Luật ĐTNĐ sửa đổi, bổ sung đã giúp ĐTNĐ khởi sắc toàn diện trong 3 năm nay trở lại đây.

Hành lang pháp lý giúp ĐTNĐ khởi sắc toàn diện

Sáng 27/5, tại Hải Phòng, Bộ GTVT đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông ĐTNĐ, Nghị định số 110/2014 NĐ – CP và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về Giao thông ĐTNĐ năm 2017 tại khu vực phía Bắc.

Theo ông Hoàng Minh Toàn – Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung và Nghị định 110, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đã tích cực triển khai thực hiện những quy định của Luật; đã bám sát, chủ động tổ chức thực hiện, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, góp phần làm chuyển biến nhận thức, ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kinh doanh vận tải đường thủy nội địa;…. Trong đó, luồng tuyến thông suốt, TTATGT được đảm bảo, TNGT được kiềm chế, vận tải ĐTNĐ đã có nhiều bước phát triển, tăng trưởng khá.

Ông Hoàng Minh Toàn – Phó Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN phát biểu tại Hội nghị

“Dù chưa đạt được những kỳ tích, song, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, các Bộ, ngành, UBND các cấp, những nỗ lực của toàn ngành đã đưa GTVT ĐTNĐ ngày càng khởi sắc toàn diện, có vai trò quan trọng trong đời sống và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hơn hết, Luật Giao thông ĐTNĐ đã đi vào thực tiễn cuộc sống”, Phó Cục trưởng Hoàng Minh Toàn khẳng định.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, ĐTNĐ là lĩnh vực giao thông thế mạnh của Việt Nam và cũng đang phải gánh trọng trách rất lớn trong việc ngày càng phát huy được tiềm lực của mình. Việc đẩy mạnh phát triển ĐTNĐ là giải pháp rất quan trọng trong công cuộc phát triển GTVT Việt Nam, khi giảm tải rất lớn cho đường bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải đang có chiều hướng đa dạng hóa.

Thứ trưởng biểu dương những nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã giúp ngành ĐTNĐ VN có những chuyển biến rất tích cực. Trong đó, cơ sở pháp lý đã thiết lập tốt TTATGT ĐTNĐ, khai thác tốt tiềm năng thiên nhiên và phát huy nguồn lực của mọi thành phần kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế khu vực, quốc tế ngày càng cao.

"Tôi rất mong việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật sẽ mang lại diện mạo mới cho ngành ĐTNĐ và phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. ĐTNĐ là một lĩnh vực giao thông thế mạnh của quốc gia nhưng hiện chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng một nguyên nhân quan trọng nhất là việc thiếu vốn, thiếu đầu tư. Tôi xin chia sẻ những khó khăn đó với các đồng chí", Thứ trưởng Nguyễn Nhật bày tỏ.

Thứ trưởng cũng nhất trí với những nhìn nhận khách quan của các đại biểu nêu ra trong Hội nghị về một số vấn đề bất cập tồn tại của ngành ĐTNĐ hiện nay, tập trung chủ yếu vào 3 vấn đề chính gồm: một số quy định chưa thực sự đáp ứng diễn biến của hoạt động khai thác GTVT thực tiễn, tính đột phá chưa cao; vấn nạn khai thác cát, sỏi trái phép trên các sông, kênh gây ảnh hưởng đến ATGT, đời sống của nhân dân ven sông, gây mất trật tự trị an, gây bức xúc trong dư luận xã hội; TNGT ĐTNĐ tuy đã giảm nhưng vẫn còn những vụ tai nạn nghiêm trọng, gây tổn thất lớn về người và tài sản.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông ĐTNĐ, Nghị định số 110/2014 NĐ – CP và phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về Giao thông ĐTNĐ năm 2017 khu vực phía Bắc.

“Những năm qua đã ghi nhiều dấu ấn trong việc đổi mới của ngành ĐTNĐ, đó là những bước tiến có tính đột phá. Tuy nhiên, ngành ĐTNĐ cần phải nỗ lực đổi mới và sáng tạo nhiều hơn nữa, phát huy truyền thống hơn 60 năm của ngành ĐTNĐ một cách mạnh mẽ hơn nữa”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng đề nghị các Bộ, ngành cần tiếp tục phát huy những mặt đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là những bất cập trong quá trong quá trình triển khai thực thi các quy định của pháp luật ĐTNĐ cần sớm được khắc phục để phục vụ nhu cầu khai thác vận tải của các doanh nghiệp, đảm bảo tốt TTATGT và ngăn ngừa một cách mạnh mẽ những hệ lụy xã hội như cát tặc; đào tạo thuyền viên kém chất lượng (bằng thật – học giả), bằng giả; phương tiện không đăng kiểm,…. Đồng thời, Thứ trưởng cũng yêu cầu các địa phương cần giành nhiều sự quan tâm hơn nữa tới lĩnh vực ĐTNĐ.

Cần tăng cường sức mạnh để đảm đương trọng trách lớn

Thượng tá Đỗ Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) đánh giá, lực lượng CSGT đường thủy có thể coi là lực lượng nòng cốt nhất trong công tác đảm bảo TTATGT. Hiện nay, các văn bản hướng dẫn dưới Luật, dưới Nghị định; các văn bản phân cấp, phân quyền, quy trình hoạt động để tuần tra xử lý vi phạm; liên quan đến cảng, bến thủy nội địa, đạo tạo, quản lý người điều khiển phương tiện thủy,…rất đầy đủ. Tuy nhiên, khó khăn nhất của lực lượng CSGT trong tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm là địa bàn.

Thượng tá Đỗ Thanh Bình – Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) đánh giá hệ thống văn quy định bản pháp luật của lực lượng Công an là rất đầy đủ

“Phần lớn các tuyến vận tải thủy của chúng ta đều là địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh. Vì vậy, việc sửa đổi việc phân cấp, phân công địa bàn tuần tra kiểm soát, đảm bảo giữa địa giới hành chính và quản lý tuyến vận tải an toàn là một vấn đề rất đau đầu cần sớm được giải quyết có hiệu quả”, Thượng tá Đỗ Thanh Bình đề xuất.

Bên cạnh đó, trong quá trình đưa Luật vào thực tiễn cuộc sống vẫn còn một số vướng mắc, bất cập. Tại Hội nghị, đại diện Công ty vận tải Vân Hải (tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ: “Hệ thống quy định pháp luật rất tốt, tuy nhiên chúng tôi có một vướng mắc là thủ tục cấp giấy chấp thuận tàu vận tải hành khách, hành lý, bao gửi theo hợp đồng chuyến được quy định tại Thông tư 66/2014/TT-BGTVT cần chỉnh sửa theo thực tế để chúng tôi thuận tiện hơn trong việc đưa đón khách. Hiện, thời hạn xử lý thủ tục của Sở GTVT quá lâu khiến nhiều lần chúng tôi phải thuê tàu khác để đón khách vì lý do là chưa có giấy chấp thuận”.

Còn theo đại diện Hợp tác xã Vận tải thủy Trung Kênh (tỉnh Bắc Ninh), lượng vận tải thủy ở Trung Kênh rất lớn, tuy nhiên, hiện nay có một số hiện tượng xấu gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp gồm: Đào tạo thuyền viên kém chất lượng; tàu hút cát vẫn hoạt động rất nhiều gây ảnh hưởng đến việc chạy tàu, sạt lở, thay đổi luồng lạch,…; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm có nhiều lực lượng tạo nên sự chồng chéo; tình hình xe chở quá tải vẫn còn diễn ra;….“Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước quyết liệt xử lý những tình trạng trên để hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp chân chính được đảm bảo”.

Trả lời các doanh nghiệp, ông Hoàng Hồng Giang – Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN cho biết, Cục tiếp thu ý kiến đóng góp, phản biện của doanh nghiệp, người dân và sẽ nhanh chóng phối hợp với các cơ quan, đơn vị quyết liệt xử lý; sẽ kịp thời điều chỉnh ngay những quy định không còn phù hợp hoặc gây khó khăn, là rào cản cho hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại các Thông tư quy định, hướng dẫn thi hành Luật.

Cục trưởng Cục ĐTNĐ VN Hoàng Hồng Giang trả lời những kiến nghị của Doanh nghiệp tại Hội nghị.

Bên cạnh đó, Cục ĐTNĐ VN sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ lập đề nghị xây dựng các 4 Nghị định trình Chính phủ trong năm 2017 gồm: Nghị định quy định quản lý cảng, bến thủy nội địa; Nghị định quy định quản lý phương tiện thủy nội địa; Nghị định quy định trình tự, thủ tục nạo vét tận thu sản phẩm luồng ĐTNĐ và vùng nước cảng, bến thủy nội địa; Nghị định quy định quản lý hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước sử dụng phương tiện thủy. Đồng thời rà soát sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông ĐTNĐ.

“Những quy định tại các Nghị định này sẽ là nền tảng, cơ sở để tiến tới đề xuất sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Giao thông ĐTNĐ trong thời gian tới”, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang khẳng định.

Về Nghị định 110/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 quy định điều kiện kinh doanh vận tải ĐTNĐ, ông Nguyễn Việt Thắng – Trưởng phòng Vận tải – ATGT (Cục ĐTNĐ VN) cho biết, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định, hoạt động vận tải thủy nội địa đã có bước phát triển, sản lượng hàng hóa lưu thông bằng đường thủy nội địa ngày càng tăng; công tác quản lý hoạt động vận tải hành khách, vận tải khách ngang sông, vận tải khách du lịch, hoạt động vận tải hàng hóa đã được thực hiện theo đúng quy định. Từ đó, tình hình TNGT ĐTNĐ những năm gần đây đã được kiềm chế, giảm các tiêu chí.

Cũng tại Hội nghị, Cục ĐTNĐ VN đề nghị các Sở GTVT tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền về điều kiện kinh doanh vận tải ĐTNĐ, bảo đảm ATGT đường thủy và các quy định khác của pháp luật. Đồng thời đề nghị các Sở GTVT, các cơ quan, đơn vị thông qua quá trình quản lý hoạt động kinh doanh vận tải thủy có đề xuất cụ thể sát với thực tế, bảo đảm các quy định của pháp luật đối với các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải ĐTNĐ.

Đối với các doanh nghiệp, HTX, cá nhân kinh doanh vận tải thường xuyên cập nhật thông tin nắm bắt kịp thời các quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa; đồng thời nhanh chóng tuyên truyền, phổ biến những quy định cho đội ngũ thuyền viên, người lái phương tiện, tự giác chấp hành, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và phát triển biền vững.

Theo tapchigiaothong.vn.