Trung tâm điều khiển giao thông - ảnh minh họa
Cần thiết phải có biện pháp kỹ thuật cao
Nhiều năm qua, chúng ta các cấp, ngành đẩy mạnh chương trình an toàn giao thông do đó tình trạng ùn tắc tuy đã giảm đi nhiều, nhưng ùn tắc giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối ở các thành phố lớn. Vậy, nên chăng cần có biện pháp đột phá về mặt kỹ thuật để có thể hạn chế triệt để tình trạng ùn tắc này, khi những biện pháp nâng cao ý thức người dân chưa thực sự hiệu quả.
Số lượng phương tiện cá nhân tăng lên chóng mặt khiến lòng đường ngày càng chật hẹp, kể cả những đường có nhiều làn. Chỉ cần một ô tô dừng trên vỉa hè để làm việc gì đó là lập tức đoạn đường đó bị ùn, thậm chí bị tắc. Trong khí đó, do nhu cầu công việc, dòng người vẫn bắt buộc phải lưu thông qua đoạn đường đó và từ đó gây ra ùn tắc.
Một trong những cách hạn chế ùn tắc đang được áp dụng gần đây là cảnh báo trước để người tham gia giao thông không đi vào những đoạn đường ùn tắc. Cụ thể, Kênh VOV Giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam đang làm rất tốt, góp phần hạn chế ùn tắc, nhưng tác động đó vẫn chưa nhiều. Cần thiết phải có thêm các công cụ hỗ trợ người tham gia giao thông để hạn chế ùn tắc.
Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin, trong đó, ứng dụng trên điện thoại thông minh đang dần trở thành người bạn thân thiết của con người. Thời buổi, nhiều người có trong tay điện thoại thông minh, tại sao ta lại không phát triển một ứng dụng điện thoại có khả năng thu thập, xử lý thông tin và cảnh báo chủ phương tiện về những cung đường đang xảy ra ùn tắc.
Ứng dụng điện thoại đó hoạt động dựa vào thông tin của chính những người tham gia giao thông và có thể cập nhật tin tức, thông báo cho người đi đường biết trước về các đoạn đường đang xảy ra tắc, cũng như những đoạn đường nào đã bớt ùn tắc. Dựa vào đó, người tham gia giao thông có thể chủ động chọn đường khác để đi, tiết kiệm được thời gian của mình. Việc nghiên cứu tích hợp với google map hoặc các phần mềm tương tự cũng là một giải pháp cần nghiên cứu, đưa vào ứng dụng cảnh báo ùn tắc sớm.
Bên cạnh đó, sự phối hợp với hệ thống camera giao thông của trung tâm điều khiển là ý tưởng tốt cần nhắc đến. Đặc biệt, với những xe taxi sử dụng phần mềm chỉ đường hiện nay thì các hãng taxi nên nghiên cứu tích hợp công cụ báo ùn tắc từ xa, dựa trên thông tin của các lái xe đang lưu thông trên đường.
Một vấn đề khác cần thực hiện là tích hợp hệ thống chống ùn tắc trên các đèn tín hiệu tại ngã tư. Hệ thống đèn giao thông được điều khiển bởi trung tâm sẽ có tác dụng báo đoạn đường ùn tắc tại các nút dẫn đến vụ ùn tắc, qua đó người dân sẽ biết để tìm đường khác đi, hạn chế vụ ùn tắc nghiêm trọng hơn.
Sáng kiến về kiểm soát nồng độ cồn
Sáng kiến này dựa trên kinh nghiệm của một số nước đang phát triển và chúng ta có thể áp dụng vào Việt Nam theo cách phù hợp với tình hình thực tế. Ở Bắc Âu, nơi có trình độ phát triển giao thông rất cao, họ đã áp dụng công nghệ để hạn chế đến mức tối đa việc lái xe khi đã sử dụng rượu bia (chất có cồn). Như Thụy Điển đã xây dựng hệ thống thiết bị có tên là “Alcolock” trên các phương tiện giao thông. Đây được coi là một giải pháp mạnh tay để giảm thiểu tai nạn giao thông do bia rượu.
Hệ thống này được lắp đặt trên các phương tiện giao thông, có tác dụng cản trở sự di chuyển của ô tô nếu như phát hiện nồng độ cồn của lái xe vượt quá mức quy định. Thiết bị gồm máy đo nồng độ cồn qua khí thở, được kết nối với mạch đánh lửa của ô tô. Khi lái xe xoay chìa khóa khởi động, Alcolock sẽ đo nồng độ cồn và bộ điều khiển sẽ phân tích kết quả, nếu không vượt ngưỡng, xe sẽ khởi động, nếu vượt ngưỡng quy định, xe sẽ không thể di chuyển vì bộ điều khiển đã ngắt động cơ.
Đây là biện pháp có vẻ “mạnh tay” và gặp không ít sự phản đối vì ảnh hưởng tới quyền tự do cá nhân của chủ xe. Nhưng Thụy Điển đã cân nhắc và thấy rằng họ buộc phải làm nhằm hạn chế đến mức tối đa tai nạn giao thông và hiệu quả của chiến lược này đã được chứng minh.
Ở Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng cách làm này, vấn đề khó khăn ở chỗ ta không có đủ nguồn tài chính để triển khai, cũng như giá thành của thiết bị là trở ngại với chủ phương tiện. Thời gian qua, chúng ta đã tiến hành lắp các thiết bị giám sát hành trình (hộp đen GPS) được triển khai có lộ trình và ta cũng buộc phải làm điều đó. Vậy, tại sao, chúng ta không thể từ từ triển khai thiết bị kiểm soát nồng độ cồn. Nếu làm được, chắc chắn sẽ giảm thiểu tai nạn do bia rượu. Một sáng kiến nhỏ ở đây là chúng ta có thể bắt buộc các nhà hàng, quán ăn lắp đặt thiết bị đo nồng độ cồn và bắt buộc các khách gọi taxi hoặc xe ôm nếu đã có nồng độ cồn vượt ngưỡng quy định, nếu vi phạm sẽ xử lý, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn do bia rượu ngay từ gốc.
Quan trọng nhất, nếu có một ngân hàng thông tin về hành trình của các phương tiện, sẽ là công cụ đắc lực để lực lương chức năng hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Người tham gia giao thông đóng góp thông tin về hành trình của mình vào hệ thống đó sẽ là tự bảo vệ cho chính mình và cho cả người khác.
Vấn đề chính ở đây là kinh phí để thực hiện ý tưởng này rất lớn, vì thế rất cần có sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Cần có sự vào cuộc của các doanh nghiệp vận tải và cả những người dân tin tưởng vào tương lai đất nước, có mong muốn hạn chế tình trạng tai nạn và ùn tắc giao thông. Để thực hiện được ý tưởng này cần chia ra các giai đoạn thực hiện. Ban đầu sẽ phủ sóng camera cho toàn bộ ô tô, sau đó sẽ là xe máy. Hiện nay, giá của một chiếc camera hành trình không còn đắt như chục năm trước nên hoàn toàn có thể thực hiện được ý tưởng này trong tương lai, trong vòng 5 - 10 năm tới, khi công nghệ đã trở nên phổ biến hơn. Có thể có người sẽ cho rằng ý tưởng này khó thực hiện, nhưng hãy thử nghĩ về chiếc điện thoại thông minh phổ biến như thế nào hiện nay khi 5 năm trước nó chỉ giành cho người khá giả.
Trong thời đại, con người ngày càng phụ thuộc vào công nghệ thông tin, thì chúng ta cũng nên ứng dụng những tiện ích của công nghệ thông tin giúp giải quyết những căn bệnh trầm kha của xã hội. Với ùn tắc và tai nạn, rất cần những người tâm huyết nghiên cứu, triển khai để phát triển tiện ích công nghệ thông tin giúp nguy cơ trên đường được giải quyết triệt để.
Theo Tạp chí GTVT