Lực lượng chức năng thường xuyên mở cao điểm ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông
Vụ việc một lần nữa lại dóng lên hồi chuông báo động về vấn đề thanh kiểm tra đối với xe khách, cũng như việc vi phạm nồng độ cồn đối với tài xế. Đây cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong những thời gian gần đây trên địa bàn cả nước, để kéo giảm TNGT do vi phạm nồng độ cồn, cần giải quyết từ gốc.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an, trong năm 2018, cả nước có 417 vụ TNGT do vi phạm nồng độ cồn, chiếm hơn 3% tổng số vụ TNGT xảy ra trên toàn quốc, tăng mạnh so với năm 2017, những con số thống kê cho thấy vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn còn nhiều nỗi lo, nỗi trăn trở cần được giải đáp, tháo gỡ từ các ngành, các cấp có thẩm quyền.
Hơn 20 năm là tài xế xe tải, ông Huỳnh Ngọc M, ngụ phường 4, thành phố Cà Mau cho biết: “không ít lần ông đã chứng kiến những người tài xế sử dụng rượu bia thậm chí ma tuý trước khi lái xe. Nhiều lúc không phải là áp lực nhưng mà nhiều anh tài xế chơi cho biết (sử dụng ma túy) rồi bắt đầu nghiện luôn, ôm vô lăng người tài xế lúc nào cũng phải tỉnh táo, còn việc sử dụng ma túy khi lái xe thì nó kích thích vô là chạy không còn biết phương hướng gì hết nên xảy ra tai nạn là đương nhiên thôi”. Bên cạnh đó, vấn đề uống rượu, bia xong rồi lại lái xe, việc này được rất nhiều người lái xe xem hết sức bình thường. Trên thực tế cho thấy, hiện nay trên địa bàn thành phố Cà Mau vào các buổi tối khi dạo quanh các con đường trong khu vực nội thị chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh trước các quán nhậu trên địa bàn luôn thu hút rất đông lượng khách và trong số đó, không ít khu vực đỗ xe của các quán đầy ắp phương tiện xe ô tô. Và liệu có ai dám đảm rằng: trong rất nhiều xe ô tô đến các quán này, những người điều khiển phương tiện này chỉ vào để đợi khách hoặc vào quán không sử dụng chút ít rượu, bia. Sự chủ quan đó cộng với vấn đề khó khăn trong việc kiểm tra đối với loại vi phạm này đã vô hình dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc đã xảy ra. Có thể thấy rõ điều này qua sự việc từ đầu năm 2019 đến nay, liên tiếp những vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra liên quan đến việc tài xế vi phạm nồng độ cồn. Người dân cảm thấy hết sức bất an khi tham gia giao thông. Theo Trung tá Nguyễn Quốc Khởi, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an thành phố Cà Mau cho biết: “Việc kiểm tra đối với người điều khiển phương tiện này vẫn còn gặp nhiều yếu tố khách quan khó kiểm soát. Nếu thực hiện lập chốt tuần tra kiểm soát tại các địa điểm hàng, quán này thì vô hình chung lại làm ảnh hưởng lớn đến việc kinh doanh, cũng như không tạo điều kiện thuận lợi trong kinh doanh của doanh nghiệp. Thêm vào đó, là việc kiểm soát tràn lan đối với loại hình này rất khó, đơn cử như trong 1 loạt xe đậu tại quán đó thì không thể xe nào chúng ta cũng kiểm tra hết được, mà phải theo dõi để ý những trường hợp nào mà lái xe có sử dụng thì mới kiểm tra, cho nên qua kiểm tra cũng có phát hiện vi phạm, nhưng cũng để sót lọt khá nhiều, cùng với đó là việc lập biên bản trường hợp vi phạm nồng độ cồn mất rất nhiều thời gian, điều này cũng đã gây ra không ít kho khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ”.
Trước thực tế này, Uỷ ban ATGT Quốc gia đã có kế hoạch tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn ở người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông giai đoạn 2015-2020, trong đó, chú trọng nhấn mạnh đến việc kiểm tra xử lý để ngăn chặn vi phạm từ nguồn, nhất là đối với người lái xe kinh doanh vận tải. Theo ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: “ Từ nay đến cuối năm, các đơn vị, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về ATGT, trong đó, chúng tôi chú trọng tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông trong việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện, cùng với đó là tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, nhất là những thời điểm cao điểm, nhằm hạn chế mức thấp nhất TNGT”.
Câu chuyện xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề, để chấm dứt tình trạng TNGT do rượu bia, trước hết, cần thay đổi hành vi của xã hội đối với rượu bia, chúng ta “hãy nói không với bia, rượu khi tham gia giao thông”, bởi 1 điều duy nhất là tác hại của rượu, bia đối với sức khỏe, nhất là nguy cơ tiềm ẩn TNGT là vấn đề không phải bàn cãi nhiều.
Song Khuê