Toàn cảnh buổi Hội thảo khoa học 

Tham dự buổi Hội thảo có các đồng chí Phó Cục trưởng Cục CSGT; lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục CSGT; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Công an; đại diện lãnh đạo UBND, Quận, huyện thuộc TP Cần Thơ; lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông và lãnh đạo Phòng Cảnh sát đường thủy 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

 Đại tá Trần Thanh Trà, Phó Cục trưởng Cục CSGT báo cáo tại buổi Hội thảo

Tại buổi Hội thảo, Đại tá Trần Thanh Trà, Phó Cục trưởng Cục CSGT đã trình bày báo cáo tổng quan về tình hình tai nạn giao thông nguyên nhân và nhiệm vụ của lực lượng CSGT. Theo đó, từ 16/11/2014 đến 15/5/2018 toàn quốc xảy ra 73.656 vụ TNGT, làm 29.915 người chết, làm 64.631 người bị thương, trung bình một ngày cả nước xảy ra khoảng 57 vụ TNGT, làm 23 người chết, và 50 người bị thương. Trong đó đường bộ xảy ra 72.144 vụ, làm chết 29.058 người, làm bị thương 63.898 người. Trên tuyến đường sắt xảy ra 1.160 vụ, làm chết 637 người, bị thương 683 người. Trên tuyến đường thuỷ nội địa xảy ra 352 vụ, làm chết 220 người, bị thương 50 người.

 Từ năm 2015 đến nay, TNGT liên tục được kéo giảm cả 03 tiêu chí

Hội thảo cũng chỉ ra được nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT là do ý thức của người tham gia giao thông không chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT như điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định; vi phạm nồng độ cồn; chở quá tải, chở quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm theo quy định; phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật khi tham gia giao thông; tổ chức giao thông còn bất hợp lý chưa đáp ứng được yêu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sự đi lại của nhân dân...Trong đó, nguyên nhân sâu xa của TNGT được xác định là do ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT còn tùy tiện; công tác quản lý Nhà nước về giao thông vận tải và TTATGT còn chồng chéo. Công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, quản lý người điều khiển phương tiện còn lỏng lẻo. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT chưa được trú trọng...

Thượng tá Nguyễn Văn Đô, Phó Trưởng Phòng Hướng dẫn và tổ chức bảo đảm TTATGT đường sắt ,
Cục CSGT  tham luận tại Hội thảo

Đánh giá về tai nạn giao thông đường sắt thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng, Thượng tá Nguyễn Văn Đô, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn và tổ chức bảo đảm TTATGT đường sắt Cục CSGT cho biết: Để kiềm chế và tiến tới làm giảm TNGT đường sắt cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng đặc biệt là Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ giao thông vận tải, Bộ Công an...cùng đồng tâm, hiệp lực quyết tâm kéo giảm TNGT đường sắt. Về phía lực lượng CSGT cần tăng cường phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng, các đơn vị đường sắt tổ chức tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành luật giao thông. Làm tốt công tác điều tra cơ bản tuyến về TTATGT đường sắt, tập trung rà soát các đường ngang, lối đi tự mở qua đường sắt từ đó kiến nghị với cơ quan chức năng khắc phục tồn tại, hạn chế. Đồng thời tăng cường lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tổ chức TTKS-XLVP trong đó tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra TNGT đường sắt như vượt rào chắn ngang, cầu chung khi đang dịch chuyển; vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng...

Thiếu tướng Đặng Hoàng Đa, Phó Cục trưởng Cục xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ tham luận tại Hội thảo. 

Nhiều “kế sách” nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT được các đại biểu thảo luận, đánh giá cao như đẩy mạnh tuyên truyền và nhân rộng mô hình toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT trên các tuyến giao thông; đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả của công tác TTKS-XLVP; siết chặt công tác quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe...Đây là những ý kiến quý báu, đồng thời là cơ sở để Cục CSGT nghiên cứu, đề xuất, triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc.

Phát biểu kết luận tại buổi Hội thảo, đồng chí Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT đánh giá cao những nỗ lực của lực lượng CSGT đã đạt được để góp phần liên tiếp kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Đồng chí nhấn mạnh, trong thời gian tới lực lượng CSGT cần làm tốt công tác quản lý nhà nước về TTATGT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT, đi kèm với đó là cương quyết xử lý tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác TTKS-XLVP; siết chặt công tác quản lý, đào tạo, sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe... Có như vậy mới đáp ứng được mục tiêu kiềm chế và làm giảm TNGT trên cả ba tiêu chí số vụ, số người chết và bị thương từ 5-10% hàng năm mà Chính phủ đã đặt ra.

Theo Cục CSGT