Từ 1/11, đèn báo hiệu đường thủy trên phao phải gắn giám sát tình trạng hoạt động và định vị GPS
Theo Thông tư số 08/2020 của Bộ GTVT, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa mới (QCVN 39:2020/BGTVT) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11/2020, hệ thống báo hiệu đường thủy được triển khai mới phải tuân theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới. Nội dung quy chuẩn có tính chất đột phá, áp dụng công nghệ và quản lý theo phương thức mới, loại bỏ việc quản lý thủ công.
Kẻ gian hết đường trộm đèn tín hiệu
Ông Đỗ Trần Phú, Giám đốc Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 15 cho biết, cách đây vài ngày, trên tuyến kênh quốc gia 4 Bis (Đồng Tháp) thuộc địa bàn đơn vị quản lý bảo trì cùng lúc 3 chiếc đèn báo hiệu ban đêm gắn trên cầu Trường Xuân bị mất tín hiệu. Khi kiểm tra thực địa phát hiện lồng bảo vệ đèn bị phá, còn đèn bị mất, cho thấy đây là vụ trộm cắp đèn.
Đơn vị lập tức phải thay thế đèn để đảm bảo cho tàu thuyền qua lại ban đêm an toàn, đồng thời truy xét dấu vết di chuyển của đèn qua phần mềm thí điểm quản lý đèn tự động, từ xa. Do đèn được gắn thiết bị định vị vệ tinh (như SIM điện thoại di động) nên thấy được tín hiệu đèn lúc ở tuyến sông này, khi ở tuyến sông khác và vị trí gần nhất là ở xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp. Nhờ hỗ trợ của công an xã, 3 chiếc đèn trị giá hơn 30 triệu đồng sau đó đã được tìm thấy.
Ông Phú cho biết thêm, trước đó xảy ra hai vụ kẻ gian lấy trộm phao (có gắn đèn) có giá trị hơn 200 triệu đồng, dù di chuyển sang địa bàn TP HCM và Đồng Nai, vẫn không thể trót lọt. “Việc ứng dụng công nghệ định vị, giám sát đèn tự động từ xa giúp chúng tôi quản lý tốt hơn hệ thống đèn tín hiệu, phao đường thủy”, ông Phú nói.
Ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 5 cũng cho biết, trong tháng 6 và 9/2020, nhờ ứng dụng quản lý đèn hiệu đường thủy bằng định vị GPS, đơn vị đã nhanh chóng lần ra vị trí các đèn hiệu trên sông Đáy bị mất và báo Bộ đội Biên phòng ở Thanh Hóa và Ninh Bình xác định được đối tượng lấy trộm, thu hồi được đèn.
Theo đại diện Cục Đường thủy nội địa VN, các đèn hiệu trên là loại được thí điểm triển khai và từ ngày 1/11/2020 trở thành loại đèn hiệu chuẩn, được quy định tại Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy (ban hành kèm Thông tư số 08/2020 của Bộ GTVT, có hiệu lực từ ngày 1/11/2020).
Thực tế cho thấy, từ năm 2016 đến nay, việc thí điểm gắn thiết bị giám sát tình trạng hoạt động của đèn (chế độ chớp, cường độ sáng) và định vị GPS đã giúp công tác quản lý đèn hữu hiệu hơn và thu hồi hàng tỷ đồng tài sản bị mất hoặc trôi giạt do thiên tai, bão lũ, tàu thuyền đâm va. Điển hình, có trường hợp quả phao có giá trị vài trăm triệu đồng dù bị trôi giạt sang địa phận Trung Quốc vẫn được cơ quan quản lý, đơn vị bảo trì đường thủy thu hồi kịp thời.
Số hóa hạ tầng đường thủy
Ông Lê Minh Đạo, Phó cục trưởng Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, điểm nổi bật của quy chuẩn báo hiệu đường thủy là đưa các ứng dụng công nghệ thông tin, vật liệu mới vào thực tế, nhằm hiện đại hóa hệ thống báo hiệu đường thủy. Quy chuẩn giúp tăng khả năng khai thác vận tải trên các luồng tuyến, nhất là vào ban đêm, góp phần xóa “điểm đen” khu vực cầu vượt sông, kênh.
“Việc này cũng thay thế dần quản lý thủ công (như đi kiểm tra trực tiếp mới biết đèn hiệu còn hiệu lực hay không) và tăng hiệu quả quản lý tài sản báo hiệu đường thủy”, ông Đạo nói.
Cụ thể, quy chuẩn mới quy định, trên các tuyến đường thủy quốc gia, tuyến chính, đèn hiệu phải có gắn thiết bị tự động giám sát tình trạng hoạt động tức thời của đèn báo hiệu (thông báo các thông số như: Tọa độ, dòng điện, điện áp nguồn điện, chế độ chớp…) và truyền tín hiệu về trung tâm điều hành của Cục Đường thủy nội địa VN hoặc đơn vị được Bộ GTVT giao. Còn riêng với các đèn hiệu lắp trên phao nổi, phải có gắn thêm thiết bị định vị vệ tinh hoặc AIS để xác định vị trí tức thời của phao.
Nội dung quy chuẩn cũng không còn quy định báo hiệu ban đêm bằng đèn dầu như trước, thay vào đó bổ sung loại báo hiệu AIS, báo hiệu âm thanh, biển báo điện tử có phát sáng để chỉ dẫn phương tiện đi lại. Tại các khoang thông thuyền của các công trình cầu vượt sông phải được bố trí thiết bị cảnh báo tĩnh không tự động hoạt động liên tục 24/7 và kết nối trực tuyến, sơn vẽ thước nước ngược. Vào ban đêm khoang thông thuyền phải được chiếu sáng bằng hệ thống đèn LED và được trang bị đầy đủ các báo hiệu, tín hiệu cảnh báo.
Đề cập lộ trình chuẩn hóa hệ thống báo hiệu theo quy chuẩn mới, ông Đạo cho biết, Cục Đường thủy nội địa VN đang rà soát hệ thống báo hiệu thực tế và xây dựng kế hoạch lộ trình triển khai theo quy chuẩn. Trường hợp báo hiệu được lắp đặt mới từ ngày quy chuẩn có hiệu lực phải tuân thủ theo quy định kỹ thuật.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo một số đơn vị bảo trì đường thủy tuyến quốc gia, địa phương và doanh nghiệp vận tải bày tỏ ủng hộ việc áp dụng quy chuẩn mới, bởi góp phần quản lý, khai thác hiệu quả luồng tuyến và bảo đảm trật tự ATGT đường thủy.
Sắm hàng trăm đèn loại cũ có lãng phí?
Quy chuẩn báo hiệu mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/11, tuy vậy, theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, gần đây Cục Đường thủy nội địa VN chuẩn bị mua sắm hàng trăm đèn báo hiệu không đáp ứng quy chuẩn trên (đèn không có giám sát tự động, không thiết bị định vị) để lắp trước thời điểm trên, gây không ít ý kiến thắc mắc.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cũng xác nhận về việc có kế hoạch mua khoảng 400 đèn hiệu không đáp ứng điều kiện của quy chuẩn, để bổ sung cho một số tuyến đường thủy quốc gia. Một số lý do được đưa ra là: “Phần mềm quản lý báo hiệu đèn có giám sát tự động không hoạt động được vài tháng nay; kinh phí mua loại đèn trên chỉ gần 8 triệu đồng, trong khi loại theo quy chuẩn giá đắt gấp đôi”...
Cũng theo lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa VN, trong tháng 9/2020 sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với một đơn vị cung cấp phần mềm chương trình quản lý đèn có gắn phao GPS và trạm đọc mực nước tự động.
Theo Báo Giao thông