chuyện ngôn tình trong "Them of us" để thấy rằng: "Hi sinh một thứ vì đại cuộc, dù đau lòng đến đâu cũng phải làm". Như chúng ta đã từng tiếc nuối về một Sài Gòn êm đềm năm nào.
Theo Zing