CẢNH TƯỢNG THƯƠNG TÂM TRÀN NGẬP

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ rẫy (TP.HCM) lúc 0h.

Cô gái lặng người khi bác sĩ đưa hình ảnh phim chụp chấn thương của người chồng sắp cưới. Chỉ 7 ngày nữa là đến ngày vui của họ! Vụ tai nạn giao thông bất ngờ đã làm thay đổi tất cả!

“Anh ấy cần có người thân ký vào giấy đảm bảo để chúng tôi tiến hành phẫu thuật. Càng sớm càng tốt”.

“Bác sĩ ơi, em là vợ sắp cưới có được ký không?”

“Hai người đã có giấy kết hôn chưa?”

“Vẫn chưa ạ”

Qua phân tích hình ảnh chụp MRI, bác sĩ thông báo mắt trái của anh bị tổn thương, não có dấu hiệu tụ máu bầm, cần được phẫu thuật gấp. Thời gian vàng cho ca phẫu thuật thành công để cứu sống anh chỉ có 2 tiếng!

Một mình chơ vơ ở phòng cấp cứu, đôi mắt người phụ nữ ấy nheo lại, giọt nước trong khóe chỉ chực rơi ra khi bác sĩ cho biết chị không thể ký vào giấy đảm bảo phẫu thuật và phải đợi người thân của anh đến.

Góc phòng cấp cứu, hai chàng thanh niên trầm ngâm, bàn tay đan chặt vào nhau, tựa vào băng ca khi đang túc trực đứa em trai bị xe tông bất tỉnh, cơ thể đầy máu.

Xa xa, một chàng trai người Mỹ không người thân, chỉ có passport nhét ở túi áo, cũng đang chịu đựng đau đớn và lịm dần đi vì tai nạn giao thông.

2h đêm cánh cổng vào khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn sáng đèn, tiếng còi hú từ những chiếc xe cứu thương đổ về đây phá tan sự tĩnh lặng của thành phố. Trung bình một ca trực đêm, các bác sĩ tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân. Trong đó, nhiều ca chấn thương vì tai nạn giao thông.

Bên ngoài hành lang, cảnh sát giao thông đang thu thập thông tin của các vụ tai nạn. Các anh cho hay ngày nào cũng vào viện trong hoàn cảnh này. Hôm nay, họ gặp một nạn nhân say rượu bị tai nạn giao thông trên đường, không giấy tờ tùy thân, nên lập tức đưa vào viện trong tình trạng hôn mê sâu.

Nửa đêm, những chuyến xe tải thương từ mọi miền đổ về Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM chở theo nạn nhân tai nạn giao thông. Đây là hình ảnh thường ngày không có hồi kết.

Cánh cổng sắt bệnh viện lúc nào cũng đóng hờ một nửa, một điều mà người ta vẫn duy tâm rằng cửa đóng sẽ đón ít những “vị khách” không mời mà đến.

Quang cảnh ngột ngạt khi thực sự bước vào căn phòng khoảng 500 m2 đang đón nhận hàng trăm người trên những băng ca tạm, đau đớn, rên la quằn quại. Ở đây, mùi thuốc khử trùng, mùi máu, mùi hôi và cả mùi người quyện vào nhau thật khó tả. Người ta gọi là "mùi cấp cứu"!

SỰ CĂNG THẲNG CỦA KÍP TRỰC

Đêm 26/9 rạng sáng 27/9, cũng như bao ngày làm việc bình thường của bác sĩ Ngô Lê Đại khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy cùng đồng nghiệp, tại căn phòng chật chội và chen chúc với hàng trăm con người.

Chiếc bàn lớn giữa phòng là nơi các bác sĩ y tá làm thủ tục chuyển nhận bệnh nhân, đánh giá, hội chẩn. Quy trình làm việc diễn ra nghiêm túc như một hệ thống công nghiệp. Thi thoảng ở đó, một vài bác sĩ kể với nhau một vài câu chuyện không đầu không cuối để "giảm nhiệt". Được vài phút, họ lại chạy khắp nơi để tiếp nhận bệnh nhân. Theo thường lệ, 23h đến 2h sáng là khoảng thời gian họ tiếp nhận nhiều ca tai nạn giao thông nhất.

Những tiếng kút kít từ bánh xe băng ca ma sát như cháy cả nền gạch khi lượng bệnh nhân càng về đêm đổ bộ vào khoa đông nghịt. Băng ca liên tục va đập vào nhau khi một vài thanh niên bị tai nạn giao thông đau đớn giãy giụa. Y tá phải dùng dây thừng cột chặt tay, chân bệnh nhân đang vùng vẫy vì đau đớn khi tiêm thuốc, tìm mạch để truyền dịch cho các anh.

Sâu bên trong là căn phòng đặc biệt, nơi đó tiếng máy monitor tít tít đều đều theo nhịp kim đồng hồ đang hồi sức tích cực cho những ca bệnh nặng. Nhưng đó là tiếng kêu của sự sống. Nhìn mớ dây chằng chịt đang níu giữ những số phận mong manh trước cửa tử, bạn mới cảm thấy được hít thở là điều may mắn.

Khuôn mặt các y bác sĩ lộ rõ sự căng thẳng cực độ khi cầm trên tay những tấm phim X-quang phân tích chấn thương của những nạn nhân tai nạn giao thông. Không chỉ chẩn đoán bệnh, họ còn phải cân nhắc, lựa lời chia sẻ với người nhà bệnh nhân vì những điều phải đối mặt trước tình cảnh nguy cấp.

... VÀ NHỮNG CÚ SỐC

Người đồng nghiệp của tôi đã sốc khi những hình ảnh đầy máu me cũng như những âm thanh rên rỉ từ bệnh nhân khiến anh thi thoảng chạy ra khỏi cổng bệnh viện rít hơi thuốc để trấn an. Gặp một du khách đến từ Brazil ở phòng cấp cứu, anh phải thốt lên: “Ôi Chúa ơi! Khủng Khiếp” khi đưa bạn mình vào đây cấp cứu.

Năm 2016, Việt Nam xảy ra gần 21.500 vụ tai nạn giao thông, số vụ do bia rượu xấp xỉ 9.000 (chiếm 42%). Trong số 18.000 nạn nhân nhập viện do tai nạn giao thông tại Việt Nam,  36,5% người điều khiển xe máy và 66,8% người điểu khiển ôtô vi phạm về nồng độ cồn.

Theo bác sĩ Cao Xuân Phúc, Bệnh viện Quân y 103, người sử dụng rượu bia đã bị giảm sút suy nghĩ và kích động nhẹ, nồng độ cồn ở mức 0,05mg/l khí thở 1 chén rượu hoặc 1/2 lít bia. Nồng độ 0,2mg/l khí thở bằng 4 chén rượu hoặc 2 lít bia, lái xe dễ bị ức chế, giận dữ, đi lại loạng choạng. Mức độ cao hơn, người uống có thể không tự chủ được hành vi cá nhân, dễ gây tai nạn.

Đồng hồ điểm 2h sáng, khoa Cấp cứu vẫn không ngơi nghỉ tiếp nhận bệnh nhân từ miền Trung vào, miền Tây lên. Quá tải, chật chội, tiếng khóc lóc cứ văng vẳng ngoài hành lang kéo dài cho đến 5h sáng khi ca trực bàn giao cho một kíp khác. Chuyện cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy không phân biệt ngày và đêm, chỉ có những ca trực nối dài bất tận.

Theo Zing.