Những năm gần đây mật độ giao thông tại các thành phố lớn thậm chí ở các đô thị vệ tinh tăng chóng mặt. Đáng tiếc rằng cơ sở hạ tầng lại không thể theo kịp tốc độ này dẫn đến bài ca tắc đường tại… luôn được phát hàng ngày trên VOV Giao thông giờ cao điểm. Tuy nhiên, mật độ phương tiện cao chưa phải là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới trình trạng tắc đường mà còn do cả ý thức tham gia giao thông của nhiều người.
Bởi, chỉ cần một chiếc ô tô đi ngược chiều, quay đầu không đúng nơi quy định hay tình trạng xe máy chuyển hướng, di chuyển vô tội vạ cũng đủ để khiến con đường nhỏ trở lên quá sức chịu đựng. Bên cạnh đó, việc văn hóa giao thông thấp cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các vụ ẩu đả, tranh cãi trên phố sau va chạm hay đơn giản là cách cư xử thiếu tinh tế giữa tài xế với hành khách và ngược lại.
Có nhiều ví dụ điển hình về “văn hóa giao thông” trong đó nổi bật nhất là cách di chuyển “điền vào chỗ trống” của nhiều người điều khiển phương tiện. Cách đi đứng tùy tiện này là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng lộn xộn, ùn tắc thậm chí cả những vụ va chạm do lái xe luồn lách chuyển hướng đột ngột khiến phương tiện khác không kịp xử lý. Lỗi này không chỉ xuất hiện ở những người đi xe máy mà cả các lái ô tô.
Văn hóa giao thông không chỉ ở ý thức tuân thủ pháp luật mà còn cách ứng xử khi có sự cố
Cũng rất phổ biến là hiện tượng không bật đèn báo rẽ khi chuyển hướng, không lắp gương chiếu hậu đối với xe máy. Bật đèn chiếu xa khi đi đường tối có xe ngược chiều hay vượt đèn đỏ, bấm còi vô tội vạ… cũng đều là những “hành động nhỏ, ảnh hưởng lớn” đến an toàn giao thông nói chung và an toàn của bản thân người thực hiện hành động nói riêng.
Văn hóa giao thông còn tồn tại trong môi trường giao thông công cộng, dù ít có trường hợp tác động tới an toàn nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý chung. Ví như tình trạng tài xế, phụ xe ăn nói bỗ bã, mẳng chửi khách, thậm chí sử dụng điện thoại đi động, chất kích thích khi đang lái xe hay đơn giản là không vệ sinh xe thường xuyên gây mùi khó chịu.
Về phía hành khách cũng có một số hành động không đẹp như hút thuốc, nói to, đồ ăn thức uống có mùi trên xe hay chen lấn, không nhường chỗ cho người ưu tiên hay chỉ đạo tài xế “cách” lái xe. Có thể thấy giống như giao thông thông thường, giao thông công cộng cũng rất cần ý thức tuân thủ pháp luật, hành xử đúng mực từ nhiều người chứ không phải một người. Không thể đổ lỗi cho việc cô ấy vượt đèn đỏ thì tôi cũng vượt, anh ấy hút thuốc trên xe tôi cũng được hút…
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng để có văn hóa giao thông phải xây dựng từ gốc, thực hiện từ những điều nhỏ nhặt nhất, đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, sẵn sàng lên án những hành động chưa chuẩn mực. Nó không thể làm được trong ngày một ngày hai phải có sự chung tay của toàn xã hội từ việc hoàn thiện cơ chế chính xách, cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý tới tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và đặc biệt không thể bỏ qua việc giáo dục văn hóa giao thông từ cấp tiểu học. Bài học từ việc vứt rác đúng nơi quy định cho thấy đôi khi chính trẻ em lại là người “giáo dục” tốt nhất cho người lớn.
Giống như chia sẻ trong một chương trình giảng dạy về văn hóa giao thông, ông Trần Thanh Kha người từng có 13 năm kinh nghiệm trong ngành ô tô và giao thông cho biết: “Văn hóa giao thông không phải là xa xỉ. Những tài xế, hành khách lịch thiệp giúp hình ảnh xã hội văn minh hơn”.
Theo thanhnien.vn