Diễn đàn Thanh niên với ATGT của trường THPT thị xã Quảng Trị

Trường THPT thị xã Quảng Trị nằm trên tuyến đường Hai Bà Trưng, gần ngã tư giao nhau với đường Quang Trung, Nguyễn Trãi. Hằng ngày vào giờ học sinh đến lớp và giờ tan trường, lượng người tham gia giao thông rất đông vì nhiều trường học nằm cạnh nhau gây nên tình trạng lộn xộn, mất ATGT và ùn tắc giao thông cục bộ trước cổng trường, khu vực này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, va quệt giao thông xảy ra. Trước tình hình đó, Đoàn trường THPT thị xã Quảng Trị đã thành lập Đội Cờ đỏ vì an toàn giao thông học đường.

Đội Cờ đỏ có 66 thành viên thuộc 33 chi đoàn và do 1 giáo viên trực tiếp phụ trách. Hằng ngày, lịch trực của đội là 10 người/buổi, buổi sáng từ 6h30 đến 7h và từ 11h - 11h30; buổi chiều từ 17h đến17h30 vào tất cả các ngày học trong tuần. Trước khi làm nhiệm vụ, các thành viên trong đội sẽ tổ chức họp nhanh để phân công nhiệm vụ cụ thể, có đánh giá kết quả rút kinh nghiệm cho lần sau. Đầu buổi học, đội trực trước cổng trường hướng dẫn các bạn dắt xe, để xe đúng nơi quy định, giờ ra về, đội lại hướng dẫn các bạn đi đúng phần đường, làn đường, không dàn hàng ngang, không đậu đỗ xe dưới lòng, lề đường, tránh tụ tập đông người, bảo đảm ATGT…

Từ khi triển khai mô hình này tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và va chạm trong giờ cao điểm giảm hẳn. Ý thức của học sinh, phụ huynh khi tham gia giao thông được nâng lên. Bằng những hoạt động tích cực, Đội Cờ đỏ trực giao thông đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo cổng trường ATGT. Việc thành lập Đội Cờ đỏ tham gia giữ gìn trật tự ATGT đã góp phần giáo dục nền nếp, tác phong, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho học sinh, đồng thời giúp các bạn hình thành ý thức chấp hành pháp luật từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và phòng ngừa tai nạn xảy ra.

Ngoài ra, Đội Cờ đỏ trực giao thông nhà trường còn hưởng ứng tích cực Tháng An toàn giao thông do thị xã Quảng Trị tổ chức. Đội đã đi diễu hành tuyên truyền lưu động về ATGT; phát tờ rơi tuyên truyền tại các khu dân cư; lồng ghép tuyên truyền tới đoàn viên, thanh niên và nhân dân sử dụng mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn khi tham gia giao thông. Tuyên truyền giữ gìn trật tự, văn minh đô thị tại các điểm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè gây mất trật tự và cảnh quan đô thị… Các hoạt động này góp phần xây dựng thị xã văn minh, phát triển, giảm TNGT.

Đặc biệt ở THPT thị xã Quảng Trị còn lồng ghép giáo dục ATGT thông qua các diễn đàn thanh niên, hoạt động ngoài giờ lên lớp hoặc hội thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, nhằm giáo dục học sinh về ý thức văn hóa khi tham gia giao thông. Hội thi diễn ra sôi nổi, hào hứng với những nội dung cơ bản, trọng tâm và thiết thực: Kiến thức cơ bản về Luật Giao thông đường bộ; hoạt cảnh, tiểu phẩm dí dỏm, vui nhộn với nội dung về luật giao thông và phần thi hùng biện về thực trạng tình hình giao thông hiện nay, những thông điệp gửi đến tất cả mọi người.

Đến với buổi ngoại khóa, các đội đã đem đến cho người xem những tiết mục đặc sắc. Các tiểu phẩm tự biên, tự diễn với nội dung thiết thực, dễ hiểu, dễ thấm vào nhận thức của mỗi người. Với phong cách biểu diễn tự nhiên, vui nhộn, sáng tạo đầy tài năng của các “Nghệ sỹ nghiệp dư” tuổi học đường đã đem đến cho người xem những tiếng cười rộn rã và bổ ích.

 

Tiểu phẩm Thanh niên với văn hóa giao thông

Qua các buổi ngoại khóa, kiến thức về pháp luật giao thông đến với học sinh một cách nhẹ nhàng dễ hiểu, đầy ấn tượng. Từ đó giúp các em sẽ có ý thức hơn khi tham gia giao thông như thông điệp của hội thi đã gửi gắm “An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà”.

Bên cạnh tham gia các hoạt động ngoại khóa, đầu năm học mới Trường THPT thị xã Quảng Trị phối hợp với Công an thị xã tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền cho học sinh nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh về luật giao thông nói chung và ATGT đường bộ nói riêng, nhất là về hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông.

Tại buổi tuyên truyền, cán bộ Công an thị xã đã phổ biến Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; hướng dẫn về hệ thống biển báo hiệu giao thông, cảnh báo nguyên nhân và hậu quả các vụ TNGT để các thầy cô và các em học sinh tự rút ra bài học về ATGT khi tham gia giao thông, có thể tự bảo vệ mình, tránh khỏi những TNGT đáng tiếc và trở thành những công dân có ý thức tuyên truyền về ATGT trong cộng đồng.

 

Công an thị xã Quảng Trị tuyên truyền luật giao thông cho học sinh

Buổi tuyên truyền đã giúp cán bộ giáo viên và học sinh trong nhà trường hiểu rõ về tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác đảm bảo trật tự ATGT đối với cuộc sống của bản thân cũng như của cộng đồng. Qua đó, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về ATGT; chung tay hạn chế và đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về ATGT trong học sinh cũng như nhân dân trên địa bàn, hạn chế tới mức thấp nhất số vụ TNGT xảy ra.

Giáo dục ATGT cho học sinh, Trường THPT thị xã Quảng Trị còn đưa vào tiết sinh hoạt cuối tuần hoặc lồng ghép vào các môn học như giáo dục công dân. Bản thân tôi là một giáo viên chủ nghiệm, nhận thức rất rõ mục đích của việc dạy ATGT cho học sinh. Để làm được điều này bản thân tôi không ngừng nghiên cứu, thu thập các thông tin ở các tài liệu nghe, đọc được đăng tải thường xuyên trên các báo, đài, mạng internet, đặc biệt là cuốn tài liệu “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinh THPT và tài liệu hướng dẫn gióa viên sử dụng sách “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” do Công ty Honda Việt Nam ấn hành. Đây là 2 cuốn tài liệu rất bổ ích nhằm trang bị cho học sinh và giáo viên những kiến thức khi tham gia giao thông an toàn. Bản thân tôi cũng đã dạy một vài tiết cho học sinh qua cuốn tài liệu “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”Mặc dù kinh nghiệm giảng dạy về ATGT cho học sinh chưa được nhiều nhưng tôi cũng xin chia sẻ một vài kinh nghiệm với mọi người và đồng nghiệp.

Trong cuốn tài liệu này gồm có 5 bài, mỗi bài đều có những kiến thức hữu ích. Thường thì những bài học về ATGT có nội dung rất khô khan, đơn điệu, dễ gây nhàm chán, vì vậy cần có nhiều hoạt động nhằm thu hút sự chú ý của học sinh và làm cho các em nhớ lâu. Khi dạy ATGT trong cuốn tài liệu này, tôi luôn bám sát tài liệu hướng dẫn giáo viên sử dụng sách “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”, xem đó là giáo án của từng bài học, ngoài ra tôi còn sử dụng phim ảnh được thiết kế trên powerpoint để cho bài học thêm sinh động.

Mở đầu bài học tôi thường cho các em xem một đoạn phim hoặc một số tranh ảnh liên quan đến nội dung mà mình sẽ dạy, từ đó học sinh chủ động rút ra những hiểu biết cần thiết cho bản thân. Ví dụ ở bài 1: Tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông, tôi chiếu đoạn phim nói về tình hình TNGT ở Việt Nam, đặc biệt là TNGT ở lứa tuổi học đường. Sau đó hỏi một số học sinh: Qua đoạn phim trên em thấy tình hình TNGT ở nước ta như thế nào? Học sinh đưa ra nhiều ý kiến khác nhau nhưng tựu trung lại đều đồng ý số người chết vì TNGT quá nhiều, một con số đáng báo động. Từ đó tôi phân tích những nguyên nhân TNGT do yếu tố con người: Ý thức, kiến thức luật giao thông, kỹ năng lái xe an toàn, tình trạng cơ thể, trong đó ý thức của người lái xe là quan trọng nhất nó ảnh hưởng đến các yếu tố khác của người lái xe. Cho nên tham gia giao thông là phải có ý thức chấp hành Luật giao thông. Tôi minh họa vấn đề này ở trang 19 của cuốn tài liệu “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinh THPT.Sau đó liên hệ thực tiễn việc các em tham gia giao thông hằng ngày, giáo dục các em đừng có những hành động như trong tài liệu trang 19.

Ở trường tôi, phương tiện đi học của học sinh chủ yếu là xe đạp điện, xe máy điện. Vậy làm thế nào để đi xe đạp an toàn là vấn đề tôi muốn truyền thụ đến học sinh của mình. Ở Bài 2: Đi xe đạp an toàn, tôi đặt câu hỏi: Các hành vi không an toàn phổ biến ở lứa tuổi học sinh khi tham gia giao thông bằng xe đạp là gì? học sinh trả lời. Sau đó tôi kết luận các hành vi không an toàn khi đi xe đạp phổ biến của học sinh: Đi dàn hàng ngang, đi sai làn đường, đu bám xe khác, cầm ô, lạng lách, đánh võng, sử dụng điện thoại, buông cả 2 tay hay di một tay, không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, đi xe đạp vượt dải phân cách. Minh họa cho vấn đề này tôi sử dụng cuốn tài liệu “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho Học sinh THPT trang 36,37,38. Ngoài ra, tôi còn chiếu một số đoạn clip hoặc tranh ảnh. Cuối cùng, tôi kết luận các em không được làm như những hình ảnh minh họa trên.

 

Những hình ảnh không đẹp khi đi xe đạp điện

Vậy cách đi xe đạp an toàn như thế nào? Tôi đặt câu hỏi và liên hệ thực tiễn các em đi xe đạp điện, xe máy điện. Kết luận, tôi mong muốn giáo dục các em tuân thủ các quy tắc đi xe đạp an toàn ở tài liệu “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” dành cho học sinh THPT trang 41,42,43. Ngoài ra nhiều bài học trong cuốn tài liệu tôi cụ thể hóa bằng các trò chơi như trò chơi thực hành ghi đặc điểm nhận diện của từng nhóm biển báo như trong tài liệu đã hướng dẫn.

Qua các hoạt động nói trên tôi nhận thấy ý thức tham gia giao thông của học sinh trường THPT thị xã Quảng Trị tốt hơn hẳn. Bằng chứng là qua số liệu thống kê của Công an thị xã Quảng Trị thì số vụ TNGT rất ít và số học sinh vi phạm ATGT cũng giảm đi rất nhiều.

Tổ chức Y tế thế giới đã nói rằng: TNGT đã trở thành đại dịch của nhân loại và ATGT là hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Việc tuyên truyền kiến thức về ATGT cho học sinh được triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng và phong phú, gần gũi với lứa tuổi thanh thiếu niên. Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm TNGT lại xuất phát từ ý thức của người điều khiển phương tiện. Mỗi chúng ta hãy đóng góp sức mình trong việc giảm thiểu TNGT. Hãy thực hiện tốt câu khẩu hiệu “Hãy tham gia giao thông có văn hóa”. “Văn hóa giao thông là ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông”, có như vậy mới mang lại an toàn cho chính bản thân và xã hội.

Theo Tạp chí GTVT