Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã đến tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Đại sứ Thụy Điển Pereric Hogberg nhận định, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Thụy Điển đang tăng trưởng đều đặn nhưng vẫn còn tiềm năng để phát triển hơn nữa.

Đại sứ Pereric Hogberg hi vọng sẽ giúp Việt Nam hoạch định được phương hướng,
xây dựng những đô thị bền vững với mạng lưới giao thông thông minh

Ngài Đại sứ cũng nhận xét Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Tuy nhiên khi mức độ đô thị hóa ngày càng tăng và tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, các thành phố của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ trong lĩnh vực vận tải. Tính đến năm 2017, khoảng 40% trong tổng số 90 triệu người dân Việt Nam sống ở các đô thị, đặt ra thách thức lớn đối với lĩnh vực vận tải, đặc biệt là giao thông công cộng. Vì vậy, Việt Nam cần có tầm nhìn, kế hoạch rõ ràng và nghiên cứu các trường hợp thành công từ các nước đi đầu trong vấn đề này.

“Thụy Điển từ lâu đã tiên phong trong các giải pháp quy hoạch đô thị. Từ năm 1990, lượng phát thải đã giảm 9%, sự phụ thuộc vào xăng dầu cũng giảm 90% từ năm 1970. Số người tử vong do TNGT thuộc hàng thấp nhất thế giới. Với những kinh nghiệm chuyên môn, sự sáng tạo của Thụy Điển có thể mang giá trị lớn giúp Việt Nam tìm ra các giải pháp bền vững với mục tiêu hướng giao thông công cộng trở thành phương tiện vận tải thân thiện và phổ biến với người dân”, Đại sứ Pereric Hogberg nói và cho biết thêm kinh nghiệm của các chuyên gia, doanh nghiệp Thụy Điển sẽ cung cấp giải pháp thông minh về quản lý giao thông, chúng tôi hi vọng sẽ giúp Việt Nam hoạch định được phương hướng, xây dựng những đô thị bền vững với mạng lưới giao thông thông minh”.

Thứ trưởng Lê Đình Thọ mong các chuyên gia Thụy Điển sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, hợp tác,
trao đổi, đưa ra các giải pháp phát triển giao thông đô thị phù hợp với đặc thù từng thành phố tại VN

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, những năm qua, với định hướng xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, bền vững, an toàn, thân thiện môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và liên thông với các quốc gia trong khu vực. Việt Nam đã và đang thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ với tốc độ tăng trưởng của xã hội. Hệ thống đường bộ Việt Nam đã được cải thiện một bước đáng kể. Cùng với hệ thống hạ tầng giao thông đang dần được hoàn thiện, chất lượng dịch vụ vận tải hàng không, đường bộ, đường sắt đã được đầu tư, cải thiện ngày càng tốt hơn theo hướng hiện đại, an toàn, thuận lợi. Đặc biệt, cả nước đã có 60/63 tỉnh, thành phố có xe buýt hoạt động. Đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hệ thống vận tải hành khách công cộng đã phát triển cả về số lượng và chất lượng.

“Tuy nhiên, với tốc độ phát triển đô thị hóa mạnh mẽ như hiện nay, Việt Nam đang gặp phải một số tác động ảnh hưởng đến quá trình xây dựng giao thông đô thị bền vững như: thiếu quỹ đất dành cho giao thông công cộng; sự gia tăng nhanh các phương tiện cá nhân với tỉ lệ từ 10-12%/năm; thiếu quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ phương tiện; Ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp tại các thành phố lớn; Sự tác động mạnh mẽ của công nghệ kết nối trong vận tải đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhận định và mong muốn, trong chuyến thăm lần này, các chuyên gia Thụy Điển sẽ chia sẻ những kinh nghiệm quý báu đã được triển khai thành công để cùng hợp tác, trao đổi, đưa ra các giải pháp phát triển giao thông đô thị phù hợp với đặc thù từng thành phố tại Việt Nam. Đồng thời qua đó tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữaThụy Điển với Việt Nam nói chung và ngành GTVT hai nước nói riêng.

Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, năm 2017, toàn thành phố có 5,48 triệu xe máy, tốc độ gia tăng hàng năm là 6,7% và 669.000 ô tô, tốc độ gia tăng hàng năm là 10,2%. Trong khi đó, tốc độ phát triển của hạ tầng giao thông chỉ đạt 3,9%, dẫn đến ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp. Năm 2017, trong số 41 điểm ùn tắc, thành phố giải quyết còn 24 điểm; nhưng lại phát sinh thêm 13 điểm mới.

Bên cạnh đó, nếu như thời điểm mở rộng địa giới, Hà Nội năm 2008 có dân số chỉ là 6,5 triệu người, đến nay con số đó đã chạm ngưỡng 7,5 triệu người. Việc gia tăng dân số khiến quỹ đất dành cho giao thông ngày càng hạn hẹp, đặt ra thách thức lớn trong quy hoạch hạ tầng giao thông của Thủ đô”, ông Toản nói và cho biết thêm, nhận thức được vai trò của giao thông công cộng trong phát triển đô thị bền vững TP. Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp để phát triển hệ thống giao thông. hiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Hà Nội  bằng xe buýt là 112 tuyến, mức độ bao phủ đạt 68,5%; chính thức đưa vào vận hành tuyến buýt nhanhBRT 01 (Kim Mã-Bến xe Yên Nghĩa); công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông được triển khai đồng bộ, kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp…

Đặc biệt, Thành phố đã thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn 2030” với 06 nhóm giải pháp…

Tại Hội nghị, các công ty như: ABB, Erisson, Volvo Buses, Axis Communications, Volvo Cars và Roxtec đã thảo luận với các bên liên quan của Việt Nam trong lĩnh vực giao thông công cộng và phát triển đô thị để đưa ra các biện pháp nhằm giúp Việt Nam có thể tăng lưu lượng người sử dụng giao thông công cộng, đảm bảo môi trường an toàn và tận dụng các công nghệ mới nhất như Internet vạn vật (IoT) và eMobility…

Theo Trang TTĐT Bộ GTVT